- Chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Trung đang có con trai học ở một trường mầm non tại Pháp. Dưới đây là bài viết anh chia sẻ về cách dạy dỗ của cô giáo mầm non ở Pháp qua buổi họp phụ huynh.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Con trai tôi đang học những ngày cuối của lớp vỡ lòng tại một trường mầm non ở Pháp, năm học tới sẽ vào lớp một. Ngoài việc liên lạc với chúng tôi qua “sổ liên lạc” hằng ngày, cô giáo cháu gặp riêng vợ chồng tôi ba lần trong năm học.
Quang cảnh trường mầm non nơi con trai tác giả theo học. (Ảnh NTK.) |
Lần một là đầu năm học, cô giáo thông báo cho chúng tôi chương trình, cách thức và nhiệm vụ của cô, phụ huynh và học sinh phải phối hợp thực hiện như thế nào trong suốt năm học; lần 2 là lúc kết thúc học kỳ một nhằm để thông báo với nhau tình trạng vui chơi học hành của cháu ở trường, ở nhà như thế nào; lần gặp gần đây nhất cũng có nội dung tương tự, nhưng để tổng kết năm học.
Buổi gặp gồm ba bên: cô giáo, cháu và hai vợ chồng chúng tôi (cô giáo luôn muốn cả hai vợ chồng cùng có mặt). Mở đầu, trước mặt cháu, cô giáo nói với chúng tôi về những tiến bộ, những năng khiếu, cũng như những điểm “chưa được” mà cô giáo thấy khi cháu sinh hoạt trong lớp, chơi ngoài sân, một mình cũng như với các bạn khác thế nào bằng ngôn ngữ để cháu có thể hiểu.
Một điều mà cu cậu bị cô giáo lưu ý là nói chuyện, vẽ, xếp hình quá nhiều về chủ đề các nhân vật như cảnh sát, rô bốt, núi lửa, pháo hoa, chiến tranh trong các phim hoạt hình…mà không đề cập đến các chủ đề khác. Điểm kế tiếp bị lưu ý là cu cậu chỉ chơi với một vài bạn quen thuộc, chứ ít chơi với các bạn khác trong trường, trong lớp.
Ngay lập tức cháu lên tiếng “phản biện” một cách rất tự nhiên, giúp cô giáo nói đúng tên của các nhân vật trong phim (vì cô giáo không biết), cháu giải thích tại sao cháu thích như vậy, còn bạn bè, thì cháu cho biết là cháu đã đề nghị các bạn khác chơi trò mà cháu thích, nhưng không ai muốn, nên cháu luôn chơi với hai bạn trong lớp.
Chúng tôi quan sát hai cô trò tranh luận và mỉm cười vì lập luận của trẻ con. Chúng tôi đồng ý với những đánh giá của cô giáo vì chính chúng tôi cũng thấy như vậy khi cháu ở nhà, và cùng với cô giáo.
Cả ba chúng tôi giải thích tại sao cần mở rộng chủ đề nói chuyện, vẽ, xếp hình hằng ngày vì cuộc sống còn có nhiều thứ hấp dẫn không kém, cần phân biệt giữa câu chuyện trong phim, trong sách và đời sống bên ngoài, giữa trí tưởng tượng và những công việc phải làm, phải tập trung trong lớp, cần chơi với các bạn khác, cần “hi sinh” sở thích của mình một tí để có thể chơi với các bạn... Bằng cách đó, cô giáo và chúng tôi thuyết phục cậu bé đồng ý thay đổi.
Đối thoại thẳng thắn giữa phụ huynh và cô giáo
Sau khi đã cho cháu đi ra chơi bên ngoài, tôi tranh thủ phỏng vấn cô giáo một số vần đề như sau.
Con trai tác giả và cô giáo mầm non ở Pháp. (Ảnh: NKT.) |
Thưa cô, tôi thấy vừa rồi, cháu nhà tôi tranh luận với cô rất tự nhiên,
không biết các bé khác có như vậy không ?
Điều đó là bình thường thôi, tất cả các cháu đều như vậy. Các cháu sẵn sàng nói
lên ý kiến của mình, giữa chúng tôi và học trò không có khoảng cách.
Thưa cô, khi một học sinh nào đó mắc lỗi hay “có vấn đề”, cô sẽ xử lý ra sao?
Tuỳ mức độ và tính chất của “lỗi”, bình thường thì tôi tranh luận với học sinh
đó, hoặc đưa câu chuyện ra thảo luận trong nhóm (một lớp học thường được chia
thành nhiều nhóm nhỏ), thông qua các bạn cùng trang lứa và sự tương tác trong
nhóm, học sinh sẽ nhận ra lỗi của mình và điều chỉnh hành vi.
Những trường hợp khó thì tôi thảo luận với các đồng nghiệp của tôi để có một
giải pháp tốt nhất. Tất cả các thầy cô giáo, các nhân viên trong trường này đều
biết rõ từng học sinh từ mẫu giáo đến lớp 4. Chúng tôi thường xuyên trao đổi và
cộng tác với nhau. Trong lớp này, tôi là người phụ trách chính, nhưng tôi có thể
phối hợp với các đồng nghiệp khác cũng như các cô giáo dạy các lớp dưới để hiểu
rõ từng học sinh.
Mức độ lỗi nặng hơn nữa thì chúng tôi có thể triệu tập phụ huynh để phối hợp với
gia đình. Những học sinh cá biệt về mặt trí lực, tâm lý hay thể chất thì nhà
trường có chuyên gia, những người này sẽ phối hợp với các bên để kèm học sinh
một cách đặc biệt. May thay, năm học rồi, không có trường hợp nào phải nhờ đến
các chuyên gia cả.
Chúng tôi có một chương trình để dạy cho tất cả các em, tuy nhiên nếu em nào
không theo kịp, hoặc có gì đó cá biệt, thì chúng tôi sẽ tìm cách kèm em đó
riêng, dựa trên khả năng và tâm sinh lý của từng học sinh.
Mục đích của năm học này của lớp cháu là gì, thưa cô?
Là tiếp tục nhịp độ của năm học trước và chuẩn bị cho cháu bước vào lớp một.
Thông qua các trò chơi, các sinh hoạt nhóm, các buổi tập nhảy, tập văn nghệ,
chúng tôi giáo dục cháu đời sống xã hội, tinh thần làm việc nhóm.
Lúc nãy chúng ta đã khuyến khích con anh phải biết chơi với các bạn khác là để cháu biết cách sống với người khác, biết chấp nhận các nguyên tắc căn bản của đời sống chung, biết thương lượng và thoả thuận với các bạn, cũng như biết nhường nhịn và sống chung với người khác.
Thông qua các chuyến dã ngoại như thăm các trang trại, bảo tàng, xem phim, chúng tôi cho các cháu khám phá đời sống của bác nông dân, tận mắt chứng kiến đời sống các loài vật... Trong năm học này chúng tôi cũng tổ chức cho các cháu học bơi, tập làm các loại bánh ga tô quen thuộc.
Chúng tôi cũng cho cháu làm quen với chữ viết, với toán. Ví dụ, sử dụng các ngón tay để đếm từ 1 đến 10, thực hiện các phép cộng, trừ đơn giản. Khi các cháu đã biết sử dụng ngón tay để đếm và cộng trừ thì chúng tôi yêu cầu các cháu tự tìm cách khác để đếm, để thực hiện các phép tính, như sử dụng các cục kẹo, các viên bi…
Phương pháp của cô giáo đến từ đâu?
Tôi đã được đào tạo, từ kinh nghiệm giảng dạy thực tế, và từ sự tương tác
giữa các đồng nghiệp trong trường.
Cảm ơn cô giáo.
- Nguyễn Khánh Trung (viết từ Pháp)