- Hàng chục chủ đầm bãi ở Tiên Lãng (Hải Phòng) đang đứng trước cơ hội được “hồi sinh” trở lại sau khi Thủ tướng kết luận chính quyền huyện Tiên Lãng qua vụ việc cưỡng chế đầm tôm đã vi phạm pháp luật đất đai từ công tác quản lý, sử dụng, cho thuê đầm bãi nuôi trồng thủy sản tại địa phương từ nhiều năm nay.
Từ kết luận này, những chủ đầm bãi có cơ hội được gia hạn sử dụng đất, được tiếp tục thuê đất và tiếp tục nuôi trồng thủy sản – một hướng phát triển kinh tế thực sự giúp nhiều người đổi đời.
Chấm dứt thảm cảnh
Gần chục năm qua, hàng chục chủ đầm bãi nuôi trồng thuỷ sản tại Tiên Lãng đứng trước thảm cảnh: có đầm bãi mà không dám đầu tư nuôi trồng thuỷ sản. Nguồn thu chính của họ là đánh bắt, khai thác thủy sản tự nhiên.
Trong khi đó, rất nhiều hộ đã bỏ ra tiền tỷ đầu tư đầm bãi, cùng với mồ hôi, công sức nhiều năm trời…
Đầm bãi bỏ hoang từ sau khi có quyết định thu hồi của UBND huyện Tiên Lãng. |
Thảm cảnh này xuất phát từ nguyên nhân: UBND huyện Tiên Lãng ban hành hàng loạt các quyết định thu hồi đầm bãi, cùng với thông báo các chủ đầm phải dừng đầu tư. Các quyết định này được ban hành từ năm 2007.
Nhưng trớ trêu, huyện không bồi thường sau thu hồi. Hàng chục tỷ vay nợ ngân hàng không có khả năng trả. Cuộc chiến giằng co giữa người thuê đầm và cơ quan chủ quản kéo dài từ bấy đến nay.
Đỉnh điểm là hành vi chống người thi hành công vụ của chủ đầm Đoàn Văn Vươn, khởi phát cho hàng loạt những mâu thuẫn được công luận lên tiếng.
Câu chuyện của các chủ đầm ở Tiên Lãng ai cũng giống ai, chỉ khác chăng là tên chủ hộ và địa điểm, diện tích đầm bãi… của mỗi người khác nhau.
Thời hạn thuê đất của họ cũng ở một giới hạn nhất định (từ 4 đến dưới 14 năm). Một mô hình kinh tế xóa đói giảm nghèo thực sự có hiệu quả ở Tiên Lãng, không những không được nhân rộng mà đứng trước nguy cơ bị chết yểu vì cơ chế quản lý địa phương, cục bộ và xé rào của chính quyền sở tại.
Gia đình anh Hoàng Văn Đỏ (xã Đông Hưng) được thuê 2,8ha đầm bãi. Quyết định thuê đất ký ngày 9-7-1993, thời hạn giao đến 31-12-2005. Anh Đỏ được thuê 12 năm 5 tháng.
Gia đình ông Hoàng Văn Tin (xã Tây Hưng) cũng được huyện Tiên Lãng ký quyết định giao đất từ ngày 31-1-1992, diện tích đất được giao là 23ha, thời hạn giao đất 15 năm, tức đến ngày 31-1-2007 sẽ thu hồi.
Chưa hết hạn, cuối tháng 12-2006, huyện Tiên Lãng đã có thông báo yêu cầu gia đình dừng đầu tư sản xuất tại vùng nuôi trồng thủy sản được giao, và sau ba tháng kể từ ngày ra thông báo phải bàn giao lại diện tích kể trên.
Anh Vũ Văn Luân (xã Hùng Thắng) có hai khu đầm, một khu rộng 12,5 ha, một khu rộng 5,09 ha, đều ở Vinh Quang.
Năm 2000, cả hai khu đầm của ông Luân đều được UBND H.Tiên Lãng ký quyết định giao đất, nhưng thời hạn chỉ là 4 năm (vì đây là khu đầm ông Luân mua lại của người khác, những người này được H.Tiên Lãng cấp đất thời hạn 12 năm, tính từ năm 1992, năm 2004 hết thời hạn).
Tháng 6-2004, UBND H.Tiên Lãng thông báo yêu cầu ông Luân dừng đầu tư; tháng 12.2004, UBND huyện ra 2 quyết định thu hồi cả hai khu đầm của ông Luân. Đó là QĐ 1490 thu hồi 12,5 ha, QĐ 1492 thu hồi 5,09 ha.
Danh sách các chủ đầm bị thu hồi rất dài, bao gồm gần 40 hộ, trong đó tập trung ở các xã Vinh Quang, Đông Hưng, Tây Hưng, bao gồm: chủ đầm Lương Văn Trong (30ha, xã Đông Hưng); Hoàng Văn Tin (23ha, xã Tây Hưng); Vũ Văn Chiêng – 7ha; Vũ Văn Tụy (50ha, xã Đông Hưng); Lương Văn Ná (19ha); Lương Văn Tảnh (6ha); Lương Văn Cường (3,5ha); Hoàng Văn Đỏ (7ha); Nguyễn Trọng Chính (7ha); Trần Đình Thảo – 6ha; Hoàng Văn Hùng (7ha, xã Tây Hưng); Nguyễn Bá Đọ (8ha); Vũ Tiến Dũng (8ha); Lương Văn Hẩy (8ha); ông Sáu Cảnh (23ha); Nguyễn Văn Tiêu (xã Vinh Quang, 9ha)…
Phong trào nuôi trồng thủy sản tại Tiên Lãng bị chùng lại gần chục năm nay, khi các QĐ thu hồi được ban hành. Lần lượt các chủ đầm có trong danh sách đều nín thở chờ đợi đến ngày huyện cưỡng chế.
Rất nhiều chủ đầm đã tiến hành các công việc cải tạo đầm bãi, chuẩn bị đầu tư nuôi trồng thủy sản tại các khu đầm bỏ không nhiều năm nay. |
Đó cũng là câu chuyện đã được VietNamNet phản ánh về việc, Tiên Lãng sẽ cưỡng chế tiếp hàng trăm ha đầm bãi khác, sau khi cưỡng chế xong đầm bãi của Đoàn Văn Vươn.
Chiều ngày 10/2, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội… và đưa ra kết luận về vụ việc nóng bỏng đang được đông đảo dư luận quan tâm.
Từ báo cáo thực tế của các cơ quan này, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: UBND huyện Tiên Lãng đã có sai phạm trong việc ra các quyết định giao đất có thời hạn, đồng thời, việc thu hồi, cưỡng chế cũng vi phạm pháp luật.
Từ kết luận này của Thủ tướng, hàng trăm chủ đầm bãi tại Tiên Lãng đang có cơ hội hồi sinh…
'Hồi sinh' sau ngày 10/2
Sau khi kết luận của Thủ tướng Chính phủ về vụ việc tại Tiên Lãng được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, một không khí mới đang diễn ra tại Tiên Lãng: hầu hết các chủ đầm như trút được một gánh nặng lớn.
Đối với họ, đây là cơ hội “hồi sinh” để tiếp tục được nuôi trồng thuỷ sản. Phong trào nuôi trồng thủy hải sản vắng lặng gần chục năm nay cũng nhờ đó sẽ được sống lại.
Một không khí mới đang diễn ra tại Tiên Lãng: hầu hết các chủ đầm như trút được một gánh nặng lớn. |
Người mừng nhất có lẽ là chủ đầm Vũ Văn Luân. Thời điểm trước ngày 10/2, khi Thủ tướng chỉ đạo cuộc họp về vụ việc Tiên Lãng, thông báo cưỡng chế đầm bãi của Vũ Văn Luân vẫn được dán tại bảng thông báo của UBND xã Vinh Quang.
Điều đó có nghĩa, chỉ chờ đợi thời gian, đầm bãi của Luân sẽ bị cưỡng chế.
“Chúng tôi đã xác định, cứ giằng co được bao nhiêu thì hay chừng ấy, chứ chưa nói đền tiền của, công sức đầu tư, vấn đề mấu chốt là người dân không có đầm bãi, không có tư liệu sản xuất, cực lắm” – anh Luân cho biết.
Ngay trong chiều ngày 10/2, anh Luân đã cùng anh em nhà mình ra dọn dẹp lại đầm bãi, lán trại.
Các anh dự định, khi chính quyền Tiên Lãng thực hiện xong những công việc theo sự chỉ đạo của Thủ tướng, các hộ này sẽ tiến hành làm các thủ tục để gia hạn thuê đầm bãi, tiếp tục đầu tư.
Ông Lương Văn Trong, Phó chủ tịch Liên hiệp Nuôi trồng thuỷ sản nước lợ huyện Tiên Lãng phấn chấn: “Anh em trong hội của chúng tôi có 38 người, khi biết được tin Thủ tướng chỉ đạo, ai cũng mừng. Phong trào nuôi trồng thủy sản ở Tiên Lãng có cơ hội hồi sinh rồi!”.
Ông Lương Văn Trong, phó chủ tịch LCHNTTSNL Tiên Lãng đang trình bày nguyện vọng với lãnh đạo Hội Nông dân về nguyện vọng của các chủ đầm (vào ngày 06/2/2012). |
Chủ đầm Nguyễn Văn Hiền có đầm bãi liền kề với đầm bãi của Đoàn Văn Vươn. Mấy ngày nay, anh em anh Hiền đã đưa thêm tre luồng, vật liệu ra ngoài đầm để gia công lại bờ thửa.
Các anh dựng một cái lán để che mưa nắng. Những phần việc mà gần chục năm nay, các chủ đầm ai cũng dè chừng không dám “mạnh tay”, nhiều người đã thay đổi từ trong suy nghĩ.
“Mừng lắm, tư liệu chúng tôi có, sức khỏe, kinh nghiệm và sự nhiệt tình chúng tôi có thừa. Điều chúng tôi thiếu, đó là được nhà nước ủng hộ để anh em yên tâm sản xuất. Chúng tôi muốn được đóng góp cho nhà nước, mong muốn được thuê đầm bãi để làm kinh tế” – một chủ đầm tâm sự.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường, ông Chu Phạm Ngọc Hiển khẳng định: “Trong thời gian chờ sửa đổi, kiện toàn Luật Đất đai theo sự chỉ đạo của Thủ tướng, các trường hợp hết hạn giao đất sẽ được gia hạn. Chính sách này không chỉ thực hiện ở Hải Phòng mà sẽ được thực hiện ở tất cả các địa phương trong cả nước”. |
Kiên Trung