- Hôn nhân của đôi vợ chồng trẻ đứng bên bờ đổ vỡ, hai bên thông gia không tìm cách hòa giải mà chỉ "đổ thêm dầu vào lửa"...

7 lần làm đơn ly hôn chồng

Sau thời gian tìm hiểu, năm 2013, anh L. và chị H. (ở Đông Anh, Hà Nội) làm đám cưới. Cuộc sống hôn nhân của họ thời gian đầu vô vùng hạnh phúc. Không ai ngờ có ngày anh L. lại làm đơn xin ly hôn vợ.

Trong đơn xin ly hôn, anh L. trình bày: Chị H. đã lấy anh nhưng không hề yêu anh, mà vẫn vấn vương với tình cũ. Lúc nóng giận khi thấy vợ gọi điện, nhắn tin cho người yêu cũ, anh đã tát vợ và đập tan chiếc điện thoại.

Hôn nhân của họ càng dày thêm mâu thuẫn khi mẹ anh L. là hiệu trưởng một trường mầm non, muốn con dâu bỏ nghề kế toán, theo nghiệp của mình, nhưng con dâu không chịu. "Mỗi lần vợ chồng có mâu thuẫn, H. lại dọa bỏ và đã 7 lần làm đơn ly hôn", anh L. trình bày.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn, ngày 25/9/2015, anh L. đưa chị H. về nhà mẹ đẻ "để gia đình dạy dỗ thêm". Kể từ đó, vợ chồng anh ly thân. "Đến nay, xác định mâu thuẫn vợ chồng đã trầm trọng thời gian dài, không còn khả năng đoàn tụ, tôi không yêu thương H. nữa, kiên quyết xin ly hôn", lời anh L.

Về con chung, anh L. đồng ý để vợ nuôi, nhận trợ cấp 1 triệu đồng hàng tháng. Anh cho biết, từng bị mẹ vợ thuê người "xử" chỉ vì anh cố tìm cách gặp con.

Ngược lại với chồng, chị H. cho hay, vợ chồng chị không có mâu thuẫn gì, vẫn yêu thương nhau. Anh L. đòi ly hôn là do tác động của mẹ anh và gia đình. Chị không đồng ý ly hôn anh L.

Theo bản án sơ thẩm, trong khi vợ chồng anh L., chị H. gặp sóng gió trong hôn nhân, gia đình hai bên không dàn xếp hòa giải cho các con mà còn có thái độ chấp trách lẫn nhau, khiến cho mâu thuẫn đôi vợ chồng trẻ và hai bên gia đình càng thêm căng thẳng.

Mẹ chị H. xác định, giữa hai gia đình thông gia không còn tình cảm gì, vợ chồng H. không thể chung sống với nhau. Trong khi đó, mẹ anh L. ép con trai phải chọn giữa mẹ và vợ...

Cho rằng chị H. không đồng ý ly hôn chồng với lý do còn thương yêu anh L. là không thực tâm, mà có ý gây khó khăn cho anh L. Hơn nữa, mâu thuẫn của vợ chồng anh L., chị H. đã kéo dài và trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được nên Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu được ly hôn vợ của anh L.

Không chấp nhận phán quyết của Tòa án, chị H. đã làm đơn kháng cáo lên TAND TP Hà Nội. Ngày 22/4, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của chị H.

Tan vỡ

Tại phiên phúc thẩm, chị H. cho rằng, lý do anh L. làm đơn xin ly hôn là do bị mẹ thúc ép, chứ vợ chồng chị không có mâu thuẫn gì. "Tôi đã nhiều lần có động thái níu kéo tình cảm gia đình, nhưng mẹ anh ấy yêu cầu anh phải chọn một là mẹ, hai là vợ, mà anh thì không thể bỏ được mẹ", chị H. trình bày.

Chị H. cho biết, chị đã thử bỏ việc, đi học lớp mầm non để làm công việc như mẹ chồng yêu cầu, nhưng quá trình làm việc, chị thấy mình không thích hợp với công việc đó.

"Tôi cũng đã nghĩ đến nhiều biện pháp để vợ chồng hòa giải, nhưng anh L. không nghe theo, luôn sợ mẹ thế này, thế nọ", chị H. nói thêm.

Nghe luật sư của vợ trình bày theo hướng hòa giải, anh L. nổi khùng: "Ông thử có loại này làm vợ xem ông còn có thể nói vậy được không...". Thái độ của người chồng bị HĐXX nhắc nhở: "Không được xúc phạm nhau tại tòa".

HĐXX xét hỏi đôi vợ chồng:

- Vì lý do mâu thuẫn như đã trình bày nên anh đã trả vợ về nơi sản xuất đúng không?

Dạ đúng. Từ khi lấy nhau, H. không đóng góp gì cho gia đình. Những cái sai, khi khuyên bảo, góp ý, H. còn nói láo. Gia đình H. cũng có lời lẽ không hay về gia đình tôi.

- Vợ chồng anh có du thuyền, máy bay hay tài sản gì chung gì không?

Thưa HĐXX, tiền mua thịt còn chẳng có lấy đâu ra du thuyền.

Quay sang chị H., vị hội thẩm nói: Vợ chồng cốt ở cái tình cảm. Tòa chấp nhận kháng cáo, nhưng liệu anh L. có còn tình cảm với chị không? Nghe đến đây, người vợ chỉ im lặng.

Cho rằng bản án sơ thẩm đồng ý để anh L. được ly dị vợ, chị H. được quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi là thấu tình đạt lý, HĐXX cấp phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo của người vợ.

T.Nhung