Học sinh đến từ 6 trường THPT khắp Việt Nam vừa có dịp thử tài lập trình robot tại cuộc thi Robotics trực tuyến do Trung tâm Xuất sắc Kỹ thuật số (CODE), Đại học RMIT tổ chức.

Chỉ cần 1 chiếc máy tính cá nhân với chức năng hội thoại trực tuyến và đường truyền Internet ổn định tại nhà, các bạn học sinh đã có thể điều khiển robot đặt ở Đại học RMIT từ xa và theo thời gian thực.

Với mỗi thử thách kéo dài trong 1 giờ, các đội tham gia cuộc thi Robotics trực tuyến mới được Trung tâm CODE tổ chức, đã được thực hành lập trình kéo thả trên phần mềm hiện đại, trau dồi các nguyên lý hình học và vật lý để điều khiển mọi chuyển động của robot theo đề bài.

{keywords}
Đại diện 2 đội Nhất và Nhì cùng Ban tổ chức tại vòng chung kết cuộc thi Robotics trực tuyến.

Lập trình robot để tham gia giao thông trong thành phố thông minh, phục vụ khách ở nhà hàng tự động, hay vận chuyển hàng hóa trong chuỗi cung ứng tại đô thị thông minh. Đây là những thử thách mà đội 2H2K đến từ trường THPT Phước Long, thành phố Thủ Đức, TP.HCM đã xuất sắc vượt qua để giành ngôi vị Quán quân cuộc thi Robotics trực tuyến này.

Đội 2H2K gồm các học sinh Huỳnh Ngọc Hậu, Nguyễn Nam Hoàng, Phạm Hoàng Minh Khôi và Hoàng Minh Khuê – đều đang học lớp 12 trường THPT Phước Long.

Thành viên Nguyễn Nam Hoàng cho biết: “Em đăng ký ngay lập tức khi cô giáo phổ biến vì đối với em việc tiếp cận với robot là rất khó. Dành thời gian tự mày mò tìm hiểu nguyên lý hoạt động càng khó nữa. Mặc dù không phải lần đầu thi lập trình nhưng cuộc thi của CODE là cuộc thi đầu tiên cho em ứng dụng những kiến thức lập trình khô khan và cũng là lần đầu em thấy mô hình điều khiển robot trực tuyến”.

Còn theo Hoàng Minh Khuê, qua cuộc thi, em có cơ hội cải thiện khả năng tư duy, ứng biến nhanh nhẹn cũng như làm việc nhóm hiệu quả và xác định giải pháp tốt nhất cho chiến thuật thi đấu.

Trong lần đầu tiên tổ chức, cuộc thi Robotics trực tuyến đã có 8 đội thi đến từ các trường THPT ở Bình Phước, Cà Mau, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, TP.HCM. Các trường tham gia đều đã từng trải nghiệm Phòng thực nghiệm dạy và học từ xa – một sáng kiến của trung tâm CODE từ năm 2019 nhằm cung cấp các lớp học và thực hành lập trình robot miễn phí cho học sinh THPT. Tính đến nay, CODE đã tổ chức hơn 80 buổi học cho 1.600 học sinh tại 36 trường THPT khắp Việt Nam.

{keywords}
Các đội thi tại Vòng chung kết được thử thách lập trình 2 loại robot là Sphero và mBot để mô phỏng chuỗi cung ứng hàng hóa trong môi trường đô thị thông minh.

Theo cô Châu Uyên Sa, giáo viên trường THCS & THPT Đức Trí (TP.HCM) và người hướng dẫn cho đội giành Giải Nhì DT-Quintet: “Với sự phát triển khoa học công nghệ và trí thông minh nhân tạo, việc dạy và học lập trình không chỉ góp phần phát triển tư duy cho học sinh mà còn trải thêm con đường khác giúp thế hệ Gen Z hoà nhập vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 dễ dàng và hiệu quả”.

Cô cũng cho biết: “Các vòng thi sát với tình huống thực tế và phù hợp với năng lực của các học sinh tham gia. Ngoài ra, thời gian tự học trước cuộc thi là thời gian vàng giúp các đội làm quen và phát hiện những vấn đề kỹ thuật còn tồn đọng để đưa ra giải pháp tốt hơn khi gặp các thử thách tại cuộc thi”.

Cô Huỳnh Thục Yến, Trưởng phòng Quan hệ cộng đồng và kết nối số của Trung tâm CODE và người sáng lập cuộc thi Robotics trực tuyến chia sẻ rằng cô và các đồng nghiệp mong muốn trong 5, 10, 20 năm tới sẽ tiếp tục đồng hành cùng các bạn học sinh, sinh viên cả nước chinh phục nhiều đỉnh cao mới về robotics và tự động hóa. Hiện các bạn trẻ trên toàn quốc có thể đăng ký trải nghiệm miễn phí Phòng thực nghiệm dạy học từ xa của Trung tâm CODE tại địa chỉ: code-rmit.edu.vn/remotelearninglab.

Trước đó, trong quý I/2021, bằng việc đem đến chuỗi các hội thảo miễn phí có tên “Robotics = Code + Creativity” (Chế tạo robot = Viết code + Sáng tạo) do Trung tâm Hoa Kỳ thuộc Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM tài trợ, Trung tâm CODE thuộc Đại học RMIT đã hỗ trợ các bạn trẻ từ 15 đến 21 tuổi ở TP.HCM tiếp cận với kỹ thuật chế tạo robot.

Vân Anh

Học lập trình robotic từ tiểu học để trở thành công dân số

Học lập trình robotic từ tiểu học để trở thành công dân số

Triển khai mô hình giáo dục STEM và đào tạo lập trình robotic tại tất cả các lớp từ cấp tiểu học đến phổ thông trung học là một trong những đề xuất mới nhằm phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số.