Từ năm học 2011, Học viện Công nghệ BCVT (PTIT), đơn vị thành viên VNPT sẽ chính
thức mở ngành đào tạo Công nghệ đa phương tiện. PTTT là cơ sở đào tạo Đại học
đầu tiên của Việt Nam phát triển ngành đào tạo này.
Đào tạo trên cơ sở tương tác, hội tụ
Theo học ngành Công nghệ đa phương tiện, sinh viên sẽ được trang bị những kiến
thức toàn diện về các nguyên tắc thiết kế và sáng tạo, cùng với các kỹ thuật và
công cụ thiết kế để tạo ra các ứng dụng đa phương tiện tương tác trên hạ tầng
hội tụ giữa viễn thông, công nghệ thông tin, truyền hình và Internet.
Sự khác biệt của ngành đào tạo này với các ngành khác đó chính là khả năng kết
hợp kiến thức đa ngành để tạo ra một sản phẩm theo yêu cầu của xã hội.

Hiện nay mô hình đào tạo đang theo hướng chuyên sâu, thiếu liên kết ngang nên
chưa phát huy hết khả năng sáng tạo của sinh viên, tận dụng lợi thế ứng dụng đa
ngành, do vậy mới có tình trạng một Kỹ sư tin học thì không có khái niệm về mỹ
thuật, còn kỹ sư đồ họa yếu về kỹ thuật vi tính và ngoại ngữ….
Do đó khi theo học ngành thiết kế sáng tạo đa phương tiện, một sản phẩm được làm
ra sẽ hội tụ nhiều tính năng của nhiều chuyên ngành khác nhau. Ví dụ, một sinh
viên thiết kế đồ họa sẽ được trang bị cả kiến thức về viễn thông, công nghệ
thông tin, điện điện tử, đạo diễn hình ảnh, âm thanh… từ đó một sản phẩm đồ họa
được làm ra sẽ tích hợp nhiều ứng dụng. Hơn thế nữa đó là khả năng sáng tạo và
năng động của người lao động được phát huy tối đa ở nhiều môi trường làm việc
khác nhau.
Đem lại lực lượng lao động “tinh hoa”
Tại các nước phát triển trên thế giới, ngành đào tạo công nghệ đa phương tiện đã
được hình thành và phát triển từ khá lâu và đây là một ngành học tạo ra một lực
lượng lao động “tinh hoa” đem lại nhiều sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, hội tụ
được những ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất. Tại Việt Nam, Ngành học này vẫn
chưa được phát triển ở mô hình đạo tạo cấp Đại học mà mới hình thành ở một vài
trung tâm nghề. Do đó tính liên kết đa ngành giữa các trường đại học chưa thực
hiện được.
Theo chương trình đào tạo đã được Bộ giáo dục thẩm định, dự kiến kết cấu của
ngành đào tạo đa phương tiện của PTIT sẽ được chia thành 3 phần cơ bản.
Thứ nhất là Kiến thức giáo dục đại cương gồm các kiến thức giáo dục phổ cập về
lý luận, Khoa học xã hội, kiến thức về Mỹ thuật…
Phần thứ hai là khối Kiến thức cơ sở ngành trang bị cho sinh viên kiến thức cơ
sở cốt lõi và cần thiết về âm thanh, hình ảnh và video, truyền thông đa phương
tiện, Internet, Web, đa phương tiện tương tác, …

Cuối cùng là khối kiến thức ngành: trang bị cho sinh viên kiến thức toàn diện và
hiện đại về đa phương tiện, tập trung vào thiết kế và sáng tạo các ứng dụng đa
phương tiện tương tác như Web, Games, đồ họa 2D/3D, hoạt hình, phim điện ảnh
và truyền hình, âm thanh…
Sau khi tốt nghiệp sinh viên có năng lực đảm nhận công việc các vị trí cán bộ kỹ
thuật và cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế
và sáng tạo đa phương tiện.
Vị trí và vai trò cụ thể của sinh viên tốt nghiệp dự kiến sẽ bao gồm: Thiết kế
đồ họa 2D/3D, Thiết kế hoạt hình, Thiết kế Games, Thiết kế/phát triển Web, Thiết
kế sản phẩm R&D, Thiết kế giao diện, Tư vấn và thiết kế quảng cáo, nội dung đa
phương tiện, Giám đốc kỹ thuật, Sản xuất phim điện ảnh và truyền hình kỹ thuật
số…
250.000 lao động cho CNTT và truyền thông
Tiến sỹ Lê Nhật Thăng, người chủ trì xây dựng chương trình đào tạo ngành học
công nghệ đa phương tiện của PTIT cho biết: Việc tiên phong triển khai ngành đào
tạo mới này sẽ góp phần đảm bảo yêu cầu đào tạo 250.000 lao động cung cấp cho
ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông, hướng tới hiện thực hóa đề
án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông.
Chuyên ngành này cũng sẽ tạo ra mô hình, cơ chế liên kết đào tạo giữa các khoa,
bộ môn trong một trường và giữa các trường với nhau. Dự kiến trong năm đào tạo
đầu tiên Học viện sẽ liên kết với hơn 10 trường đại học các chuyên ngành khác
nhau trên toàn quốc để đào tạo ngành học này.
Là một trong các trường đại học, có uy tín về đào tạo trong lĩnh vực công nghệ
thông tin và truyền thông trong hệ thống các trường đại học của cả nước, từ năm
2009, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã được Bộ TT&TT bình chọn và trao
giải là Cơ sở đào tạo nhân lực CNTT hiệu quả nhất. Mục tiêu phát triển của Học
viện trong giai đoạn 2011 – 2015 theo hướng trở thành trường Đại học nghiên cứu
với tầm nhìn trở thành tổ chức nghiên cứu đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với chất
lượng và trình độ quốc tế.
Châu Anh