Xuyên Việt, "phượt" trong và ngoài nước đang dần trở thành thú vui của nhiều người sử dụng xe và là con bài mới trong kinh doanh của không ít hãng xe.
Khách "phượt", sale cũng "phượt"
Nếu trước đây, khách hàng gần như không có cơ hội sờ, nghịch cũng như lái thử trước khi quyết định rút ví mua một chiếc xe thì nay hàng loạt hành trình tìm hiểu, trải nghiệm từ ngắn tới dài được các hãng xe vẽ ra để chào mời khách hàng.
Trên thực tế, khi mà những hình ảnh, số đo rồi thông số kỹ thuật của xe đã xuất hiện nhan nhản trên mạng Internet thì yếu tố quyết định tới sự lựa chọn của khách hàng chính là sự trải nghiệm thực tế. Dù là với những người lần đầu mua xế hộp hay là dân sành sỏi muốn nâng đời xe, việc thử phanh, nhấn ga một cách thực tế đều giúp họ lựa chọn nhanh hơn.
Những chiếc xe tham gia hành trình xuyên Lào của Audi tổ chức cùng diễn đàn Otosaigon |
Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng Việt mua hàng hoá nói chung và ôtô nói riêng đều bị ảnh hưởng bởi tâm lý số đông và văn hoá truyền miệng.
Vì thế, việc nịnh khách hàng cũ để có khách hàng mới là điều mà mọi dân sale ôtô phải làm, đặc biệt là với các thương hiệu hạng sang. Khi đó, những chuyến chơi xa, các hành trình đường dài trở thành cây cầu kết nối lý tưởng giúp các hãng xe giữ chân khách hàng và không ít sale bán xe đã trở thành các "phượt thủ".
Muôn kiểu "phượt" của các hãng xe Việt
Giống như các hình thức quảng bá marketing khác, những chương trình roadshow, hành trình thử xe của các hãng xe tại Việt Nam cũng muôn hình vạn trạng.
Đơn giản thì là chương trình roadshow trong 1 tỉnh hoặc liên tỉnh trong một khu vực kéo dài từ 1-2 ngày tới 1 tuần. Phức tạp hơn là hành trình xuyên Việt, xuyên Lào, Campuchia hay Đông Nam Á trong 4-5 ngày tới cả tháng.
Chương trình caravan vừa kết thúc của thương hiệu Isuzu. |
Những chương trình này có thể "thuần marketing" khi được chính nhân viên của hãng xe thực hiện và tranh thủ kết hợp với làm dịch vụ bán hàng hay hậu mãi tại các điểm dừng chân.
Cũng có khi đó là một sân chơi chung kết hợp cùng các câu lạc bộ chơi xe, các nhóm khách hàng dùng xe chung thương hiệu. Trong những cuộc chơi chung, chi phí sẽ được san sẻ mà hiệu quả vẫn lớn nếu được tổ chức tốt.
Chỉ từ đầu năm tới nay, hàng chục chương trình như vậy đã được tổ chức. Có thể kể đến cuộc chơi xuyên Lào của Audi kết hợp với diễn đàn Otosaigon hay chương trình xuyên Việt của thương hiệu BMW với một dàn xe chạy không nghỉ từ TP HCM ra Hà Nội để làm sự kiện.
Hay sắp tới là hành trình Sài Gòn - Sapa của Mitsubishi với khoảng 20 gia đình trong 5 tuần cùng mẫu xe Mitsubishi Pajero Sport phiên bản mới. Được biết, tổng chiều dài của hành trình này vào khoảng 2100km và tổ chức theo dạng "tiếp sức" với 4 điểm dừng chân lớn là Nha Trang, Đà Nẵng, Vinh, Hà Nội cùng đích đến là thành phố Sapa.
Được gì và mất gì khi marketing kiểu phượt?
Trên thực tế, không dễ để có thể quy mức độ hiệu quả của hình thức marketing này thành các con số nhưng những tác dụng của các chương trình này lại không khó để gọi tên.
Bằng việc tạo sự gắn kết lâu dài với người sử dụng, các hãng xe không khó để có thêm những khách hàng mới là bạn bè, người thân hay quen biết với khách hàng lâu năm.
Bên cạnh đó, hình ảnh những dàn xe nối đuôi nhau trên đường cũng là một cách quảng bá thương hiệu hiệu quả, đặc biệt tại những miền đất mới.
Tuy nhiên, không phải mọi hành trình đều chỉ mang lại lợi ích. Trên thực tế, chi phí dành cho các chương trình này không hề nhỏ và có thể lên tới cả tỷ đồng đồng thời kèm theo nhiều thủ tục, giấy tờ đặc biệt là với các hành trình bên ngoài Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thiếu chuyên nghiệp sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi thói quen và khả năng điều khiển xe của các thành viên trong đoàn là không giống nhau và việc đi trên những cung đường lạ của các tài mới đều là thử thách khó nhằn. Vì thế, nếu có người đi rồi lại muốn đi tiếp thì cũng có người một lần rồi "cạch tới già" khi dính phải sự cố, tai nạn hay mệt mỏi với kiểu "đi tranh thủ, tận dụng tối đa" của các hãng xe
(Theo Lao Động)