Một điểm gây tranh luận trong dự thảo Luật BĐTT, ATGTĐB là việc quy định trẻ em dưới 12 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35 m khi được chở trên ô tô chở người thì không được ngồi ở hàng ghế trước (ghế cạnh người lái xe), trừ trường hợp xe chỉ có một hàng ghế. Đối với trẻ em dưới bốn tuổi được chở trên ô tô phải được ngồi bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em.
Vậy đâu là căn cứ cho các tiêu chí này. Phân tích sau đây là từ kinh nghiệm của các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ
Ở các nước châu Âu
Thắt dây an toàn khi lái xe là cách đơn giản nhất và rẻ nhất nhằm tránh các chấn thương khi lái xe vì chúng không đòi hỏi gì đến đến bất kỳ công nghệ phức tạp gì và được lắt đặt dễ dàng cho tất cả các xe ô tô con. Luật pháp các quốc gia châu Âu quy định về việc bắt buộc phải thắt dây an toàn khi lái xe được thực hiện từ những năm 1970.
Việc thắt dây an toàn khi lái xe được thực hiện bắt buộc tại các quốc gia tại EU từ những năm đầu 1990 đối với lái xe và hành khách ngồi ghế trước. Từ năm 2006, thắt dây an toàn khi lái xe là bắt buộc với mọi người ngồi trên xe khi lái xe (xe dưới 3,5 tấn) tại các nước EU. Theo luật của EU, lái xe và hành khách trên xe phải thắt dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi có thiết kế dây an toàn khi di chuyển.
Nghiên cứu của EU chỉ ra rằng việc không thắt dây an toàn khi lái xe là nguyên nhân gây chết người đứng thứ hai trong các tai nạn trên các tuyến đường tại đây (đứng đầu là chạy quá tốc độ sau khi uống đồ uống có cồn).
Một nghiên cứu của EU vào năm 2008 cũng chỉ ra rằng thắt dây an toàn khi lái xe có thể cứu mạng 7.300 người mỗi năm tại EU. Cho dù các xe ô tô được lắp túi khí thì việc thắt dây an toàn khi lái xe vẫn là yêu cầu bắt buộc và không thể bị thay thế.
Theo luật của EU, trẻ em có chiều cao dưới 1,35m phải sử dụng ghế ngồi thiết kế và lắp đặt dành riêng cho trẻ em phù hợp với trẻ. Trẻ em cao hơn có thể sử dụng loại ghế có thắt dây an toàn của người lớn. Đặc biệt, loại ghế trẻ em có mặt quay về phía sau không được phép lắp đặt cho trẻ ở hàng ghế đầu cạnh tài xế trừ khi túi khí đã được vô hiệu hoá kích hoạt. Từ năm 2017 khi EU có sự thay đổi lớn về luật pháp và được triển khai trên diện rộng, tiêu chuẩn ECE R129 (còn gọi là i- Size) đã được áp dụng với những tiêu chuẩn mới cho ghế ngồi trẻ em trên xe được tính căn cứ vào chiều cao của trẻ thay vì cân nặng bởi lẽ các vị phụ huynh sẽ dễ nhớ chiều cao của trẻ hơn trẻ đó cân năng bao nhiêu.
Cũng theo tiêu chuẩn i-Size về ghế ngồi cho trẻ em trên xe o tô, loại ghế ngồi nâng cho trẻ sẽ được bán kèm với tựa lưng nhằm giúp trẻ em giảm thiểu tối đa chấn thương cũng như giữ cho trẻ ngồi thoải mái trong tư thế có mặt quay về phía sau càng lâu càng tốt.
Những mục đích khác của tiêu chuẩn i-Size là: Giảm thiểu rủi ro của việc sử dụng sai và lắp đặt không chính xác nhờ ghế đã được bảo đảm an toàn bằng điểm kết nối/bản lề ISOFIX (ISOFIX là một tiêu chuẩn về điểm kết nối ghế trẻ em trên xe ô tô và xe chở khách giống như LATCH tại Mỹ hay Canfix tại Canada); khuyến khích mặt quay về hướng sau như là một quy định bắt buộc với ghế ngồi i-Size mặt quay về phía sau cho trẻ dưới 15 tháng tuổi; giúp phân loại dễ dàng hơn về loại ghế ngồi cho trẻ theo chiều cao thay vì cân nặng; giúp ghế ngồi trẻ em an toàn hơn do các tác động va chạm phía cạnh bên; đồng bộ về ghế trẻ em i-Size giữa nhà sản xuất xe và sản xuất ghế trên mọi loại xe.
|
Một trong các lý do của việc lựa chọn “ tiêu chuẩn vàng” về chiều cao dưới 1,35m của trẻ em dưới 12 tuổi để bắt buộc phải sử dụng ghế chuyên dụng dành cho trẻ em là do các nhà làm luật tính toán rằng đây cũng là độ tuổi phổ biến để đạt đến chiều cao này của trẻ. Tuy nhiên cũng có một số ngoại lệ, ví dụ như tại Áo, trẻ dưới 14 tuổi hoặc cao dưới 1,5m không được ngồi tại hàng ghế phía trước cạnh tài xế và phải ngồi ghế trẻ em chuyên dụng.
Tại Bỉ và Hà Lan thì độ tuổi của trẻ được nâng thành dưới 18 tuổi và/hoặc cao dưới 1,35m phải ngồi ghế dành cho trẻ em và không được ngồi ghế phía trước. Tuy có một số quy định khác nhau, nhưng tiêu chí chiều cao dưới 1,35 m và dưới 12 tuổi phải ngồi ghế cho trẻ em được hầu hết các nước quy định trong luật quốc gia mình.
Dù có quy định trẻ dưới 12 tuổi không ngồi ghế trước cạnh tài xế, nhưng luật pháp cũng cho phép một vài ngoại lệ như khi các ghế ngồi trẻ em phía sau đã đủ trẻ ngồi rồi và/hoặc khi túi khí an toàn không kích hoạt.
Tại Vương Quốc Anh, trẻ em dưới 12 tuổi hoặc cao dưới 135cm (tuỳ điều kiện nào đến trước) phải sử dụng ghế trẻ em khi di chuyển bằng ô tô. Trẻ hơn 12 tuổi hoặc cao hơn 135 cm phải thắt dây an toàn khi đi xe o tô. Trẻ dưới 15 tháng tuổi phải sử dụng ghế trẻ em (i-Size) có mặt quay về phía sau tại hàng ghế phía sau.
Tại Đức, trẻ dưới 12 tuổi hoặc cao dưới 150cm phải sử dụng ghế ngồi cho trẻ em hoặc loại ghế nâng khi đi xe. Trẻ em không được ngồi hàng ghế phía trước trừ khi túi khí đã ngừng kích hoạt. Mức phạt khi vi phạm sẽ là 70 EURO.
Tại Pháp thì trẻ em dưới 10 tuổi phải ngồi ghế dành cho trẻ em chuyên dụng và không được ngồi tại hàng ghế phía trước cạnh tài xế. Việc sử dụng ghế ngồi cho trẻ em còn có thể được tính toán dựa vào cân nặng của trẻ. Theo đó, trẻ dưới 10 kg hoặc từ 10-13 kg phải ngồi tại ghế sau có mặt quay về phía sau; từ 9-18 kg phải ngồi tại ghế với dây đai và khung bảo vệ; từ 15-25 kg hoặc 22-36kg ngồi loại ghế có nâng mông có liên kết với dây đai an toàn của người lớn.
Tại Nga thì trẻ em dưới 12 tuổi không được ngồi trên hàng ghế cạnh tài xế hoặc ghế phía sau nếu như không có loại ghế chuyên dụng dành cho trẻ em.
Ở Mỹ
Tại Mỹ, tai nạn xe cộ là nguyên nhân tử vong hàng đầu của trẻ em. Thống kê năm 2018 cho thấy 636 trẻ em trong độ tuổi dưới 12 bị tử vong bởi tai nạn xe hơi và hơn 97.000 trẻ bị thương. Thống kê năm 2017 cũng chỉ ra rằng, ghế chuyên dụng chi trẻ em giúp cứu sống 325 trẻ trong độ tuổi dưới 4 tuổi.
Việc sử dụng ghế ngồi chuyên dụng cho trẻ cùng giúp giảm thiểu tai nạn cho trẻ em từ 71%-82% so với chỉ thắt dây an toàn. Riêng ghế nâng của trẻ em cũng giúp giảm thiểu đến 45% tai nạn nghiêm trong của trẻ trong độ tuổi từ 4-8 tuổi.
Dù luật pháp của từng tiểu bang tại Mỹ có quy định khác nhau về vấn đề ghế ngồi cho trẻ em trong độ tuổi dưới 12 tuổi, nhưng quy định về ghế ngồi cho trẻ em (ghế chuyên dụng có dây giữ, ghế nâng, thắt dây an toàn) luôn luôn được yêu cầu phải thực hiện.
Khuyến nghị của Bộ Giao thông (USDOT) và Cơ quan an toàn giao thông cao tốc quốc gia (NHTSA) cho thấy: Trẻ từ sơ sinh đến dưới ba tuổi nên sử dụng loại ghế chuyên dụng có mặt quay về phía sau (Rear-Facing); Trẻ từ 1-7 tuổi nên sử dụng loại ghế trẻ em có mặt quay về phía trước (Forward-Facing); trẻ từ 4-12 tuổi nên sử dụng loại ghế nâng mông (Booster); trẻ từ 8-13 tuổi phải sử dụng ghế có cài dây an toàn (Belt).
Hướng dẫn về loại ghế ngồi trẻ em phù hợp theo từng độ tuổi tại Mỹ. |
Quy định vấn đề ghế ngồi chuyên dụng cho trẻ em tại Việt Nam (dưới 12 tuổi hoặc cao dưới 1,35m) có thể là một vấn đề mới giống như quy định trong Luật GTĐB năm 2008 rằng người ngồi trên xe ô tô tại hàng ghế đầu phải thắt dây an toàn nhưng thực sự là hết sức cần thiết phải được luật hoá và khuyến nghị thực hiện vì sự an toàn của chính trẻ em.
Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, ngoài việc quy định trong luật (độ tuổi, chiều cao của trẻ), phải có một chiến dịch tuyên truyền, vận động người dân áp dụng cũng như xử phạt nặng với hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn về an toàn, lắp đặt đối với ghế ngồi chuyên dụng của trẻ em cũng phải được luật hoá trong bộ tiêu chuẩn quốc gia để áp dụng đối với cả nhà sản xuất xe ô tô cũng như nhà sản xuất ghế mà việc tham khảo kinh nghiệm từ các nước phát triển là hết sức quan trọng.
Hướng dẫn về chọn lựa, lắp đặt ghế ngồi cho trẻ em cũng cần được đưa vào trong các hoạt động tuyên truyền, phố biến về an toàn giao thông cho mọi người, nhất là các vị phụ huynh. Trẻ em cũng cần được hướng dẫn về quyền được bảo đảm an toàn với ghế ngồi chuyên dụng trên xe ô tô khi tham gia giao thông.
Độc giả Lê Minh Toàn (Australia)
Bạn có góc nhìn ra sao về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
Cấm trẻ em ngồi ghế trước: Người Việt coi nhẹ, người Úc làm nghiêm
Tại Việt Nam, khi tham gia giao thông, một trong các điểm gây sốc nhất cho người nước ngoài chính là việc người Việt chúng ta coi nhẹ việc bảo đảm an toàn cho trẻ em ngồi trên xe ô tô khi xe đang di chuyển.