- Chiều nay, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 3 (tên quốc tế là Dianmu - Thần sét), dự báo sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh - Nghệ An với gió giật cấp 12-14.

Tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai chiều tối nay, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu phải ứng phó với bão số 3 ở mức cao nhất.

{keywords}

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp. Ảnh: Báo NNVN

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn TƯ Hoàng Đức Cường cho biết, bão số 3 diễn biến khá phức tạp cả về hướng đi và cường độ, rất khó lường.

Theo ông Cường, chiều nay bão đang mạnh cấp 8, giật cấp 10-11 trên vùng biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Đến chiều mai, nhiều khả năng bão sẽ vào Vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12.

Lúc này bão tiếp tục lấy năng lượng ở vịnh Bắc Bộ kết hợp với nhiều yếu tố thuận lợi khác nên tiếp tục mạnh lên thành cấp 11, giật cấp 12-14 khi vào ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Nghệ An vào ngày 19/8. Sau đó bão sẽ đi sâu vào đất liền với cấp 6-8, giật cấp 9-11.

Ông Cường cho biết, bão số 3 có hoàn lưu rộng với bán kính gió mạnh trên cấp 6 khoảng 200km, nên từ chiều tối mai ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 12-14, sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh.

{keywords}

Từ sáng 19/8, hoàn lưu bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (Quảng Ninh - Nghệ An). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Bão số 3 cũng sẽ gây mưa lớn diện rộng trên khắp Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với lượng mưa từ 200-300 mm, có nơi trên 500 mm.

Riêng thủ đô Hà Nội có thể chịu gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9 và có mưa to 200mm từ đêm 19 đến hết ngày 20/8.

Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở các tình vùng núi, ngập úng ở đồng bằng Bắc Bộ và vùng trũng thấp ở Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh).

Riêng vùng ven biển từ Hải Phòng tới Thanh Hóa, đặc biệt Hải Phòng tới Nam Định nước biển dâng 1m.

Cấm biển hoàn toàn từ 18/8

Ông Trần Quang Hoài, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi lo lắng bão đổ bộ sẽ gây nguy hiểm cho hệ thống đê ven biển và các hồ chứa khi 20 hồ chứa đã đạt dung tích 100%, 13 hồ xung yếu.

Ngoài ra lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh, nếu không chủ động đối phó sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Ông Hoài đề nghị rút kinh nghiệm cơn bão số 1, 2, các địa phương cần chuẩn bị chu đáo nhân lực, vật lực, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh văn phòng Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn cho rằng dự báo cần cụ thể hơn, tâm bão ở những địa phương nào để các địa phương đó lên phương án đối phó. Đối với các tỉnh ven biển liên quan phải đưa ra lệnh cấm biển ngay vì không còn thời gian nữa.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, bão số 3 đang diễn biến hết sức phức tạp, vùng ảnh hưởng bao trùm lên khắp đồng bằng Bắc Bộ vốn là nơi vừa chịu tổn thất nặng nề sau bão số 1, 2 nên đây sẽ là cơn bão có nguy cơ gây thiệt hại rất lớn.

Chưa kể các khu vực vùng núi trung du đã ngậm đủ nước nên cần đặc biệt cảnh giác nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Bộ trưởng yêu cầu công tác chuẩn bị đối phó cơn bão số 3 phải ở mức cao nhất đối với các tỉnh từ Bắc Trung Bộ trở ra, đồng thời phải có kịch bản riêng ở từng địa phương.

Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 1, Bộ trưởng đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV TƯ phải liên tục cập nhật, bám sát và đưa ra cảnh báo để người dân có tinh thần đề phòng cao nhất.

Trên biển, vùng nguy hiểm được xác định là khu vực phía bắc vĩ tuyến 17, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương khu vực này di chuyển tàu thuyền, cấm biển kể từ 18/8.

Bắn pháo sáng gọi tàu thuyền vào bờ

Đại diện Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, hiện trên biển vẫn còn 6.547 tàu thuyền và 2.857 lồng bè thủy sản đang hoạt động tại các vùng biển có nguy cơ ảnh hưởng bão.

Để kêu gọi tàu bè vào nơi trú tránh an toàn, lực lượng biên phòng sẽ liên tục bắn pháo sáng.

T.Hạnh