Diễn ra từ 4-10/7, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) sẽ xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước, cũng như thảo luận, cho ý kiến về việc triển khai chủ trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
Phát biểu khai mạc sáng nay (4/7), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh các công việc của Hội nghị Trung ương đầu khóa là rất quan trọng, xác định những nội dung, bước đi, định hướng của việc cụ thể hóa, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đại hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng. |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương khi thảo luận về chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương toàn khóa, cần ưu tiên cho những vấn đề bức xúc, khó khăn cần tháo gỡ, giải quyết, hoặc những khâu cần đột phá như tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; chính sách, pháp luật về đất đai; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường; chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát huy dân chủ, kiện toàn bộ máy các cơ quan nhà nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế...
Tại Hội nghị lần này, Trung ương sẽ dành thời gian thích đáng để xem xét, quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước để Quốc hội khóa XIII xem xét bầu hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền tại kỳ họp thứ nhất khai mạc ngày 21/7 tới.
"Việc chuẩn bị nhân sự lần này cần quán triệt và thực hiện nhất quán phương hướng công tác cán bộ do Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đề ra, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hài hòa của Đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung. Cố gắng xem xét một cách tổng thể; bố trí, sắp xếp cán bộ một cách hợp lý nhất trong điều kiện cho phép; căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ, cần chú trọng năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; kết hợp yêu cầu trước mắt với bước chuẩn bị cho các khóa tiếp theo, kết hợp tính kế thừa và phát triển; tránh xáo trộn nhiều", ông Trọng nhấn mạnh.
Hội nghị lần này cũng sẽ thảo luận, cho ý kiến về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, các định hướng lớn và phương châm, phương pháp tiến hành nghiên cứu, tổng kết, bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bảo đảm phát huy dân chủ, có sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân; không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng chống phá, xuyên tạc.
"Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc rất khó và hệ trọng, cần được tiến hành một cách khoa học và chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương", Tổng Bí thư nói.
Những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này đều là những vấn đề rất cơ bản và hệ trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp; tiếp tục có sự cải tiến, đổi mới, cả trong bố trí chương trình, cách thức điều hành, thảo luận, theo hướng phát huy đầy đủ dân chủ, trí tuệ của Trung ương, tận dụng tối đa thời gian, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên họp trong không khí cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm.
Theo TTXVN