Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) có sự vào cuộc của nhiều tổ chức, đoàn hội nhưng vai trò của Hội Nông dân là vô cùng quan trọng. Hội phát huy vai trò cầu nối trong việc giúp hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo, thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng NTM, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023 tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua: Hội Nông dân Việt Nam luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn. Hội tiếp tục tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và đạt được nhiều kết quả quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới.
Tại tỉnh miền núi Lai Châu, Hội Nông dân huyện Tân Uyên đã thể hiện vai trò cùng với các cấp Đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh phát triển xây dựng NTM với tinh thần không ngại khó, ngại khổ, phát huy truyền thống đoàn kết tương thân tương ái, ý thức trách nhiệm cộng đồng.
Nhìn vào thành quả của Hội Nông dân huyện Tân Uyên trong xây dựng NTM có thể thấy rõ một số bài học kinh nghiệm quý.
Thứ nhất, tuyên truyền tới từng hội viên nông dân.
Công tác tuyên truyền được Hội xác định là trọng tâm trong việc xây dựng NTM. Hội đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hội nghị tuyên truyền cho hội viên thông qua sinh hoạt chi, tổ hội, họp thôn bản, tuyên truyền miệng, phát tờ rơi.
Tuyên truyền vận động hướng dẫn giúp đỡ các xã về các tiêu chí nông thôn mới như tiêu chí môi trường cần đảm bảo nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn, an toàn, vệ sinh đường làng ngõ xóm, đảm bảo vệ sinh chuồng trại trong khu chăn nuôi ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh từ môi trường.
Tuyên truyền để hội viên hội nông dân hiểu được việc phát triển kinh tế từ nông nghiệp không chỉ riêng độc canh cây lúa mà cần phát triển mở rộng sang hướng nông nghiệp hàng hóa phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương mình.
Hội Nông dân cơ sở cũng thường xuyên tuyên truyền tới các hộ gia đình trong thôn, bản chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước góp phần xây dựng NTM và địa phương ngày càng phát triển.
Hội thường vận động xây dựng NTM như phong trào hiến đất, kêu gọi tài trợ, hiến ngày công lao động để xây đường bê tông, các công trình của thôn xóm. Qua đó nâng cao ý thức của hội viên nông dân trong xây dựng NTM.
Thứ hai, phát triển kinh tế theo hướng mở rộng, không còn tự phát.
Từ trước tới nay, người dân tại Tân Uyên thường sản xuất nông nghiệp manh mún, mang tính chất nhỏ lẻ, hiệu quả kém, nguồn vốn sử dụng không được hiệu quả. Chính vì vậy, Hội Nông dân cũng thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay vốn triển khai các dự án chăn nuôi, trồng trọt như trồng chè tiêu chuẩn, nuôi bò sinh học, hỗ trợ cây con để nông dân trồng trọt phát triển.
Cùng với đó, Hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tập huấn, hỗ trợ giúp đỡ nông dân về giống, vật tư, khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất.
Hội Nông dân thường xuyên hỗ trợ người dân xây dựng các dự án phát triển kinh tế. Các dự án lớn sẽ được vay nguồn vốn lớn hàng trăm triệu đồng để các hộ nông dân có cơ hội mở rộng sản xuất, thuận lợi hơn là việc đầu tư manh mún, tự phát.
Ngoài ra, hội nông dân cũng liên kết với nhiều cơ sở, hợp tác xã phát triển thương mại tổng hợp như kinh doanh vật liệu xây dựng, phân bón, chăn nuôi bò thương phẩm, gà đẻ trứng, phát triển mở rộng diện tích trồng và đầu tư dây truyền sản xuất chè mang lại thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu mỗi năm, đời sống hội viên tăng lên.
Từ đó, huyện Tân Uyên đã có nhiều mô hình gia đình kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững.
Thứ ba, đẩy mạnh phong trào của Hội Nông dân
Hội Nông dân huyện Tân Uyên có nhiều phong trào phát triển trong Hội điển hình như phong trào đẩy mạnh thi đua sản xuất giỏi, giúp nhau làm giàu gắn với phong trào toàn dân xây dựng NTM. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng thay đổi. Nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Nhiều hộ gia đình đã trở thành tấm gương sáng trong vươn lên làm giàu, giúp các hội viên khác thoát nghèo.
Ngoài ra, Hội đã góp phần xây dựng thiết chế văn hóa ở nông thôn, gắn xây dựng nông thôn mới với xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc. Đẩy mạnh hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng trong nông dân, tạo điều kiện để hội viên giao lưu, học tập lẫn nhau.
Trong 5 năm qua, nông dân huyện Tân Uyên cùng với Hội Nông dân đã xây dựng được nhiều sản phẩm OCOP mang thương hiệu của huyện như ổi, bưởi, nhãn. Huyện cũng xây dựng nhiều mô hình cây ăn quả giúp Tân Uyên giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM thành công.
Từ chủ trương, chính sách tới hành động cụ thể cần một con đường dài với rất nhiều quyết tâm, nỗ lực. Cách triển khai xây dựng NTM của Hội Nông dân huyện Tân Uyên đã hiện thực hóa những mục tiêu nâng cao đời sống nông dân, thay đổi diện mạo nông thôn.
Có thể nói, diện mạo quê hương Tân Uyên ngày càng thay đổi nhờ sự đóng góp thiết thực của Hội Nông dân huyện cùng cấp ủy, chính quyền địa phương.