Tấn công mạng lĩnh vực giáo dục tăng cao trong thời gian dịch bệnh

Ngày 8/4, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã tổ chức trực tuyến lễ tổng kết, trao giải cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin” năm 2022, với điểm cầu chính tại Hà Nội.

Năm 2022 là năm đầu tiên cuộc thi này được tổ chức cho các học sinh THCS trên cả nước, với sự bảo trợ của 3 bộ: GD&ĐT, TT&TT, LĐTB&XH cùng sự đồng hành của nhiều tổ chức, doanh nghiệp.

Cuộc thi hướng tới tuyên truyền, cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng Internet an toàn cho học sinh, phụ huynh học sinh trên cả nước; đồng thời tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát huy khả năng tư duy của học sinh, giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, cuộc thi "Học sinh với An toàn thông tin” năm 2022 đã thực hiện được mục tiêu và yêu cầu đã đề .

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh, trong thế giới số ngày nay, chăm sóc, bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ trên không gian mạng chính là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn xã hội.

Thời gian qua, dưới tác động dịch bệnh Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội khiến hàng triệu trẻ em không được tới trường học trực tiếp mà phải học tập trực tuyến. Đại dịch đem đến cho chúng ta nhiều nguy cơ, nhưng đồng thời cũng là cơ hội vàng để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số trong ngành Giáo dục. 

Thứ trưởng cũng cho hay, việc tiếp xúc, học tập, giải trí trực tuyến sẽ góp phần quan trọng hình thành nên những công dân số. Tuy nhiên, việc gắn chặt với máy tính, điện thoại và Internet, hạn chế việc tham gia vui chơi ở ngoài, đồng thời cũng khiến cho trẻ em có nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin.

Theo thống kê trong thời gian dịch bệnh lên đỉnh điểm, tỷ lệ các cuộc tấn công mạng vào lĩnh vực giáo dục tăng cao nhất, chiếm khoảng 61% số cuộc tấn công mạng. Số vụ tấn công mạng vào các tài nguyên giáo dục với mục đích không cho người dùng truy cập được tăng ít nhất 350% so với trước đó. Hiện tượng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng cũng trở thành vấn đề đáng báo động.

Nhận định việc gần 600.000 học sinh từ 50% trường THCS của 63 địa phương trên toàn quốc tham gia cuộc thi ngay trong lần đầu được tổ chức là những con số ấn tượng, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho rằng: “Học sinh với An toàn thông tin” năm 2022 đã thực hiện được mục tiêu và yêu cầu đã đề ra. Cuộc thi đã trang bị cho các em học sinh kỹ năng, kiến thức để bảo vệ mình trên môi trường mạng, góp phần giải quyết một trong những vấn đề cấp bách và cần thiết của xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số. 

Hà Nội dẫn đầu cả nước về số thí sinh dự thi

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng cho biết, Bộ TT&TT đánh giá rất cao VNISA và các đơn vị liên quan, thành viên trong Ban tổ chức cuộc thi đã thể hiện tinh thần sáng tạo, quyết liệt trong việc tổ chức cuộc thi một cách bài bản, khoa học; ứng dụng CNTT, xây dựng phần mềm thi trực tuyến hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi. Khâu tổ chức đánh giá nhanh, kịp thời, công khai, minh bạch để có cuộc thi đạt kết quả tốt, hiệu quả cao.

Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng cho rằng sự thành công của cuộc thi cũng góp phần khẳng định chủ trương của nhà nước về tăng cường bảo vệ trẻ em trên không không gian mạng đang từng bước đi vào cuộc sống.

Theo Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng, trong 3 tuần diễn ra chính thức, từ ngày 3/2 đến hết ngày 24/3, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của 592.810 học sinh từ 5.783 trường THCS trên toàn quốc. Bên cạnh đó, còn là sự quan tâm, động viên, hướng dẫn, đồng hành của các thầy cô giáo, các phụ huynh học sinh từ các thành phố lớn đến những bản làng vùng sâu, vùng xa trên toàn quốc. 

“Điều này khẳng định sự quan tâm sâu sắc của toàn xã hội, mọi gia đình cũng như ý thức của bản thân các em học sinh THCS đối với một vấn đề đang hết sức thời sự, nóng bỏng. Đó là làm thế nào để trẻ em có thể tương tác lành mạnh và sáng tạo trên Internet, với nhiều kiến thức bổ ích nhưng đầy cạm bẫy”, ông Nguyễn Thành Hưng nhận xét.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng và đại diện Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH trao giải Nhất cho các học sinh đạt giải Nhất cuộc thi.

Báo cáo của Ban tổ chức cho hay, Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng và Hải Dương là 10 địa phương có nhiều học sinh dự thi hơn cả. Trong đó, Hà Nội đạt kết quả vượt trội với 125.209 thí sinh của 568 trường; xếp thứ hai là TP.HCM với 50.316 thí sinh của 307 trường.

Bên cạnh đó, có những tỉnh miền núi không nằm trong Top 10 nhưng có số trường tham dự khá đông như Tuyên Quang, Lạng Sơn, Gia Lai… Đặc biệt, trường THCS Nguyễn Trãi - Bon Sê Rê II, Đăk Ru - Đăk R'lấp - Đăk Nông có 667/667 học sinh tham dự cuộc thi.

Theo kết quả được Ban tổ chức công bố tại sự kiện, 8 giải tập thể của cuộc thi tập trung vào các trường tại Hà Nội và TP.HCM. Các giải cá nhân phân bố trên 30 tỉnh thành, trong đó Hà Nội có 18 giải và TP.HCM có 12 giải, tiếp đến là Quảng Bình 6 giải, Cà Mau 4 giải…

Ba học sinh đạt giải Nhất cuộc thi năm nay là Nguyễn Ngọc Diệp, lớp 6A3 trường THCS Nguyễn Đăng Đạo, Bắc Ninh; Phạm Lê Minh Đức, lớp 7A1 trường Tiểu học và ThCS Xanh Tuệ Đức, huyện Thanh Oai, Hà Nội; Phạm Thị Thanh Bình, lớp 8E, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng công bố danh sách các học sinh đạt 8 giải Nhì, 15 giải Ba và 50 giải Khuyến khích.

Vân Anh