Phát hiện con gái lớp 8 có bạn trai, gia đình ngăn cấm, liên tục giám sát. Song nữ sinh này vẫn lén lút hẹn gặp người yêu và có thai.
Mới đây, câu chuyện nữ sinh H. (15 tuổi, ngụ tại xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) uống thuốc trừ sâu tự tử vì bị bạn trai tung clip "nóng" lên mạng trở thành tâm điểm dư luận. Cái chết của cô gái như hồi chuông cảnh báo về tình yêu tuổi học trò, nhất là khi giới trẻ sử dụng mạng xã hội làm công cụ để trả thù.
Sự việc này cũng khiến nhiều bậc phụ huynh có con đang ở độ tuổi ngồi ghế nhà trường, đặc biệt là khi các em bước vào tuổi dậy thì - giai đoạn khi có nhiều chuyển biến phức tạp về tâm sinh lý - lo lắng.
Cấm đoán nhưng vẫn lầm lỡTrường hợp của chị Hồng Hạnh (37 tuổi, quận 2, TP HCM) có con gái đang học lớp 10. Hai năm trước, tình cờ chị phát hiện con mình mới 14 tuổi đã có quan hệ yêu đương với bạn trai cùng lớp.
"Tôi rất bàng hoàng, sợ con lo yêu, xao nhãng việc học hành. Hỏi chuyện, con bảo: "Chúng con yêu trong sáng, không có đi quá đà đâu mà mẹ lo". Nghe vậy tôi cũng an tâm và không ngăn cấm" - chị Hạnh nói.
Nhưng sau đó, chị cho hay, kết quả học tập của con gái ngày càng sa sút. Qua quá trình tìm hiểu, chị biết con mình thường viện cớ đi học thêm để hẹn hò với bạn trai. Tuy nhiên, khi nhắc đến vấn đề này, cô học trò lớp 8 lại né tránh và nhốt mình trong phòng.
Giới trẻ hiện nay thường yêu sớm và không biết kiểm soát bản thân. Ảnh minh họa. |
Không thể ngó lơ, một lần, bà mẹ 40 tuổi quyết định theo dõi con gái thì phát hiện con lén lút gặp người yêu tại một quán cà phê. Đứng một góc quan sát, chị Hạnh hoảng hốt khi thấy cả hai có những cử chỉ âu yếm vượt quá mức cho phép.
"Hai đứa giật mình, khóc nức nở khi thấy tôi đến tận nơi chúng ngồi. Tôi biết làm vậy sẽ gây xấu hổ và đánh mạnh vào tâm lý con trẻ. Sau đó, tôi phải ra sức khuyên ngăn và lên thời khóa biểu học tập chi tiết cho con gái" - chị kể.
Để yên tâm hơn, gia đình chị Hạnh trực tiếp đưa đón con đi học, theo dõi định vị qua GPS trên điện thoại để biết con đang làm gì, ở đâu.
Tuy nhiên, một thời gian sau, nữ sinh có dấu hiệu mệt mỏi và hay nôn ói. Đưa thăm khám bác sĩ, người mẹ hoảng hốt khi biết tin con mình có thai 3 tháng. Lúc này, cô học trò lớp 8 mới thú nhận, tuy bị gia đình ngăn cấm nhưng cô vẫn tìm mọi cách để gặp "người thương" cùng tuổi. Cả hai có làm chuyện "người lớn" tại nhà nghỉ nhiều lần.
Nắm tay, hôn má là có bầu
Trớ trêu hơn là trường hợp của phụ huynh Xuân Cường (35 tuổi, sống tại quận Bình Thạnh, TP HCM). Anh Cường có con gái học lớp 7 (12 tuổi).
"Một hôm đi học về, con bé khóc sướt mướt, hỏi chuyện con cho biết: "Ở lớp, con yêu một bạn và con có bầu với anh ấy. Con phải làm sao đây bố mẹ?" - anh kể.
Nghe con nói, gia đình anh Cường không khỏi hốt hoảng. Anh cho hay, khi hỏi làm sao để có bầu, cô bé ngây ngô đáp: "Hồi sáng, bạn ấy nắm tay và còn hôn lên má con nữa. Mấy bạn trong lớp bảo con có bầu rồi, chắc con nghĩ học, không dám đến trường nữa".
Trước tình cảnh này, anh Cường cảm thấy khó xử, không biết cách giải thích thế nào cho con gái hiểu. "Mặc cho mẹ ra sức khuyên ngăn và thuyết phục, con bé vẫn mặc cảm, không dám đến trường vì sợ bị bạn bè trêu chọc" - anh nói.
Cuối cùng, gia đình phải đưa cô học trò lớp 7 gặp bác sĩ tâm lý để chữa bệnh trầm cảm. Kể từ đó, ông bố 35 tuổi thường xuyên quan tâm và chia sẻ với con gái những vấn đề liên quan đến giới tính, để tránh những trường hợp không hay xảy ra.
Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Xã hội Việt Nam - cho biết, các bậc phụ huynh cần thẳng thắn trao đổi với con về những mối quan hệ đang có, nhất là trẻ trong độ tuổi dậy thì, có những rung động tình cảm đầu đời.
Theo PGS, việc chia sẻ này cần dựa trên nguyên tắc thân thiện nhưng cụ thể. Ngày nay, học sinh phát triển khá sớm, trẻ có sự thay đổi về các mối quan hệ xã hội xung quanh.
Bên cạnh đó, các em cũng thích thể hiện mình trên các kênh thông tin cá nhân, mạng xã hội. Vì vậy, bố mẹ cần xoá mù công nghệ, trao đổi với những người thân của con để tìm hiểu con mình nhằm tích cực hoá các tác động, mà không phải dò xét hay kiểm tra liên tục.
"Việc kể cho con cái nghe những câu chuyện của chính bố mẹ, kinh nghiệm cả thành công và thất bại của bản thân sẽ làm cho trẻ cảm thấy gia đình là điểm tựa. Đó là những hành động mang tính thương yêu đích thực và đầy trách nhiệm của phụ huynh ngày nay" - PGS chia sẻ thêm.
(Theo Zing)