Quay trở về 10 năm trước, "thể thao điện tử" dường như vẫn còn là khái niệm xa lạ. Khi ấy, "game thủ" chỉ là mỹ từ mà những kẻ mê game gọi nhau, người ngoài đơn giản gộp chung thành một nhóm: thằng nghiện game. Chỉ mười năm sau, eSports nhanh chóng vươn lên thành ngành công nghiệp tỷ USD, vẽ ra viễn cảnh đầy khởi sắc cho những người yêu thích trò chơi điện tử.
Từ màn ảnh nhỏ cho đến những sân vận động có sức chứa hàng vạn khán giả, màn trình diễn của các vận động viên eSports nay được chú ý hơn bao giờ hết. Các tuyển thủ được mời phỏng vấn, lắng nghe, được chú ý và thừa nhận.
Team Flash của Việt Nam đăng quang tại giải vô địch Liên Quân thế giới. Ảnh: Lê Trọng. |
Trận chung kết thế giới của giải Liên Quân Mobile, một trò chơi trên điện thoại, phá kỷ lục với hơn 750.000 lượt khán giả là minh chứng cho sức hấp dẫn của ngành công nghiệp mới mẻ này.
Trái với những bộ môn thể thao khác, các giải đấu thể thao điện tử như giấc mơ trưa vô cùng gần gũi với phần đông khán giả. "Ngồi chơi game thôi cũng có tiền" dần trở thành hiện thực với những đứa trẻ. Nhưng phía sau giấc mơ trưa ấy, là những đêm ác mộng của người trong nghề.
Hiệu ứng thiên lệch kẻ sống sót
Hiệu ứng thiên lệch kẻ sống sót là thuật ngữ tâm lý học phổ biến, nói về lỗi tư duy khi con người chỉ nhìn vào những người thành công rồi đánh giá quá cao lĩnh vực/ngành nghề nào đó.
Khi nhìn vào thành công của Team Flash tại trận chung kết Liên Quân, người ta đã quên mất hàng chục đội tuyển khác ở Việt Nam phải dừng chân sớm. Phía sau những đội tuyển ấy, là hàng trăm tuyển thủ bị rớt lại ở vòng tuyển chọn thành viên đầu mùa giải. Phía sau những tuyển thủ không được chọn, là hàng nghìn người chơi luôn mơ ước được thi đấu chuyên nghiệp.
Khung cảnh tại đấu trường The International 2018. Đây là giải vô địch của tựa game Dota 2, hiện có tổng giải thưởng hơn 30 triệu USD. Ảnh: Valve. |
Phan "Stark" Công Minh, tuyển thủ Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) từng 2 lần tham dự giải đấu quốc tế, từng chia sẻ với Zing.vn: "Để được đãi ngộ tốt, bạn phải nằm trong nhóm những người giỏi nhất".
Theo thống kê của op.gg, trang thể thao điện tử uy tín hàng đầu của thế giới, hiện máy chủ LMHT ở Việt Nam có hơn 2,8 triệu người chơi, thuộc top 3 khu vực đông nhất. Trong hơn 2,8 triệu game thủ LMHT Việt chỉ có 300 người chơi tốt nhất được gọi là Thách Đấu, tương đương với tỷ lệ khoảng 0,0001%.
Lâm Huỳnh "Raizo" Gia Huy, tuyển thủ LMHT sinh năm 2002 hiện thi đấu cho đương kim vô địch Dashing Buffalo, từng nằm trong top 10 người chơi Thách Đấu tại Việt Nam. Nhưng bấy nhiêu có vẻ vẫn chưa đủ để đảm bảo cho thành công trong sự nghiệp.
DBL Raizo từng thể hiện rất tốt ở trận debut, nhưng nhanh chóng phai mờ trước những tuyển thủ tài năng khác. Ảnh: VED. |
Gia Huy từng là tuyển thủ thuộc lứa Academy của Dashing Buffalo, nay được thi đấu chính thức thay cho sự ra đi của tuyển thủ đường trên Zeros. Theo một nguồn tin của Zing.vn, tiền lương cho tuyển thủ Academy của các đội tuyển LMHT top đầu Việt Nam chỉ khoảng 3-4 triệu/tháng.
Việc được thi đấu chính thức như bước ngoặt đối với Raizo, nhưng tuyển thủ này đang dần vuột mất cơ hội ấy. Sau những trận đầu ra quân xuất sắc, Raizo nhanh chóng nhận được sự chú ý của người hâm mộ lẫn giới chuyên môn.
Tuy nhiên, chàng trai trẻ này bị nghi ngờ thực lực sau loạt trận có KDA (chỉ số hạ gục/chết/hỗ trợ trong trận đấu) nằm trong nhóm kém cỏi nhất VCS.
Mới đây, đội tuyển Dashing Buffalo công bố tin chuyển nhượng với tuyển thủ Nguyễn "Kaido" Đăng Khoa, được cho sẽ thay cho vị trí của Raizo ở đường trên. Raizo nhiều khả năng sẽ phải rời khỏi chiếc ghế vốn vẫn chưa kịp nóng ở VCS, chỉ sau lượt đi của mùa giải.
"Việc ép chín tài năng quá sớm là con dao hai lưỡi. Họ có thể bị nhấn chìm bởi dư luận và kì vọng của bản thân".
- BLV Hoàng Luân.
Như BLV Hoàng Luân của VETV từng chia sẻ về các tuyển thủ trẻ: "Việc ép chín tài năng quá sớm là một con dao hai lưỡi, họ có thể bị nhấn chìm bởi dư luận và kì vọng của bản thân".
Bên cạnh đó, tính đào thải vô cùng cao của nghiệp game thủ cũng là thử thách đối với những người quyết định bước chân vào con đường này.
Chỉ giỏi thôi chưa đủ
Chen Zebin, tuyển thủ chuyên nghiệp của tựa game QQ Speed Mobile nổi tiếng tại Trung Quốc, từng bị "thất sủng" đến mức trầm cảm. Anh từng ngồi dự bị suốt 10 tháng liên tục. Chen Zebin chia sẻ với SCMP: "Kỹ năng của tôi không hề thua kém ai cả, nhưng không được phép thi đấu chỉ vì thiếu kinh nghiệm".
"Tôi đã rơi vào tuyệt vọng. Đôi lúc tôi bật khóc mà không thể ngừng được", chàng trai 22 tuổi chia sẻ về quãng thời gian khó khăn của đời mình. Chen cuối cùng cũng có cơ hội thi đấu và tỏa sáng tại giải đấu được tổ chức bởi Tencent, chủ tựa game QQ Speed.
Chen Zebin từng phải ngồi dự bị trong thời gian dài, đối mặt với việc bị quên lãng và phải giã từ sự nghiệp game thủ. Nhưng anh đã nhanh chóng vực dậy sau đó. Ảnh: Chen Zebin. |
Chen Zebin hiện nhận được mức lương 3.000 USD, gấp đôi mức lương trung bình của người dân Thượng Hải, nơi anh cống hiến cho đội tuyển hiện tại của mình. Anh cho biết mình đã dành 12 tiếng mỗi ngày để tập luyện cho giây phút tỏa sáng. Nhưng phía sau câu chuyện cổ tích của Chen, không ít tài năng "chưa tỏa đã tàn".
Yang Zhikun, người có kinh nghiệm là game thủ chuyên nghiệp ở tựa game PUBG trong một năm, chia sẻ với SCMP: "Để có được mức lương cao, bạn phải ở trên đỉnh của kim tự tháp".
Điều này đúng ở môi trường game của bất kì quốc gia nào, kể cả Việt Nam. Quản lý đội tuyển của Chen Zebin, Liu Yin - cựu vô địch tựa game StarCraft, cho biết những "game thủ đặc biệt" có thu nhập gấp 3 lần các tuyển thủ khác.
Theo nguồn tin của Zing.vn, thu nhập của các tuyển thủ LMHT thi đấu tại VCS hiện chia làm các mức: 3-4 triệu cho lứa Academy, 10-20 triệu cho các tuyển thủ thông thường và trên 30 triệu cho những người nổi bật. Trường hợp cá biệt, những tài năng như Lê "SofM" Quang Duy đang thi đấu ở nước ngoài có mức lương được đồn đoán khoảng 5.000 USD.
"Thần đồng" LMHT của Việt Nam, SofM, hiện thi đấu cho LNG Esports (trước kia là Snake Esports) của giải LPL Trung Quốc. Ảnh: Snake Esports. |
"Tất cả game thủ đều ôm giấc mơ trở thành nhà vô địch, vì chẳng ai nhớ đến kẻ thua cuộc cả. Nếu bạn thể hiện không tốt thì rất nhanh chóng thôi, vị trí của bạn sẽ bị thay thế. Đây là sự thật khắc nghiệt và không thể tránh khỏi của nghiệp game thủ." - Yang Zhikun chia sẻ.
Theo như hiệu ứng thiên lệch kẻ sống sót, tất cả cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp đều có tài năng, đều nỗ lực tập luyện không ngừng, đều đam mê và quyết tâm... nhưng thế giới chỉ có một Cristiano Ronaldo. Điều tương tự cũng đúng với nghiệp game thủ, họ cần nhiều hơn những yếu tố trên để được biết đến.
"Tất cả game thủ đều ôm giấc mơ trở thành nhà vô địch, vì chẳng ai nhớ đến kẻ thua cuộc cả".
- Yang Zhikun, cựu game thủ chuyên nghiệp của tựa game PUBG.
Sự hi sinh có lẽ là phần bị bỏ qua nhiều nhất trong các câu truyện về hào quang của các game thủ chuyên nghiệp.
Máu, nước mắt và hơn thế nữa
Năm ngoái, Royal Never Give Up (RNG), đội tuyển thể thao điện tử nổi tiếng của Trung Quốc, đã tổ chức trại hè huấn luyện cho các fan hâm mộ thử sức làm game thủ chuyên nghiệp. Chỉ sau một tuần, kết quả báo cáo từ trại hè cho thấy ít nhiều "giấc mơ trưa" của người hâm mộ đã bị dập tắt.
Theo Baijiahao, 30% người tham gia đã khóc ngay tại chỗ, 80% trở nên cáu gắt và to tiếng với nhau, 99% cảm thấy các dấu hiệu của trầm cảm. Những người tham gia cho biết trải nghiệm của họ khác xa với kì vọng trước đó. "Chúng tôi phải chơi game suốt 12h liên tục, người tôi chưa bao giờ bẩn như thế này", một người tham gia chia sẻ.
Nhiều người đã không trụ nổi và bỏ cuộc trước 7 ngày thử thách, nhưng ban tổ chức cho biết trải nghiệm trên chỉ là 60% so với cuộc sống thực tế của game thủ.
Đặt bút kí trở thành game thủ chuyên nghiệp đồng nghĩa với việc sống, ăn và ngủ cùng game. Stark cho biết: "Chơi game đã trở thành một công việc rồi và mình không còn thấy vui nữa". Ảnh: VED. |
Stark, "đại đế" đường trên của VCS, trong lần phỏng vấn với Zing.vn đã cho biết chế độ tập luyện của anh và nhiều game thủ khác thường bắt đầu từ 12h trưa đến tận tối khuya, sau đó ngủ đến trưa hôm sau.
Các game thủ phải sinh hoạt tại gaming house của đội tuyển, từ tập luyện, ăn, ngủ cho đến những hoạt động chung khác. Có lẽ đây cũng là lý do khiến phần đông streamer và game thủ vẫn có cuộc sống độc thân.
Bomman, game thủ kiêm streamer được yêu thích nhất tại Việt Nam ở tựa game CSGO, nổi tiếng bị trêu chọc về chuyện độc thân của mình. Anh cũng từng phải uống thuốc trực tiếp trên sóng trong một lần bình luận giải đấu xuyên đêm cho người hâm mộ.
Ngoài lịch sinh hoạt chuyên nghiệp tương đối khép kín, các game thủ còn chịu sự quản lý về nhiều mặt của đời sống.
Một game thủ chuyên nghiệp sẽ bị quản lý về những phát ngôn, quyền sử dụng hình ảnh cũng như nhiều hoạt động bên lề các. Các điều khoản này tương tự với cầu thủ hay những người hoạt động nghệ thuật trong giới showbiz.
Hình ảnh và phát ngôn của game thủ vốn được quản lý rất gắt gao, đặc biệt ở những đội tuyển top đầu như Dashing Buffalo. Ảnh: VED. |
Stark cũng cho rằng game thủ chuyên nghiệp là ngành nghề "lai" giữa bóng đá và showbiz với những đặc điểm như: tuổi nghề ngắn, phụ thuộc nhiều vào tài năng, giờ giấc sinh hoạt trái ngược, đào thải cao và thu nhập tùy vào tầm ảnh hưởng.
Tuổi nghề của game thủ chuyên nghiệp rơi vào khoảng 18-25, nhưng chủ yếu nằm trong khoảng 18-22 tuổi. Giai đoạn này trùng khớp với bậc đại học ở Việt Nam, tức là để đánh đổi theo chuyên nghiệp, game thủ cần nhiều mạo hiểm ở đất nước vốn coi trọng bằng cấp.
Chơi game có phải sự nghiệp cả đời?
Kết thúc mỗi mùa giải, dù có được vinh quang hay không, mỗi game thủ phải chấp nhận đánh đổi mất những năm đầu trưởng thành quan trọng. Các game thủ chuyên nghiệp sau khi giã từ sự nghiệp có thể theo nghiệp streamer, bình luận viên, huấn luyện viên...
Nhưng theo "thầy giáo Ba", streamer LMHT nổi tiếng nhất ở Việt Nam hiện nay, nghiệp streamer cũng có tuổi đời vô cùng ngắn, chỉ từ 3 đến 5 năm.
Có thể thấy, những game thủ sáng nhất ở Việt Nam, những người còn được nhớ mặt đặt tên, phần nhiều đều chọn đi theo con đường kinh doanh. Game thủ không hẳn là sự nghiệp cả đời, mà chỉ như quãng dạo chơi ngắn của những tài năng xuất chúng trong lĩnh vực này.
Phía sau những Stark, Zeros hay Optimus nổi tiếng, ắt hẳn cộng đồng fan LMHT Việt Nam đã quên mất những tuyển thủ ở VCSB. Điểm chung của tất cả những tuyển thủ này là họ đều phải nỗ lực và hi sinh, điều khác biệt nằm ở việc người thì thành công, kẻ lại thất bại.
Hình ảnh phụ huynh đến sân vận động để cổ vũ cho con em game thủ. Ảnh: Lê Trọng. |
Có lẽ rủi ro này đã khiến cho ông Trần Đình Thọ và bà Phí Thị Phu, phụ huynh của tuyển thủ Trần "XB" Xuân Bách - một trong những đương kim vô địch Liên Quân thế giới - vẫn mong muốn con trai mình có được tấm bằng đại học.
Quay trở lại với game thủ sinh năm 2002 Lâm Huỳnh "Raizo" Gia Huy, chàng trai trẻ tuổi này đã bỏ học từ năm lớp 9 và chơi game là kĩ năng tốt nhất hiện tại cậu có được. Đứng trước nguy cơ bị thay thế, Raizo phải nỗ lực rất nhiều trước khi bị quên lãng.
Còn những người thất bại khác, có lẽ cũng đã bị lãng quên, đến mức chẳng ai còn nhớ tên để kể lại nữa.