Bằng phương pháp bảo quản mới, những thi hài được hiến tặng vẫn “tươi” như khi còn sự sống, giúp các phẫu thuật viên nghiên cứu và thực hành nhiều loại kỹ thuật mới.

Bằng phương pháp bảo quản mới, những thi hài được hiến tặng vẫn “tươi” như khi còn sự sống, giúp các phẫu thuật viên nghiên cứu và thực hành nhiều loại kỹ thuật mới.

Tại các trường y, Việt Nam cũng như thế giới, các bác sĩ trẻ muốn giỏi nghề không chỉ cần người thầy đứng trên bục giảng mà còn phải học từ những “người thầy thầm lặng” các bài học quý giá thông qua chính di hài của họ.

Cuộc sống sau cái chết

Một cụ bà được anh Nguyễn Thái Bình - nhân viên kỹ thuật Bộ môn Giải phẫu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - đưa ra khỏi ngăn lạnh để chúng tôi viếng thăm. Cụ là một trong những người tình nguyện hiến thi hài được con cháu đưa về trường sau khi qua đời. Cụ nằm xuống cách đây đã vài tháng nhưng gương mặt, làn da vẫn còn khá hồng hào như đang ngủ. Cụ là một trong những người đầu tiên được lưu giữ thi hài bằng công nghệ mới và sẽ đồng hành với công tác giảng dạy của Phòng Huấn luyện kỹ năng phẫu thuật vừa được khánh thành của trường này.

Trước đây, khi thi hài người hiến được đưa về trường, nhân viên kỹ thuật sẽ tắm rửa và bơm vào cơ thể một hợp chất đặc biệt, sau đó đặt vào bồn hóa chất trong vòng vài năm mới đưa ra để giúp sinh viên y khoa học tập, thời gian một năm. Sau giai đoạn đó, thi hài được đưa đi hỏa táng, gia đình mang tro cốt về nhà hay để lại trường tùy theo di nguyện của người đã khuất.

{keywords}

Qua màn hình nội soi, các cơ quan trong cơ thể người hiến thi hài hiện lên tươi tắn

Hóa chất giúp cơ thể người hiến cứng lại và tái màu, hình dáng bên ngoài lẫn các cơ quan nội tạng được bảo vệ nguyên vẹn, giúp sinh viên y khoa có những bài học vỡ lòng về cơ thể người, giúp các bác sĩ đang học sau đại học có cơ hội thực hành phương pháp phẫu thuật mới.

“Với cách bảo quản bằng hóa chất, dù đã rất tốt cho công tác giảng dạy sinh viên về giải phẫu học nhưng vẫn còn một số trở ngại, đặc biệt là việc huấn luyện các kỹ thuật cao trong phẫu thuật, bởi hóa chất cũng tạo ra một số nhược điểm trên thi hài như: rất cứng nên không thể thay đổi tư thế, màu sắc mô - da chuyển sang nâu đậm, các mô bị cố định xơ hóa nên một số cấu trúc tinh tế khó phân biệt, một số đặc điểm không còn giống hoàn toàn cơ thể sống…” - PGS-TS-BS Phạm Đăng Diệu - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trưởng Bộ môn Giải phẫu - phân tích.

Vì vậy, các thầy cô ở trường đã ấp ủ kế hoạch triển khai một phương pháp bảo quản thi hài mới, dù tốn kém và khó khăn nhưng sẽ mở đường cho việc nghiên cứu, huấn luyện chuyên sâu các kỹ thuật cao như nội soi, cho phép nhìn thấy rõ các cấu trúc tinh tế sâu bên trong cơ thể người qua một camera bé xíu của dụng cụ nội soi.

Tháng 2-2015, Phòng Huấn luyện kỹ năng phẫu thuật của trường được thành lập song song với hệ thống cấp đông hiện đại; đến nay, những thi hài “tươi” đầu tiên đã được xử lý xong và đưa vào giảng dạy.

“Chắp cánh” cho những đôi tay

Trên màn hình nội soi của ca mổ thị phạm trên thi hài “tươi” do GS-BS Imre Gerlinger - Trưởng Bộ môn Tai mũi họng của Trường ĐH Y khoa Pécs (Hungary) - người đang hợp tác với Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch huấn luyện những kỹ thuật phẫu thuật tiên tiến, những chi tiết cơ thể còn đỏ hồng và rõ ràng như người sống hiện lên. Đấy là một trong những buổi huấn luyện phẫu thuật nội soi tai mũi họng đầu tiên mà thi hài “tươi” được đưa vào sử dụng.

Là hiệu trưởng nhà trường và là một trong những bác sĩ tai mũi họng đầu ngành của Việt Nam, PGS-TS-BS Nguyễn Thị Ngọc Dung cũng trực tiếp tham gia hướng dẫn sinh viên tại buổi huấn luyện. Bà chia sẻ: “Là một phẫu thuật viên, tôi hiểu rõ việc được thao tác trên thi hài còn nguyên vẹn các mốc giải phẫu chừng nào thì mai này, thao tác trên bệnh nhân càng vững vàng, chuẩn xác chừng đó. Điều này rất quan trọng trong việc giúp các bác sĩ có cơ hội nghiên cứu sâu hơn vùng cần phẫu thuật, thực hành nhuần nhuyễn các thao tác và từ đó giảm được nguy cơ tai biến khi phẫu thuật trên người thật, nhất là trong các kỹ thuật mới”.

Với ThS-BS Hồ Nguyễn Anh Tuấn, một giảng viên trẻ của Bộ môn Giải phẫu, những cuộc mổ trên thi hài người hiến đã cho anh sự tự tin khi đứng trước bệnh nhân. “Khi được thực hành trên những cơ thể người được bảo quản như sống, với tỉ lệ chuẩn xác, sự mềm mại quen thuộc của con người, đôi bàn tay tôi càng thêm vững vàng” - anh nói.

Mỗi khi trao đổi về câu chuyện của những người hiến thi hài và việc thực hành trên thi hài được hiến, PGS-TS-BS Phạm Đăng Diệu luôn nhắc đến sự rung động mà ông mong các học viên cảm nhận được qua những buổi thực hành. “Thực hành trên con người giúp các em có được những kết nối vốn không thể có với máy móc. Chúng tôi làm nhiều điều để nhắc nhở các em về nghĩa cử đẹp của những “người thầy không bục giảng” ấy để mỗi khi tiếp xúc, các em sẽ có được cảm xúc giữa người với người, sự trân trọng đối với những gì họ đã hiến tặng cũng như sự quý trọng dành cho con người nói chung. Thực hành trên những thi hài như vậy mang lại cho các em không chỉ bài học về y thuật mà cả bài học vỡ lòng về y đức” - ông chia sẻ.

GS-BS Imre Gerlinger: Không gì tốt bằng thực hành trên cơ thể người

Tại nhiều trường y trên thế giới, cơ hội thực hành trên thi hài người hiến vẫn còn thiếu thốn. Ở nhiều nơi, sinh viên y khoa thực hành phẫu thuật trên các mô hình bằng plastic được mô phỏng chính xác cơ thể con người song dù có hiện đại đến đâu vẫn không hiệu quả bằng việc thực hành trực tiếp trên cơ thể người. Bảo quản bằng đông lạnh là một phương pháp hiện đại, giúp cơ thể người hiến được giữ mềm mại qua thời gian. Có thể nói, được thực hành trên một thi hài được bảo quản tươi như người sống là mơ ước của nhiều người học ngành y trên thế giới.

Theo Anh Thư (Người lao động)