- Trong tháng 3/2012 Báo VietNamNet nhận được đơn thư phản ánh về những sai trái trong quản lý các mặt ở Trường mầm non Tây Mỗ A. Trong quá trình tìm hiểu đơn thư, chúng tôi gặp phải những khó khăn “lạ lùng” khi tiếp cận với cơ quan chức năng, ngay cả người bị tố trong đơn cũng “tránh” báo chí với lý do bận.

Bức xúc của cô giáo mầm non lâu năm

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hồng trú tại thôn Hạnh, xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội là một giáo viên mầm non lâu năm. Trong đơn gửi báo cô bức xúc viết: Trong ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 bảo vệ nhà trường và Hiệu trưởng nhà trường là cô Nghiêm Thị Bẩy lục xét túi sách trước rất đông người ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và danh dự của người giáo viên lâu năm như cô.
Cô Hồng cho biết, đã gửi đơn đi từ lâu nhưng chưa nhận được trả lời thì Hiệu trưởng đã chuyển trường.

Không chỉ thế, khi dạy ở trường mầm non Tây Mỗ A cô Hồng cùng một số giáo viên khác không nhận được các khoản tiền hỗ trợ lương chính đáng như những giáo viên khác trong trường vì những lý do rất “cảm tính” của hiệu trưởng nhà trường.

Đơn thư phản ánh của cô giáo Hồng còn cung cấp bằng chứng về việc Trường mầm non Tây Mỗ A thu nhiều khoản thu vô lý của học sinh như: Tiền mua xăng, tiền mua dây điện, phụ phí … Nhiều phụ huynh thắc mắc về những khoản tiền vô lý này, sau này khi phụ huynh thắc mắc, thì nhà trường có biên bản trả lại tiền mua dây điện cho phụ huynh.
 Danh sách trả lại tiền dây diện cho phụ huynh học sinh

Cô Hồng cũng phản ánh thêm rằng việc chi của nhà trường có dấu hiệu khuất tất. Như việc không công khai các khoản thu, chi và việc mua bán không phải do kế toán thực hiện mà do chính hiệu trưởng làm?!

Hiệu trưởng đã chuyển trường


Chúng tôi đã liên lạc với ông Lê Văn Bình (Trưởng phòng giáo dục huyện Từ Liêm) để tìm hiểu thông tin về vụ việc. Sau lần từ chối với lý do bận họp, những lần liên hệ sau của chúng tôi ông Bình đều không nhắc máy.

Hai lần đến trực tiếp Phòng giáo dục huyện Từ Liêm ông Bình đều vắng mặt, cũng không có lãnh đạo phòng trực và tiếp báo chí.
Đây là bảng công khai “thu chi” của trường mầm non Tây Mỗ A khi phóng viên đến tìm hiểu thông tin và cô Hiệu trưởng vắng nhà.

Thông tin về đơn thư của cô giáo Hồng chúng tôi cũng phản ánh đến Hiệu trưởng nhà trường là cô Nghiêm Thị Bẩy nhưng với lý do bận chuyển công tác (từ 1/4/2012) cô Bẩy hẹn sẽ gặp và cung cấp thông tin để làm rõ vấn đề nhưng sau đó im lặng đến thời điểm hiện nay.

Theo thông tin từ một số giáo viên Trường mầm non Tây Mỗ A, từ ngày 1/4 cô Nghiêm Thị Bẩy đến nhận công tác tại Trường mầm non Đại Mỗ B với chức danh Hiệu trưởng.

Khi thu một khoản thu xã hội hóa giáo dục phải đảm bảo tiêu chí gì?

Công văn số 6890/BGDT - KHTC hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho cơ sở giáo dục và đạo tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có nêu rõ:

Đối với việc vận động, đóng góp xây dựng các công trình nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, các dụng cụ phục vụ học tập, sinh hoạt của học sinh… Các trường khi vận động, phải thực hiện nghiêm túc quy định sau:
- Thống nhất chủ trương và kế hoạch triển khai trong Ban giám hiệu, Hội đồng nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh.
- Lập Kế hoạch công việc và Dự trù kinh phí chi tiết (bao gồm dự kiến nguồn huy động, các nội dung chi và dự kiến mức chi cụ thể) để thực hiện. Trong đó, Kế hoạch công việc phải nêu rõ mục đích, đối tượng hưởng lợi, hình thức huy động các nguồn đóng góp, cách thức tổ chức thực hiện, chất lượng sản phẩm, công trình,... Niêm yết công khai ít nhất một tuần để tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh Kế hoạch công việc và Dự trù kinh phí.
- Báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp để xin chủ trương và chỉ được tiến hành vận động và thực hiện sau khi có sự đồng ý của cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp.
- Sau khi hoàn thành công việc, các trường phải niêm yết công khai và báo cáo quyết toán số kinh phí đã huy động và kết quả thực hiện với các tổ chức, cá nhân đã đóng góp kinh phí.
- Quá trình quản lý và sử dụng phải quán triệt các nguyên tắc: Việc huy động và tiếp nhận các khoản đóng góp của xã hội cho các trường phải quán triệt nguyên tắc tự nguyện giữa hai bên. Quá trình quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện phải đảm bảo yêu cầu dân chủ, công khai, minh bạch…

Bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh là vi phạm pháp luật, gây ra ảnh hưởng xấu cho ngành giáo dục và đào tạo.

Đối chiếu với việc mà cô Nghiêm Thị Bẩy đã làm, chúng tôi thấy dấu hiệu của việc làm trái quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo!
  • Tĩnh Phan - Đình Hường