Thời gian gần đây, ở Việt Nam xuất hiện nhiều căn bệnh lạ. Có bệnh đã tìm ra được nguyên nhân và có biện pháp điều trị. Nhưng cũng có những bệnh cho đến giờ vẫn chưa tìm ra căn căn nguyên và phương pháp chữa trị gây hoang mang, lo lắng trong cộng đồng
Quảng Ngãi: Đóng chặt cửa nhà vì bệnh lạ
Từ tháng 4 năm 2010 đến nay, tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, nhiều người mắc
một căn bệnh rất lạ. Biểu hiện lâm sàng là tổn thương da mu bàn tay, bàn chân,
đầu và kẽ của các ngón tay, chân với những mảng da màu đỏ sậm, sưng nhẹ, đau
nhẹ, ít ngứa. Sau 4-7 ngày, gan bàn tay, bàn chân có dấu hiệu nứt, nẻ và dày.
Một số bệnh nhân có tổn thương viêm kẽ mép, ban đỏ ở 2 má.
Một người dân ở xã Ba Điền, huyện Ba Tơ mắc bệnh lạ đang được điều trị (Ảnh: VietNamNet) |
Cuối tháng 11/2011, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi công bố kết quả khảo sát ban đầu về tình hình bệnh lạ tại xã Ba Điền của đoàn công tác của Bộ Y tế. Theo đó, đây là bệnh viêm da bàn tay bàn chân do tiếp xúc, mà nghi do các chất được sử dụng trong nông nghiệp gây ra.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 12/2012, gần 1 tháng kể từ khi có kết quả khảo sát của đoàn công tác của Bộ Y tế, bệnh lạ tiếp tục bùng phát trở lại ở Quảng Ngãi. Bệnh không chỉ tái phát tại huyện Ba Tơ mà đã lan sang huyện Minh Long. Đặc biệt, bệnh không chỉ xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân mà đã lây lan sang miệng, lưng, bụng với nhiều vết lở loét.
Theo thống kê của ngành y tế Quảng Ngãi, tính đến đầu tháng 1/2012, số người mắc bệnh lạ đã lên đến 80 người, trong đó đã có 2 người ở xã Ba Điền tử vong. Căn bệnh gieo rắc chết chóc này khiến nhiều gia đình đang hoang mang, đóng chặt cửa, không dám ra đồng sản xuất và không cho con em (đặc biệt là ở tuổi mầm non và tiểu học) đến lớp vì… sợ lây bệnh. Hiện người dân vẫn rất hoang mang, không biết căn bệnh trên là bệnh gì, y học hiện đại có điều trị được hay không và có lây lan không? Câu hỏi này vẫn chưa được ngành y tế minh định.
Những đứa trẻ bị ‘quỷ ám’ ở Hòa Bình
Dư luận năm 2011 xôn xao về một căn bệnh lạ bùng phát trên nhiều đứa trẻ ở xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Căn bệnh khiến người mắc bị ngứa ngáy và lở loét, bong tróc da toàn thân. Có những em bị nặng còn bị biến dạng cả khuôn mặt lẫn hình hài, tinh thần và trí tuệ kém phát triển.
Bệnh quái ác làm khuôn mặt một bệnh nhân bị méo mó, biến dạng. (Ảnh: Bưu điện VN) |
Đến nay, toàn xã Mường Chiềng có 11 em mắc phải căn bệnh này, trong đó 3 em đã tử vong, còn lại 8 em đang sống dở chết dở, từng ngày phải vật lộn với nỗi đau đớn về thể xác. Các em đã được đưa đến bệnh viện chữa trị nhưng bệnh không hề thuyên giảm. Đông y cũng “bó tay”. Điều đó khiến người ta đinh ninh, những đứa trẻ bất hạnh ở đất này bị “quỷ ám”.
Bác sĩ Phạm Văn Hiển, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Da liễu Quốc gia, cho biết trên báo Tiền Phong: Những đứa trẻ ở Mường Chiềng bị bệnh khô da đậm sắc tố, có tên khoa học là Xeroderma Pimentosum. Căn bệnh này rất hiếm gặp và chưa rõ căn nguyên. Theo bác sĩ Hiển, đến nay vẫn chưa thể kết luận được đây là hiện tượng ngẫu nhiên hay do ảnh hưởng của môi trường. Hiện ngành y cũng chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này và chưa có phác đồ điều trị dứt điểm.
Người đàn ông 'chân voi'
Năm lên 4 tuổi, anh Nguyễn Duy Hải (SN 1980, ở Lâm Đồng) bỗng bị nổi bướu ở chân phải, khối u ngày càng phát triển nhanh. Đến năm 17 tuổi, khối u đã nặng tới 28kg khiến anh đau đớn và không thể tự mình đi lại được. Khi đó, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã cắt bỏ cái chân phải quá khổ của anh. Tuy nhiên, năm 21 tuổi, đoạn chân phải còn lại của anh Hải tiếp tục to ra. Theo thời gian, khối u phát triển bao kín cả phần mông và lưng với bề rộng phình to chừng 1,2m và nặng hơn 90kg.
Bệnh nhân Hải với khối u khổng lồ trước khi được phẫu thuật. (Ảnh: VietNanNet) |
Theo kết luận của các bác sĩ, anh Hải bị bệnh "chân voi". May mắn là khối u của anh Hải vừa được bác sĩ đến từ Mỹ và ê kíp 60 bác sĩ của BV Việt - Pháp TP.HCM cắt bỏ vào ngày 5/1 vừa qua. Ngày 12/2, anh Hải đã tự chống nạng đi được vài bước. Dự tính khoảng 1 tháng nữa, anh Hải có thể xuất viện trở về với cuộc sống đời thường.
Những người có thân hình 'quỷ’
Lúc mới sinh ra, Thạch Thị Sa Ly (35 tuổi, ở Sóc Trăng) cũng bình thường, khỏe mạnh. Nhưng đến hơn 1 tuổi, phía sau lưng chị có vài mụn bướu nhỏ. Càng lớn, những mụn này cũng lớn theo và lan ra khắp người. Những khối u này đã che đi đôi mắt, lấp luôn sống mũi khiến gương mặt chị Sa Ly bị biến dạng.
Sáng ngày 7/1, bệnh nhân Sa Ly đã được chuyên gia phẫu thuật người Mỹ McKay McKinnon phối hợp cùng các bác sĩ của BV Chợ Rẫy (TP.HCM) phẫu thuật. Sau gần 8 giờ phẫu thuật, hàng ngàn khối u trên cơ thể chị Sa Ly đã được cắt bỏ.
Từ trái sang phải, trên xuống dưới: ông Nguyễn Đình Chiểu, bà Nguyễn Thị Đáng, bà Nguyễn Thị Nghĩa và bà Thạch Thị Sa Ly. |
Các trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Đáng (60 tuổi, ở Hà Nam). Năm 19 tuổi, bà tự nhiên nóng như có kiến bò trong người, cùng với đó, toàn thân nổi những khối u và rất nhiều cục to, tròn, ngứa ngáy, khó chịu. Không may mắn như chị Sa Ly, tuy đã chữa trị khắp nơi, nhưng đến nay, ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Đáng vẫn phải sống chung với những nốt kỳ quái. Ông Nguyễn Đình Chiểu, SN 1961, ngụ tại cụm 9, thôn Vương Điện, xã Ngọc Tảo, (Phúc Thọ, Hà Nội) cũng bị những nốt nhỏ khi mới sinh ra chỉ ít ngày. Dần dần những nốt đó mọc lên khắp cơ thể và lớn dần lên. Không được học hành, không nghề nghiệp, ông lang thang hành nghề nhặt rác nuôi thân và gia đình.
Trường hợp được phát hiện gần đây nhất là bà Nguyễn Thị Nghĩa, 58 tuổi ở khối
phố 5, phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam. Lúc vừa chào đời, trên người
bà Nghĩa đã xuất hiện những mụn nhỏ li ti. Càng lớn, những mụn này càng sưng to
rồi lan rộng khắp cơ thể. Gia đình đã có lần đưa đi khám nhưng các bác sĩ
không trả lời được bệnh gì.
Thiếu nữ bỗng dưng biến thành bà già
Năm 2007, chị Nguyễn Thị Phượng (27 tuổi, ở tỉnh Bến Tre) xuất hiện những triệu
chứng ngứa da mặt và da tay. Sau một thời gian tự dùng thuốc chữa dị ứng, từ một
phụ nữ trẻ đẹp, chị Phượng “biến” thành một “bà cụ 70 tuổi” với khuôn mặt nhăn
nheo, chảy xệ. Theo kết luận của các chuyên gia da liễu, chị Phượng bị bệnh tế
bào vón, nhão da.
Từ một cô gái trẻ đẹp, chị Phượng bỗng hoá bà già. |
Sau một thời gian điều trị tích cực, tháng 12/2011, chị Phượng đã được xuất viện về uống thuốc tại nhà khoảng hai tháng. Sau khi bệnh tế bào vón đã được khắc chế, chị Phượng sẽ tiếp tục điều trị theo các phương án thẩm mỹ phù hợp để tạo hình phần da bị hỏng do tế bào vón. Hiện gương mặt của chị đã trẻ lại khoảng 30%; hiện tượng chảy xệ, ửng đỏ, nổi mề đay không còn nữa. Một trường hợp biến thành bà già khác là chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (SN 1984, trú khối phố Thanh Nam, phường Cẩm Châu, TP Hội An, Quảng Nam). Từ khi học lớp 5, chị Mai bị ngứa ngáy, nổi đỏ khắp người. Sau khi uống đủ loại thuốc thì khuôn mặt chị bị phù, sau xẹp xuống, nhăn nhúm như người già.
Thu An (tổng hợp)