- Chiều 13/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp khẩn bàn về các biện pháp phòng chống cúm gia cầm đang có nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta.

Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo ngành chăn nuôi, thú y, khuyến nông và đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an....

Theo thông tin từ cuộc họp, tính tới thời điểm này, nước láng giềng của Việt Nam là Trung Quốc đã ghi nhận hàng trăm trường hợp mắc cúm A/H7N9, trong đó có trên 65 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân mắc cúm từ đầu năm 2014 tới nay có xu hướng gia tăng.

{keywords}

Tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 tại Trung Quốc (TQ) tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và tăng cao so với năm 2013

Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, có nhiều loại gà loại thoải của Trung Quốc được vận chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam, đưa vào tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, trong đó đáng lưu ý là số gà này có đi qua các nơi đã phát hiện vi rút cúm A/H7N9.

Theo lãnh đạo Cục Thú y, vi rút cúm A/H7N9 cũng đã được phát hiện trên ở Quảng Tây (tỉnh giáp với 4 tỉnh biên giới của Việt Nam), vì thế nguy cơ vi rút này xâm nhập vào Việt Nam là rất cao.

Tại cuộc họp, các cơ quan liên quan đã đánh giá về tình hình dịch bệnh và đưa ra những biện pháp nhằm khống chế dịch bệnh trong nước và ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài vào thông qua buôn bán, vận chuyển gia cầm tại các tỉnh biên giới.

Chủ trì, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, với dịch cúm A/H5N1 thì gia cầm mắc bệnh rồi chết nên dễ phát hiện, còn dịch cúm A/H7N9 không có biểu hiện bị nhiễm bệnh, biểu hiện lâm sàng và có nguy cơ cao lây sang người.

“Công tác ứng phó, phòng chống dịch cúm gia cầm phải đặt nỗ lực lớn nhất là ngăn chặn. Không để cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam…” – ông Phát nói.

Đại diện các cơ quan chức năng như quản lý thị trường, hải quan, công an cũng khẳng định sẽ có phương án phối hợp, ngăn chặn tại các cửa khẩu.

Theo đó, Cục Thú y đã đề xuất chương trình hành động phòng chống cúm A/H7N9 với các tình huống: Một, chưa phát hiện virut cúm A/H7N9 trên gia cầm, môi trường và trên người. Hai, phát hiện virut cúm A/H7N9 trên gia cầm và môi trường nhưng có người mắc bệnh. Ba, phát hiện virut cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường nhưng chưa có người mắc bệnh. Bốn, phát hiện virut cúm A/H7N9 trên gia cầm hoặc môi trường và có người mắc bệnh.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, việc Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc cúm A/H7N9 nào “là một sự cố gắng lớn”, nhưng cũng chưa thể biết là có thể giữ được đến mức độ nào.

Cũng như ông Phát, ông Phu nhận định: “Điều khó khăn hiện nay là dịch cúm A/H7N9 xảy ra trên đàn gia cầm song lại không có biểu hiện trên đàn gia cầm như với cúm A/H5N1. Nếu dịch vào Việt Nam, với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát như hiện nay thì công tác phòng, chống sẽ gặp khó.

Sa Hằng