Sau 20 tháng thi công không kể ngày đêm, cầu Nhơn Trạch thuộc dự án đường vành đai 3 TP.HCM nối giữa TP Thủ Đức và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đang dần thành hình.
Trong dịp 30/4-1/5, trên công trường, chủ đầu tư vẫn tổ chức thi công 41 mũi với khoảng 500 nhân sự cùng hơn 120 máy móc thiết bị, làm xuyên lễ để đẩy nhanh tiến độ các hạng mục.
Dự án có chiều dài khoảng 8,2km, quy mô giai đoạn 1 gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.
Công trình gồm hai gói thầu là CW1 xây cầu Nhơn Trạch dài 2,6km, và gói CW2 thi công phần đường dẫn 2 đầu cầu dài 5,6km.
Tổng mức đầu tư dự án thành phần 1A thuộc đường vành đai 3 TP.HCM là hơn 6.900 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn cho chi phí giải phóng mặt bằng hơn 2.200 tỷ đồng.
Dự án được khởi công tháng 9/2022 và dự kiến hoàn thành tháng 9/2025.
Tính đến nay, tổng giá trị thực hiện của dự án đạt khoảng 50% giá trị hợp đồng. Riêng gói thầu CW1 đã đạt hơn 70%, đáp ứng tiến độ và yêu cầu kế hoạch rút ngắn để hoàn thành vào dịp 30/4/2025.
Còn gói thầu CW2 hiện mới đạt hơn 21%, chậm so với yêu cầu đề ra. Nguyên nhân là do tỉnh Đồng Nai bàn giao mặt bằng chậm và nguồn vật liệu cát đắp nền khan hiếm, dẫn đến công tác huy động chậm.
Ông Trần Bình An, Giám đốc dự án cầu Nhơn Trạch, cho biết tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng ở Đồng Nai rất chậm, phần lớn mặt bằng chỉ mới được bàn giao trong những tháng gần đây.
Thời gian còn lại của dự án chỉ còn khoảng hơn một năm nhưng vẫn vướng một số vị trí cục bộ, có các hộ dân chưa chịu di dời trên phạm vi tuyến chính của dự án.
Bên cạnh đó, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhiều dự án trọng điểm diễn ra nên rất khan hiếm về nguồn cát, ảnh hưởng đến công tác huy động vật liệu của nhà thầu.
Ban QLDA Mỹ Thuận đã kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai đẩy nhanh chi trả bồi thường, sớm bàn giao 100% mặt bằng sạch cho dự án và đẩy nhanh tiến độ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Ngoài ra, Ban cũng mong muốn các địa phương hỗ trợ bố trí nguồn cát để chủ động trong công tác thi công dự án.
Cầu Nhơn Trạch là một công trình giao thông trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Đông Nam Bộ.
Khi hoàn thành, cây cầu này sẽ góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa Đồng Nai và TP.HCM, thúc đẩy giao thương và phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực, hứa hẹn sẽ là “điểm sáng” giao thông kết nối các tỉnh thành trong vùng.