Chương trình xây dựng nông thôn mới được huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và liên tục. Huyện đã và đang chủ động lồng ghép các nguồn lực để triển khai thực hiện hiệu quả.
Với những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể từ các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể… diện mạo nông thôn mới của huyện đã đổi thay. Đường sá khang trang, đời sống người dân được nâng cao, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng khởi sắc.
Đặc biệt, phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Hoàng Su Phì đã khơi dậy mạnh mẽ vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên cùng sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.
Hưởng ứng phong trào “Ngày nghỉ hướng về nông thôn mới và nhà ở”, hàng năm, đã có hàng trăm km đường giao thông nông thôn được mở mới, tu sửa, bê tông hóa và nhiều ngôi nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách được xây dựng từ sự đóng góp ngày công, tiền mặt của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Theo đó, vào những ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, cán bộ, công chức, viên chức các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của huyện lại xuống các thôn, bản cùng nhân dân thực hiện các phần việc như làm đường bê tông nông thôn; vệ sinh đường làng, ngõ xóm; thu gom, xử lý rác thải; di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà.
Đây là một trong những giải pháp của huyện Hoàng Su Phì nhằm phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các xã, thị trấn.
Những công việc mà cán bộ, công chức thực hiện rất đa dạng như: Làm đường giao thông nông thôn; xóa nhà tạm; vệ sinh môi trường; trồng cây xanh, trồng hoa dọc các tuyến đường tạo cảnh quan; hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất…
Cùng với đó, các tổ chức chính trị - xã hội của huyện cũng triển khai phong trào “Mỗi đoàn thể, mỗi tuần chọn một thôn, làm một việc”. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình thực hiện các tiêu chí, các địa phương đều lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng dân cư, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch. Nhờ đó, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân.
Từ 2021 – 2023, nhân dân huyện Hoàng Su Phì đã hiến trên 141.000 m2 đất; đóng góp trên 205.000 ngày công lao động; ủng hộ 9,2 tỷ đồng cho Quỹ Chung sức xây dựng nông thôn mới của huyện. Bê tông hóa được 182 km đường giao thông các loại (từ 1,5 - 4m); láng nền nhà 800 hộ; xây dựng 1.021 nhà tắm, 773 bể nước; cứng hóa, di dời 454 chuồng trại gia súc; kiên cố hóa kênh mương 3,7 km; xây dựng 31 phòng học; xây mới và sửa chữa 21 nhà văn hóa thôn...
Riêng năm 2022, các xã đã vận động nhân dân hiến được 48.724 m2 đất, đóng góp 92.169 ngày công lao động mở mới, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng đường được trên 108 km; bê tông hóa 82,5 km đường giao thông nông thôn; láng nền nhà 221 hộ, xây dựng 279 nhà tắm, 304 nhà vệ sinh; cứng hóa, di dời 75 chuồng trại, xây dựng 156 bể nước, xây mới 5 phòng học; xây dựng, sửa chữa 7 nhà văn hóa thôn. Đồng thời, các xã duy trì 121 mô hình kinh tế hiệu quả, mở được 15 lớp đào tạo nghề với 606 học viên, duy trì 15 nhóm sở thích liên kết phát triển kinh tế ở các thôn, bản.
Đến nay, toàn huyện Hoàng Su Phì có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại bình quân đạt 11,9 tiêu chí/xã. Kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được hoàn thiện, các tuyến đường giao thông, thủy lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương và sản xuất của nhân dân.
Qua rà soát theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, toàn huyện chưa có xã đạt Tiêu chí số 10 về thu nhập; có 20/23 xã hoàn thành Tiêu chí số 12 về lao động, đạt 87%; có 8/23 xã hoàn thành Tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, đạt 34,8%. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo bộ tiêu chí mới của toàn huyện là 47,9%. Toàn huyện chưa có xã nào đạt Tiêu chí số 11 về tỷ lệ hộ nghèo đa chiều.
Để thực hiện các tiêu chí này, huyện Hoàng Su Phì tiếp tục tập trung huy động nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã. Chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động... góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, tạo chuyển biến thực sự cho bộ mặt nông thôn của huyện.