Sáng 1/6, người hâm mộ Kpop ngỡ ngàng trước thông tin 3 thành viên của nhóm nhạc EXO là Baekhyun, Xiumin và Chen quyết định chấm dứt hợp đồng độc quyền với công ty giải trí SM Entertainment.
Ba thành viên của EXO cho hay, nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu minh bạch trong việc thanh toán thu nhập và bị chèn ép bằng “hợp đồng nô lệ”. Cụ thể, SM yêu cầu các idol phải ký hợp đồng hợp tác ít nhất 17 - 18 năm và vi phạm luật hiện hành về hợp đồng độc quyền trong ngành giải trí. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên SM bị tố sử dụng “hợp đồng nô lệ” và chèn ép nghệ sĩ.
Sự việc này một lần nữa vén màn những bất công mà các nghệ sĩ Kpop phải chịu đựng phía sau ánh hào quang. Từ khi là thực tập sinh đến khi ra mắt, nhiều thần tượng đã trải qua không ít “cơn ác mộng” từ chính công ty chủ quản.
Chèn ép từ khi còn là thực tập sinh
Tất cả thần tượng Kpop đều bắt đầu với tư cách thực tập sinh. Họ phải tham gia các chương trình đào tạo nghiêm ngặt và nỗ lực hết sức để có thể giành một suất ra mắt chính thức. Các thực tập sinh sống và luyện tập cùng nhau. Trong thời gian này, cuộc sống của họ dường như chỉ ở hai điểm - công ty và trường học, hiếm khi được có hoạt động cá nhân nào khác.
Euodias - một cựu thực tập sinh Kpop cho hay, họ thức dậy lúc 5h sáng và kết thúc một ngày vào 1h sáng hôm sau. Tất cả phải tuân theo quy tắc nghiêm ngặt, trong đó có việc cấm hẹn hò và sử dụng điện thoại. Thậm chí, ở một số công ty giải trí, các thực tập sinh không được phép công khai bản thân là đồng tính nếu không muốn bị tẩy chay. Nhiều nữ thực tập sinh còn bị ép đi tiếp khách, hầu rượu các nhà đầu tư của công ty.
Họ được sắp xếp thành những nhóm dựa trên tài năng và thể hình. “Các thực tập sinh có thể được đào tạo trong nhiều năm và không bao giờ biết rằng mình có được ra mắt hay không”, Euodias nói.
Bóc lột sức lao động
Ngay cả những người sống sót sau quá trình đào tạo vẫn tiếp tục chịu sự chèn ép. Các công ty chủ quản thường phân chia doanh thu không đều và phần lớn số tiền nghệ sĩ kiếm được trong thời gian đầu ra mắt sẽ được trả cho khoản nợ đào tạo. Công ty giải trí JYP Entertainment từng tiết lộ, chi phí để đào tạo một nhóm nhạc tân binh khoảng 700 - 900 triệu won (tương đương 12 - 16 tỷ đồng). Ngoài ra, công ty cần đến hơn 1,5 tỷ won (khoảng 27 tỷ đồng) cho màn ra mắt đầu tiên.
Theo hợp đồng ràng buộc, phần lớn số tiền này đều do các thần tượng tự trả. Nhiều nhóm nhạc như GOT7, EXID mất tới 2 năm mới có thể thanh toán hết chi phí cho công ty đào tạo. Đối với những nhóm kém may mắn hơn, thời gian này thậm chí kéo dài thêm nhiều năm nữa. Kết quả là các nghệ sĩ phải nai lưng ra làm việc với lịch trình dày đặc để trả nợ.
Chẳng hạn như nam ca sĩ Cao Lu của nhóm FIESTAR kiếm được 450 USD mỗi tháng sau 5 năm trong ngành. Năm ngoái, tính cả khoản nợ thực tập sinh và chi phí sinh hoạt, số tiền mà anh kiếm được chỉ vỏn vẹn 1 hoặc 2 USD/ngày. Way, cựu thành viên của nhóm nhạc Crayon Pop chia sẻ với tờ Insider: “Có lần tôi phải bán đi chiếc máy tính xách tay và cây đàn piano của mình để trang trải cuộc sống”.
Vắt kiệt sức lực và tinh thần của các thần tượng
Ngay cả khi đã trả xong nợ, nhiều thần tượng vẫn phải tham gia lịch trình dày đặc, không có ngày nghỉ để kiếm được tối đa lợi nhuận cho công ty. Nữ ca sĩ Sana của nhóm TWICE từng tiết lộ có những ngày cô chỉ ngủ được 10 phút và phải tận dụng thời gian trang điểm, di chuyển để chợp mắt. Hay như các thành viên nhóm IZ*ONE còn gà gật trên sóng truyền hình vì không được ngủ đủ giấc. Nhiều nghệ sĩ gục ngã ngay trên sân khấu do kiệt sức. Cựu thành viên nhóm SUJU - Hàn Canh không có lấy 1 ngày nghỉ trong hơn 2 năm ra mắt.
Đối với các idol, đặc biệt là nữ, giảm cân là một trong những điều bắt buộc. Để duy trì thân hình mảnh mai, các thần tượng phải tuân theo chế độ ăn kiêng khắt khe dù lịch trình dày đặc và chế độ tập luyện ở cường độ cao. Momo - thành viên TWICE từng chỉ ngậm đá lạnh để giảm 7kg trong 1 tuần. Một số người bị công ty chủ quản bắt phẫu thuật thẩm mỹ.
Trước sức ép từ nhiều phía, không ít nghệ sĩ gặp phải vấn đề tâm lý nghiêm trọng và buộc phải tạm dừng hoạt động một thời gian để cân bằng. Nhiều người trong số họ tìm đến cái chết mong được giải thoát. Ngành công nghiệp Hàn Quốc phải chịu một phần trách nhiệm cho sự ra đi của những nghệ sĩ trẻ như Sulli hay Goo Hara.
Bạo hành, lạm dụng tình dục nghệ sĩ
Nghiêm trọng hơn, các thành viên nhóm The East Light bị nhà sản xuất đánh đập, bạo hành trong hơn 4 năm và công ty không lên tiếng bảo vệ dù biết rõ mọi chuyện. Lee Seokcheol - Trưởng nhóm The East Light từng bật khóc khi kể lại những tổn thương mà đồng nghiệp phải trải qua. “Lee Seunghyun (thành viên chơi bass) từng bị giam giữ ở studio và chịu đánh đập rất dã man. CEO không hề ngăn cản mà chỉ bảo là đánh nhẹ tay”, anh tâm sự. Các nghệ sĩ thường xuyên bị chửi bới, tát vào mặt, đánh bằng gậy bóng chày, micro kim loại hay thậm chí bị quấn dây guitar quanh cổ.
Vào năm 2009, nữ diễn viên Vườn sao băng Jang Ja Yeon đã tự vẫn, để lại bức thư tố cáo quản lý ép hầu rượu, phục vụ tình dục cho hàng loạt nhân vật cộm cán. Năm 2012, giám đốc điều hành của công ty Open World Entertainment bị bắt vì quấy rối tình dục hơn 20 nữ thực tập sinh và cưỡng hiếp nhiều người trong số họ.
Có thể thấy nền giải trí Hàn Quốc không chỉ có sự hào quang rực rỡ. Ít ai biết được rằng để có được những giây phút tỏa sáng trên sân khấu, nhiều thần tượng phải đánh đổi cả thể xác lẫn tinh thần. Mặc dù pháp luật Hàn Quốc đã có thay đổi nhưng nhiều công ty vẫn tìm cách lách luật và những bản hợp đồng nô lệ bằng cách này hay cách khác vẫn tồn tại trong làng giải trí.