– Đã có 1.634 người được khám miễn phí trong 2 đợt khám sàng lọc ung thư vú tại Hà Nội và Huế.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ của “Dự án phòng chống bệnh ung thư vú” do Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) chủ trì tổ chức.
Thống kê cho thấy trong đợt khám sàng lọc miễn phí tại Hà Nội (được tổ chức vào tháng 12/2013), đã có 748 đối tượng tuổi từ 34-54 tham gia khám sàng lọc, trong đó có 120 đối tượng nghi ngờ phải chụp mamography (chụp nhũ ảnh), 31 đối tượng u xơ vú, 30 đối tượng bị viêm xơ vú, 1 đối tượng nghi ngờ ung thư, …
Người dân đăng ký khám sàng lọc miễn phí ung thư vú tại Huế (Ảnh: Q.A) |
Đợt khám sàng lọc miễn phí lần 2 mới được tổ chức vào ngày 20/4/2014 tại Huế với sự phối hợp của BV Trung ương Huế. Tống số người (trong độ tuổi 34-54) tham gia khám là 886, trong đó có 58 đối tượng u xơ vú, 3 đối tượng nghi ngờ ung thư vú phải hành thêm siêu âm và chọc dò.
Dự án phòng chống bệnh ung thư vú” với tên gọi “Vì phụ nữ, vì ngày mai” là chương trình đầu tiên trong cam kết đẩy lùi bệnh ung thư vú tại Việt Nam, sẽ được tiến hành trong 3 năm (từ 2013-2015).
Ông Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc bệnh viện K, Phó chủ tịch Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng cho biết dự kiến chương trình sẽ khám, sàng lọc cho khoảng 100.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 40-54 trong thời gian 3 năm diễn ra dự án.
Tất cả mọi đối tượng đến khám sàng lọc trong dự án này đều được khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú, được tư vấn miễn phí các thông tin liên quan đến ung thư vú, được tiếp cận với kiến thức phòng chống ung thư qua các tờ rơi, tài liệu được phát đến tận tay đối tượng tham gia khám.
Kết quả khám và chụp sẽ được thông báo và trả cho bệnh nhân. Nếu có nghi ngờ ung thư thì bệnh nhân đó được hẹn đến Bệnh viện K để chụp mamography (chụp nhũ ảnh) cùng ngày để chẩn đoán miễn phí.
Một số thông tin về bệnh ung thư vú tại Việt Nam Ung thư vú là căn bệnh ung thư gây ra tỉ lệ tử vong và thường gặp thứ 2 trên thế giới. Riêng ở Việt Nam, theo số liệu của Viện nghiên cứu phòng chống Ung thư, ước tính cứ 10 phụ nữ thì có 1 người có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Thế nhưng, nhận thức thấp cũng như kiến thức về bệnh ung thư vú vẫn chưa được phổ cập rộng rãi, những hạn chế về mặt truyền thông, tiếp cận thông tin đã khiến người dân không đủ những hiểu biết cần thiết về căn bệnh này. Người bệnh thường đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn, làm cho hiệu quả điều trị rất hạn chế. Trên thực tế 50% bệnh nhân ung thư có thể được cứu sống bằng các biện pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa chất và kết hợp với các phương pháp điều trị khác, nhưng điều đó thật không dễ dàng đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam. |
Cẩm Quyên