Lời thề tận trung, trong sạch

Đền Đồng Cổ ở làng Đông xưa kia, nay thuộc địa bàn khu dân cư số 6 phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Di tích Đền Đồng Cổ nằm trên một khu đất cao, trông ra sông Tô Lịch. Đền được xây dựng năm 1028 dưới thời vua Lý Thái Tông. Trải qua bao biến thiên lịch sử, đền Đồng Cổ xây dựng từ thời Lý không còn giữ được nguyên gốc và đã trải qua nhiều lần tu sửa, trùng tu, nhưng vẫn giữ được nhiều dấu tích xưa. 

Ngoài các giá trị về lịch sử, về kiến trúc và các cổ vật hiện đang lưu giữ trong đền,  đền Đồng Cổ ở quận Tây Hồ còn lưu giữ một giá trị di sản văn hóa phi vật thể có ý nghĩa to lớn, đã tồn tại gần 1000 năm nay, đó là Hội thề Đồng Cổ.

Theo các sử sách, bia ký để lại, thì Hội thề Đồng Cổ do vua Lý Thái Tông (1028-1054) khởi sướng với mục đích răn dạy các quần thần tướng sĩ và con dân trong thiên hạ. Trong ngày lễ hội, tước đền đắp một đàn cao, xung quanh cờ xí rợp trời, đội ngũ chỉnh tề, giáo gươm rợp đất. Giữa đàn là thờ vị thần Đồng Cổ, lư hương nghi ngút, quan giám thệ điều khiển hội thề. Bách quan văn võ từ phía đông đi vào đền, đến trước đàn, quì trước thần vị và đọc lời thề “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt”.

Về sau vì ngày hội thề trùng với ngày kỵ của một vua đời Lý nên hội thề được chuyển sang ngày 4 tháng 4 âm lịch. Các đời vua Lý đều cho tiến hành các Hội thề hàng năm.

Thời Trần cũng vẫn giữ lệ này. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Hàng năm vào ngày mùng 4 tháng 4, Tể tướng và trăm quan, hồi gà gáy đến trực ngoài cửa thành, mờ mờ sáng vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang. Trăm quan mặc nhung phục làm lễ lạy rồi lui ra, đầy đủ ghi trượng theo hầu, ra cửa Tây kinh thành, đến Đền Đồng Cổ tham dự Hội thề Đồng Cổ.

Đến thời Trần Dụ Tông (1341-1369) vua thì ham chơi bời, lười chính sự, các quan thì tham nhũng, ức hiếp nhân dân. Chu Văn An đã phải dâng sớ xin chém 7 tên nịnh thần, thời bấy giờ gọi là “thất trảm sớ”, nên nội dung lời thề tại Hội thề Đồng Cổ dưới nhà Trần sửa lại là : 

“Làm tôi tận trung

Làm quan trong sạch

Ai trái thế này

Thần minh giết chết”

Đọc xong Tể tướng sai đóng cửa đền lại để điểm danh, Hội thề Đồng Cổ có từ đấy, các quan ai trốn không đến thì phải phạt đánh 50 trượng và bị phạt 5 quan tiền. 

Hội thề ở đền Đồng Cổ còn duy trì ở cả các triều đại sau và cho đến nay, Đền Đồng Cổ vẫn giữ được tục lệ hội thề “trung hiếu”, truyền thống.

Cứ ngày 4 tháng 4 âm lịch hàng năm, dân làng lại mở hội. 

Phát huy giá trị di sản văn hóa Hội thề Trung Hiếu 

Với ý nghĩa và những giá trị tốt đẹp của Hội thề Trung Hiếu, sáng 15/3/2023, tại đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ) Sở Văn hóa  và Thể thao Hà Nội phối hợp với Quận ủy- UBND quận Tây Hồ tổ chức tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ”.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nhấn mạnh: “Thành phố luôn quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ngày 18/02/2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về việc Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025; Nhằm triển khai Kế hoạch số 55, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Quận ủy – UBND quận Tây Hồ tổ chức Tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội”.

Buổi Tọa đàm là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước cùng cộng đồng địa phương trao đổi, nhận diện giá trị di sản Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ và định hướng trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong bối cảnh lễ hội truyền thống thuộc khu vực nội thành với những tác động mạnh mẽ của quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa. Các ý kiến tại buổi tọa đàm là cơ sở quan trọng để Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, UBND quận Tây Hồ và cộng đồng xây dựng và đề xuất các chính sách về bảo vệ và phát huy giá trị giá trị lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội nói chung và di sản văn hóa phi vật thể Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ nói riêng”.

Với góc nhìn khoa học lịch sử, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá, lễ hội đền Đồng Cổ là lễ hội của triều đình, hướng về nguồn cội, triệt để khai thác sức mạnh niềm tin, sự đồng thuận của triều đình và toàn xã hội, vì sự toàn vẹn của vương triều và thể chế. Đây là hội thề quốc gia có ý nghĩa hết sức đặc biệt, được Hoàng đế và triều đình dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo rất sát sao.

Nét đặc sắc của Hội thề đền Đồng Cổ chính là sự hòa hợp, kết quyện giữa nghi thức cung đình và dân gian, mượn oai thần linh để tạo nên sự thăng hoa và hết mình của toàn thể cộng đồng, vì sự trường tồn của triều đình và đất nước. Lễ hội sắp được tổ chức tới đây sẽ là lễ hội thứ 995, chỉ còn 5 năm nữa, lễ hội tròn 1.000 năm với kỳ vọng vẫn giữ được các giá trị truyền thống, song sẽ thật sự đổi mới, sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển, biến đổi của Thủ đô, đất nước và thời đại.

Ngày nay, một số nghi thức đã thay đổi như không còn duy trì nghi thức cắt máu ăn thề và những người đọc lời thề là đoàn thể, nhân dân trong phường Bưởi. Dù vậy, giá trị độc đáo của Hội thề vẫn được ghi nhận.

Theo Nhà sử học Lê Văn Lan, Hội thề hiện nay do nhân dân làm chủ, nhưng cần phục hồi ở mức độ cao hơn để bảo vệ tính thời sự của nó. Trước mắt, cơ quan chức năng cần xây dựng hồ sơ ghi danh Lễ hội là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Khi đó, cần tạo kịch bản Lễ hội tổ chức theo từng cấp độ do chính quyền phường, quận hoặc cơ quan cấp cao hơn thực hiện.

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đều thống nhất việc xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ. Đây chính là biện pháp bảo vệ và từng bước phục hồi giá trị gốc để phù hợp với tính thời sự hiện nay. Các giá trị về tâm linh, đạo đức và pháp luật là những điểm tựa làm lành mạnh hóa, trong sạch hóa bộ máy quản lý hành chính. Trước kia, các bậc đế vương muốn củng cố vương quyền, tranh thủ sự ủng hộ của dân nên sử dụng “sức mạnh mềm của văn hóa” để thực hiện mong muốn thống nhất, bảo vệ độc lập chủ quyền, củng cố chính vương quyền của mình. Các yếu tố đó đã tạo sự ổn định cho xã hội.

Bởi vậy, các đại biểu tham dự tọa đàm đều nhất trí đánh giá, Hội thề này xứng đáng là Di sản Văn hóa Quốc gia.

Hải Vân