Buôn Đôn là huyện biên giới, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh. Toàn huyện có 7 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 87 thôn, buôn, trong đó có 24 buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc có bản sắc riêng gắn với hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Vì vậy việc tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống là dịp để các dân tộc được gặp gỡ giao lưu, đoàn kết; góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc độc đáo của dân tộc mình

Theo UBND huyện Buôn Đôn, đến nay huyện đã ban hành Quyết định Điều lệ và Thể lệ Lễ hội văn hoá và Hội voi Buôn Đôn năm 2023. Thống nhất với các chủ voi, nài voi về nội dung và chương trình cụ thể. Phối hợp xã Krông Na thống nhất với các nghệ nhân, già làng và thầy cúng các nghi lễ tại Hội voi và Lễ hội xong nội dung, chương trình, các nghệ nhân thực hiện các nghi lễ và lễ vật.

Hội voi năm nay có sự tham gia của 7 chú voi đến từ xã Krông Na, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, chi nhánh Du lịch và khách sạn; Khu Du lịch sinh thái Bản Đôn – Ánh Dương.

Một góc Hội voi 2023

Năm nay Hội voi không tổ chức thi voi chạy, voi bơi, voi đá bóng hoặc thi kéo co giữa voi với người. Thay vào đó Buôn Đôn sẽ tổ chức các hoạt động: Lễ cúng bến nước và Lễ cúng sức khỏe cho voi, Lễ khai mạc và Lễ bế mạc hội voi, thi trang điểm cho voi, tiệc buffet cho voi, thi voi chào khán giả, chụp hình với voi.

Lễ hội Văn hóa truyền thống bao gồm các hoạt động như thi trại đẹp; tạc tượng gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên; dệt thổ cẩm; đan lát; chế tác nhạc cụ dân tộc lễ hội có thêm các hoạt động giã gạo, ném còn, bổ sung các món ẩm thực; trình diễn trang phục truyền thống…

Tại đêm khai mạc có diễu hành biểu dương lực lượng; lễ cúng thần linh; thắp lửa truyền thống; giao lưu cồng chiêng, múa xoang,...

Đây cũng là dịp tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Buôn Đôn tới người dân, du khách, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hồng Vũ