Vùng đất cổ ngã ba sông - làng Độc Bộ, xã Yên Nhân (Ý Yên, Nam Định) là nơi hội tụ và sản sinh nhiều giá trị văn hoá truyền thống.

Theo các thư tịch cổ, địa danh Độc Bộ bao gồm một phần đất phía nam huyện Ý Yên và phía tây bắc của huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Cửa Độc Bộ là nơi hội tụ của hai nhánh sông Hồng là sông Đào và sông Đáy, tạo thành ngã ba sông đổ ra biển.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương) là người huyện Chu Diên, con của Triệu Túc, một thủ lĩnh giàu lòng yêu nước, là người "uy nghi, dũng liệt". Cha con ông là những người đầu tiên tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Bí.

Từ thuở hoang vu, Triệu Quang Phục đã đến làng Độc Bộ dạy người dân địa phương tạo kế sinh nhai như: Trồng cấy, đánh bắt tôm, cá, dệt chiếu, dệt vải. 

Thế kỷ thứ VI, Lý Bí khởi nghĩa đánh đuổi giặc Lương  thành công, lập nên nhà nước Vạn Xuân, Triệu Quang Phục được phong làm Tiết độ sứ trấn Sơn Nam. 

Khi nhà Lương đem quân quay trở lại xâm lược nước ta, Lý Nam Đế lãnh đạo quân dân kháng chiến nhưng không thành, binh quyền trao hết cho Triệu Quang Phục, tạo điều kiện giúp ông lãnh đạo quân, dân ta đánh tan quân xâm lược, sau đó năm 548 lên ngôi xưng hiệu là Triệu Việt Vương.

Năm 571, ông bị Lý Phật Tử phản trắc đem quân đánh úp nên phải chạy về vùng đất Độc Bộ. Cùng đường ông phải nhảy xuống cửa biển Đại Nha tuẫn tiết. Tiếc thương ông, nhân dân địa phương đã lập đền thờ.   

Lễ hội đền Độc Bộ tại xã Yên Nhân, huyện Ý Yên là dịp để nhân dân trong vùng tưởng nhớ ngày tuẫn tiết của Triệu Việt Vương. 

Đền Độc Bộ thờ Triệu Việt Vương thuở ban đầu nhỏ bé, nằm sát mép nước sông. 

Năm Quang Bảo thứ 4 (1577) thời vua Mạc Phúc Nguyên, đền Độc Bộ nhanh chóng được trùng tu tôn tạo. Đến thời Nguyễn (triều vua Minh Mệnh, năm thứ 18 -1837), tu sửa chính điện, khung làm gỗ lim, mái lợp ngói nam. Đến năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), tu sửa tòa đệ nhị cột gỗ lim, mái ngói nam.

Vua Khải Định năm thứ 6 (1921) đã cho tu sửa tòa đệ nhị cột gỗ lim, mái ngói nam. Công việc tu sửa đến mùa đông năm Nhâm Tuất (1922) thì hoàn thành. Năm 1925, đời vua Khải Định thứ 10, diện tích đền được mở rộng, phần giáp sông xây kè đá, trên lấp đất, rộng 2 sào 12 thước.

Đến năm 1942, thời vua Bảo Đại, năm thứ 17, đúc tượng đức Thánh Triệu Việt Vương bằng đồng cao 3 thước, vai 7 tấc.

Năm 1948, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, lợi dụng vị trí thuận lợi về giao thông thủy bộ vùng đất này, giặc đã kéo về càn quét, phá hủy đền Độc Bộ.

Năm 1957, dân làng phục dựng lại đền Độc Bộ. Năm 1983, tu sửa ba gian Tiền đường theo kiểu mái cuốn vòm. Năm 1991, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân các làng đã đóng góp kinh phí xây dựng nâng cấp lại tòa Tiền đường.

Hằng năm, vào dịp giữa thu, trên vùng sông nước được coi là nơi hóa thánh của Triệu Việt Vương, hàng trăm năm qua, lễ hội ở đền Độc Bộ đã vượt qua tầm hội làng, trở thành lễ hội danh tiếng mùa thu của hàng trăm làng vùng phía nam châu thổ sông Hồng, có phạm vi ảnh hưởng rộng và có sức lan tỏa ra nhiều khu vực lân cận.

Trước đây mọi nghi thức tế lễ đều do quan hàng huyện đứng ra tổ chức. Ngay từ những ngày đầu tháng Tám âm lịch, hàng tổng đứng ra phân công công việc cho các xã, đặc biệt là việc chuẩn bị cho nghi thức tế Tam Kỳ giang ngay giữa ngã ba sông vào ngày 13/8.

Để chuẩn bị cho ngày hội được long trọng, nhân dân các thôn họp bàn việc tổ chức tế lễ. Các đoàn thương thuyền từ Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An giong buồm kéo về bến Độc Bộ neo đậu trước hàng tháng trời, chờ đến ngày chính hội tham gia vào đoàn thuyền tế. Theo tín ngưỡng dân gian, nhà thuyền nào được chọn làm thuyền tế, năm ấy tất sẽ gặp nhiều may mắn.

Theo thông lệ, diễn trình lễ hội thường được diễn ra trong 5 ngày. Thời gian đó, không khí lễ hội nhộn nhịp, Dân chúng từ các huyện Nam Trực, Hải Hậu và phía nam huyện Ý Yên (thuộc Nam Định), các huyện bên sông thuộc Nghĩa Hưng, Yên Khánh (thuộc đất Ninh Bình) và nhiều làng thuộc Thanh Hóa, Nghệ An… theo các đường thủy, bộ nườm nượp kéo về dâng lễ và cùng dự hội.

Ngày nay, những tập tục dân gian trong lễ hội Đền Độc Bộ vẫn diễn ra theo trình tự. Tuy nhiên để phù hợp với điều kiện xã hội và quy chế tổ chức lễ hội theo nếp sống văn minh, lễ hội Đền Độc Bộ được tổ chức từ 2-3 ngày. Chính hội là ngày 13-8 (âm lịch) - ngày tuẫn tiết của Triệu Việt Vương.

Trong phần lễ, một số nghi thức được rút gọn nhưng vẫn bảo lưu được giá trị văn hoá truyền thống.

Đúng giờ Ngọ ngày 13, tại đền tiến hành nghi thức tế Tam Kỳ giang. Các làng trong xã như Phạm Xá, Dương Xá, Đoài Thôn, Độc Bộ rước kiệu lên thuyền làng mình, lướt sóng ra tụ hội tại chính ngã ba sông, nơi giáp ranh hai làn nước trong (thuộc sông Đáy) và đục/phù sa (thuộc sông Đào) giao nhau, để làm đại lễ. Vị trí cử hành nghi lễ cách đền Độc Bộ khoảng gần cây số. Làng Độc Bộ bao giờ cũng giữ vai trò thực hành tế lễ.

Nghi thức tế Tam Kỳ giang thực chất là nghi thức tế trời đất, thánh thần tại ngã ba sông và rước nước thánh về đền. Nghi thức được tiến hành gồm 2 phần. Phần một tế trời đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa, sóng yên bể lặng, mùa màng bội thu, sau đó các đội tế dâng hương hoa, hóa vàng mã, hóa ngựa thả xuống sông cùng với các lễ vật như bánh dầy, chè kho… Phần hai tế thần, các đội tế đọc chúc văn ca ngợi công đức của Đức thánh Triệu Việt Vương có công đánh đuổi giặc Lương rồi lấy nước đổ vào một chiếc chóe có phủ vải điều làm nước thánh rước về đền để tế. 

Phần hội với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao sôi nổi: đua thuyền rồng với sự tham gia của nhiều tay chải đến từ các huyện: Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Nam Trực; kéo co, cờ tướng, chọi gà, tổ tôm điếm, leo cầu phao, múa lân, sư, rồng, hát chèo, hát ca trù, hát quan họ... tạo không gian văn hoá làng sôi động, hấp dẫn, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Hồng Sơn