Thị trường xô bồ, bát nháo khiến các trang trại trồng nấm linh chi gặp khó khăn về đầu ra, nhất là áp lực phải tiêu thụ nhanh do không bảo quản được lâu, ít sản phẩm chế biến sâu.
Trên thị trường đông dược tại TP HCM, nhiều chủng loại nấm được bán với tên nấm linh chi khiến người tiêu dùng hoa mắt. Trên mạng xã hội cũng có nhiều nhà phân phối hoặc các trại trồng nấm linh chi tự phơi khô bán với giá dao động từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/kg.
Dược liệu bán như nông sản
Theo ông Cổ Đức Trọng, Tổng Giám đốc Công ty CP Linh chi Vina - người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, thị trường nấm linh chi đang lâm vào cảnh "trăm người bán, mười người mua". Sản lượng linh chi của Việt Nam năm 2017 ước đạt 250 tấn, tăng 500 lần so với năm 1988, trong đó Công ty CP Linh chi Vina chiếm khoảng 10%. Số lượng các công ty nấm và trại nấm tăng đáng kể thời gian gần đây với khoảng 10 công ty và 40 trại tại TP HCM.
Một thương hiệu nấm linh chi được giới thiệu trong chương trình “Cà phê doanh nhân” tại TP HCM |
Bà Lê Hà Mộng Ngọc, Giám đốc HTX Nấm Việt (huyện Củ Chi, TP HCM), cho biết nấm linh chi trồng trong nước hiện chiếm 40% thị trường, 60% còn lại nhập từ Hàn Quốc, Trung Quốc. Một số nấm từ Trung Quốc đã bị chiết hết tinh chất, sau đó sơn một lớp keo lên bề mặt cho có màu bắt mắt. Trong dung dịch keo có một số chất bổ sung, khi người tiêu dùng nấu lên có hương vị tương tự nấm linh chi nhưng đều là nhân tạo.
Theo bà Ngọc, có đến 90% nấm linh chi đang được bán dạng thô và nấu uống như trà, sản phẩm còn đơn điệu. Các sản phẩm chế biến sâu như trà linh chi, rượu linh chi, linh chi trộn mật ong… còn ít. Một số người còn sử dụng nấm linh chi để nấu món lẩu nhưng dùng không được nhiều vì vị đặc trưng hơi đắng, nhẫn, không hấp dẫn.
Do chưa có sự phân định quản lý của Bộ Y tế hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nấm linh chi là dược liệu nhưng đang quản lý như các loại nông sản. Với trình độ khoa học như ngày nay, việc kiểm tra dược tính của nấm linh chi để đánh giá chất lượng không khó nhưng chưa có chế tài thực hiện. Vì thế, nấm linh chi chủ yếu bán thô, chưa phát huy được hết giá trị. Trong khi đó, tại Nhật Bản, Hàn Quốc, nấm linh chi được sử dụng phổ biến với nhiều cách chế biến khác nhau, giúp gia tăng giá trị.
TS Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết tiềm năng của nấm dược liệu, trong đó có linh chi, còn rất lớn. TP HCM có chủ trương khuyến khích trồng nấm linh chi nhưng khuyến cáo cần có sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ.
Khó phân biệt
Không chỉ trồng và bán đại trà như nông sản, nấm linh chi cũng không qua khâu kiểm nghiệm, kể cả hàng nhập khẩu. Vì vậy, mạnh ai nấy quảng cáo chất lượng, không có cơ sở khoa học do thiếu những nghiên cứu cơ bản từ đầu. Mặc dù Việt Nam đã có chất chuẩn giúp kiểm nghiệm linh chi để phân định chất lượng nhưng chuẩn này chưa được đưa vào sử dụng nhằm lành mạnh hóa thị trường.
Mới đây, PGS-TS Trương Thị Đẹp, nguyên Trưởng Bộ môn Thực vật thuộc Khoa Dược Trường ĐH Y Dược TP HCM, đã thực hiện đề tài "Phân biệt một số nhóm nấm linh chi trên thị trường TP HCM". Bà đã thu thập 46 mẫu trên thị trường, đánh giá trierpenoid (đặc trưng của nấm linh chi) và ghi nhận 2 trường hợp nhập từ Trung Quốc không còn dược tính.
Theo PGS-TS Đẹp, người tiêu dùng dễ nhầm lẫn, khó phân biệt vì các chủng loại nấm có hình dạng tai khá giống nhau. Qua kiểm nghiệm, linh chi chủng Nhật trồng ở Việt Nam có hàm lượng hoạt chất cao hơn chủng Việt Nam, Trung Quốc. Do đó, nhiều trại nấm tại Việt Nam chọn linh chi giống Nhật để trồng và bán cho nhiều công ty dược, một số còn xuất khẩu sang Nhật Bản.
Bà Lê Hà Mộng Ngọc cho rằng người trong nghề có thể nhìn vân nấm để phân biệt chúng có nguồn gốc từ đâu, thu hoạch bao lâu. Thế nhưng, người bán có nhiều tiểu xảo hoặc trộn lẫn nấm chất lượng xấu với nấm chất lượng tốt để qua mặt người tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng phải tìm nơi bán linh chi có uy tín, thương hiệu thì mới mua được đúng sản phẩm.
Công dụng tốt nhưng ít được dùng Theo BS Trần Văn Năm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP HCM, nghiên cứu lâm sàng cho thấy linh chi có tác dụng tốt cho tim mạch, tăng chức năng miễn dịch, bảo vệ tế bào gan, hạn chế phát triển tế bào ung thư, chống dị ứng, chống viêm. Đây là dược liệu có trong Dược điển Việt Nam và được BHYT chi trả. Tuy nhiên, để được BHYT chi trả cho loại dược liệu quý này (cùng với nhân sâm), đơn thuốc phải qua hội chẩn, ban giám đốc bệnh viện phê duyệt nên hiếm có người bệnh được dùng. |
(Theo Người lao động)