Sự đe dọa của loài hổ đã khiến nhiều ngôi làng, đặc biệt là ở vùng núi Bắc Kỳ, biến thành các thành lũy với hàng rào cao và tháp canh luôn có người túc trực vào ban đêm…
Trong cuốn sách Trên đường Cái Quan (Sur la Route Mandarine) được xuất bản
vào năm 1925, tác giả Pháp Roland Dorgelès đã nói về nỗi khiếp sợ loài hổ của
người dân Đông Dương, cũng như những câu chuyện diễn ra phía sau các buổi đi săn
của giới thượng lưu.
Theo cuốn sách này, rất nhiều người đã bị chết dưới nanh vuốt hổ, đó là một thực
tế. Loài vật này chính là kẻ thù số một của những nhân viên chuyển phát bưu
điện, những người thường xuyên phải di chuyển những chặng đường dài qua các vùng
rừng núi hẻo lánh.
Sự đe dọa của loài hổ đã khiến nhiều ngôi làng, đặc biệt là ở vùng núi Bắc Kỳ,
biến thành các thành lũy với hàng rào cao và tháp canh luôn có người túc trực
vào ban đêm.
Loài hổ thường săn mồi trong rừng. Nhưng cũng không hiếm trường hợp, đặc biệt là khi đói, chúng mạo hiểm xâm nhập vào các làng bản của con người để tìm kiếm thức ăn - là gia súc nhưng cũng có thể là con người. Chúng đã trở thành một mối nguy hiểm, một loài quái vật mà con người phải chống chọi…
Theo ước tính, vào đầu thế kỷ 20 có khoảng 80.000 con hổ tại thuộc địa Đông Dương của pháp. Người An Nam gọi loài hổ là “ông hổ” hoặc “ông cọp” vì họ có một nỗi sợ hãi mang tính mê tín dị đoan. Họ thờ cúng và quỳ lạy trước loài hổ với niềm tin rằng sự kính trọng của mình sẽ khiến loài vật này giảm bớt những cuộc tấn công vào con người.
Dưới đây là một số đoạn trích từ cuốn Trên đường Cái Quan:
Ở Đông Dương có rất nhiều hổ, có lẽ là cũng nhiều như lợn rừng ở nước Pháp vậy. Nhưng thật sự thì không phải ai cũng có thể bắt gặp được chúng một cách trực tiếp nếu không phải là những người thường xuyên đi rừng. Trường hợp một con hổ nhảy lên nóc xe ô tô của một quý bà tại Đà Lạt trên một con đường cách đây ít lâu có lẽ chỉ lã một trường hợp hi hữu.
Những tiếng gầm của loài hổ vang ra từ các khu rừng là điều mà bạn có thể bắt gặp nhiều hơn. Và chỉ cần như vậy, chúng cũng đã để lại một ấn tượng thật khủng khiếp.
Khi đi qua bất cứ một ngôi làng nào ở gần rừng, bạn cũng có thể được nghe người dân kể về các vụ mất tích của một chú chó, một con lợn, một con ngựa, một con trâu, thậm chí là cả một người bản địa mà thủ phạm không ai khác ngoài “ông cọp”.
Theo người dân bản địa, các ông cọp không thường xuyên xâm nhập vào các nơi đông dân cư. Chúng chỉ làm điều này khi đã già, cơ bắp đã quá yếu để có thể săn hươu. Khi đó, các loài vật nuôi chậm chạp và cả con người trở thành các con mồi lý tưởng. Kể cả khi đã già yếu như vậy, sức mạnh của chúng vẫn đủ làm con người kinh hãi”.
Tuy vậy, với sự hiện diện của người Pháp cùng các loại vũ khí tối tân, loài hổ đã được giao một vai trò tích cực: trở thành đối tượng trong các buổi săn bắn của giới thượng lưu Pháp.
Dưới đây là một số đoạn nói về hoạt động săn bắn hổ của người Pháp trong cuốn Trên đường Cái Quan.
Không có gì thú vị hơn một cuộc săn bắn mạo hiểm. Chỉ cần có thật nhiều tiền và một khẩu súng, bạn có hổ.
…Người bảo vệ rừng sẽ kiểm tra súng và kỹ năng tác xạ của bạn, cũng như tư vấn cho bạn về cách ăn mặc phù hợp, loại giày nào cần dùng để đi trong rừng.
Khi tất cả đã sẵn sàng, chuyền hành trình sẽ bắt đầu. Rừng rậm um tùm, các vách núi cheo leo là điều mà bạn sẽ phải trải qua.
Chẳng bao lâu bạn thân thể bạn được bao quanh bởi một đám muỗi. Chúng cắn vào mặt, chân, tay, vào khắp mọi nơi, thậm chí là cắn xuyên qua cả quần áo của bạn. Bạn sẽ liên tục lắc đầu, chà xát vào những chỗ ngứa ngáy. Một cái tát đầy bạo lực sẽ để lại vệt máu trong con muỗi béo mọng.
Người dẫn đường sẽ gõ nhẹ vào vai để nhắc bạn không được gây tiếng ồn. Tất nhiên, bạn chỉ có một trong hai lựa chọn: đập muỗi hoặc là săn hổ.
Bạn sẽ có rất nhiều thời gian để suy nghĩ trong rừng. Nhưng luồng suy nghĩ ấy có thể bị cắt ngang bất cứ lúc nào. Đó là khi người dẫn đường ra dấu hiệu cảnh báo. Bạn không nghe thấy gì, không nhìn thấy gì, quả tim thì đập nhanh hơn một chút, và vũ khí đã sẵn sàng.
Đột nhiên, những bụi cây rung động, và điều mà chúng ta thấy...
Chính là nó! To lớn làm sao! Dường như phát hiện ra điều gì, con hổ quay đầu về phía bạn và bước đến một cách mềm mại và chậm chạp.
Hai tiếng súng đanh gọn vang lên… Và ngày hôm sau, bạn đã có thể vênh vang bên một bộ da hổ tươi nguyên.
Tại Sài Gòn, bộ da hổ này sẽ khiến bạn được mọi người ngưỡng mộ. Nếu đem chúng về Paris, người ta sẽ coi bạn là anh hùng. Đó là những điều mà bạn nhận được khi trở thành một “người giết hổ”.
Với hoạt động săn bắn của người Pháp, mặc dù hổ vẫn còn nhiều ở Đông Dương, nhưng đến cuối những năm 1920 số lượng của chúng đã giảm nhiều ở Nam Kỳ. Nhưng sự nguy hiểm mà chúng gây ra thì lại tăng lên.
Do các đàn hươu - thức ăn chính của hổ bị tàn sát bừa bãi ở miền Nam mà thức ăn của hổ đã trở nên khan hiếm. Chúng đã rời bỏ các cánh rừng để tấn công vào làng mạc của con người.
Chính quyền địa phương ghi nhận đã có trường hợp cả một gia đình bị hổ ăn thịt. Người dân chỉ phản ứng thụ động và yếu ớt trước sự tấn công của loài vật mà họ tôn thờ. Các loại vũ khí thô sơ tỏ ra vô hiệu. Bẫy sập được đánh giá là rất hiệu quả nhưng rất hiếm khi được dùng vì người dân quan niệm rằng linh hồn của những “ông cọp” bị chết sau khi dính bẫy sẽ ám họ.
Như vậy, người dân bản địa đã trở thành nạn nhân gián tiếp của thói quen săn bắn, tiệc tùng vô tội vạ của người Pháp.
(Theo Belle Indochine/ĐV)