Tính đến ngày 30/11/2011, cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề sàn phẩm thiết bị điện/ điện tử năm 2011 đã tiến hành xử phạt đối với 654 cơ sở vi phạm hành chính với tổng số tiền 551.576.000 đồng.

Trong đó, vi phạm về ghi nhãn hàng hoá chiếm đến 66,8% và vi phạm về quy chuẩn kỹ thuật chiếm đến 29,8%, vi phạm về đo lường chiếm 1,2%, vi phạm về sở hữu công nghiệp chiếm 2,2% tổng số vi phạm.

Mập mờ nhãn mác hàng hóa

Số liệu kết quả thanh tra cho thấy nhóm hành vi vi phạm về ghi nhãn hàng hóa là cao nhất và đây cũng là loại vi phạm dễ bị phát hiện.

Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, các hành vi vi phạm phổ biến là nhãn hàng hóa ghi nội dung không đúng quy định, nhãn rách, mờ, hàng nhập khẩu không có nhãn phụ hoặc nhãn phụ ghi không đầy đủ, không đúng quy định....

Kiểm tra nhãn mác hàng hóa. Ảnh: Sở KH&CN Quảng Trị.
Bên cạnh đó, trong quá trình thanh tra, đoàn thanh tra nhận thấy đối với hành vi buôn bán hàng hóa không gắn dấy hợp quy CR, không lưu giữ hồ dơ công bố hợp quy, khi xử phạt hành chính, khung phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng là không khả thi vì phần lớn là các hộ buôn bán nhỏ lẻ, giá trị hàng vi phạm thấp.

Thanh tra Bộ KH&CN cũng đề xuất bổ sung vào Danh mục các thiết bị điện/ điện tử phải đảm bảo yêu cầu về an toàn và thực hiện công bố quy chuẩn hợp quy đối với các sản phẩm: chảo điện, nồi áp suất điện, nồi điện đa năng, bếp điện, các thiết bị điện chăm sóc sức khỏe (máy mát-xa chân, mát-xa lưng, mặt, ghế mát-xa toàn thân), quạt điện không cánh, máy sưởi điện, tông đơ điện, ...

2014: “xóa” dây điện phi tiêu chuẩn

Cũng theo báo tổng kết cuộc thanh tra diện rộng chuyên đề về sản phẩm thiết bị điện/ điện tử năm 2011, các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhiều hiện tượng “lách luật”, điển hình là mặt hàng dây cáp điện.

Ví dụ, sản phẩm dây lõi nhôm bọc nhựa ghi nhãn hàng hoá "Dây nhôm dùng để cố định cây cảnh". Tuy nhiên, chủ kinh doanh lại bán cho người dân dùng để làm dây điện trong nông nghiệp như kéo đường dây điện, chạy máy bơm nước.

Ở Long An, một số loại dây lõi kim loại nhiều sợi(dây đồng) bọc nhựa PVC người dân sử dụng làm dây điện những sản phẩm được ghi nhãn hàng hoá là dây loa.

Ngoài ra, thực tế hiện nay, một số cơ sở sản xuất dây điện bọc nhựa PVC nhưng có tiết diện khác với tiết diện được quy định trong Tiêu chuẩn VN 6610, một số loại dây điện với điện áp danh định 0,6/1KV, 300/500V... Với lý do này, nhà sản xuất cho rằng sản phẩm của họ không bị điều chỉnh bởi Quy chuẩn VN 04 và không phải công bố hợp quy.

Chia sẻ vấn đề này, đại diện Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết cơ quan này đã đề ra lộ trình thực hiện quản lý chất lượng nhóm sản phẩm thiết bị điện/ điện tử. Theo lộ trình này, đến ngày 01/02/2012, toàn bộ các dây, cáp điện “phi tiêu chuẩn” (Nhóm dây cáp điện có tiết diện không đúng theo quy chuẩn - PV) sẽ phải thực hiện theo tiêu chuẩn công bố và được đóng dấu hợp quy CR.

Đến 01/03/2013, phải địa phương phải thực hiện thống kê, xác định xong khối lượng hàng tồn để thực hiện theo quy chuẩn. Sau thời gian này, các nhà sản xuất, kinh doanh không được thực hiện sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm “phi tiêu chuẩn” nữa. Hạn cuối lưu hành các sản phẩm này trên thị trường sẽ là 01/04/2014.

Cuộc thanh tra chuyên đề về sản phẩm thiết bị điện/ điện tử năm 2011 được thực hiện theo công văn đề nghị phối hợp của Bộ KH&CN với các sở KH&CN trên cả nước. Thanh tra tập trung triển khai trong các tháng 8, 9,10/2011.

Được biết, nội dung dự kiến thanh tra chuyên đề năm 2012 là xăng dầu và gas.

  • Diệu An