Tháng 7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định công nhận ngày 15 tháng 3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hàng năm, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Tiếp nối thành công của các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023, đồng thời trên cơ sở Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 mới được ban hành và yêu cầu của người tiêu dùng đối với việc được cung cấp thông tin chính xác, an toàn, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch đề xuất hoạt động và lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 là: “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”.

Theo đó, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 được tổ chức nhằm kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng vào các hoạt động liên quan; từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước.

quyen loi nguoi tieu dung b23a.jpg
Các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt cả năm 2024. 

Khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt cả năm

Các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt cả năm 2024 trong đó tập trung vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như: Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, các mùa mua sắm hoặc các ngày cao điểm mua sắm trên thị trường.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam sẽ bắt đầu từ mùa mua sắm cuối năm 2023 (tháng 11), được tập trung tổ chức trong tháng 3 (tháng cao điểm) và kéo dài trong cả năm 2024, tùy tình hình thực tiễn tại các cơ quan, tổ chức, địa phương. 

Trong đó, các hoạt động hướng tới Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 được triển khai từ ngày 15/11/2023 đến 29/02/2024. Các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp cần chủ động tổ chức các hoạt động hoặc lồng ghép, đưa vào hoạt động chuyên môn, hoạt động kinh doanh các nội dung nhằm tăng cường quyền lợi cho người tiêu dùng.

Đặc biệt trong các ngày, đợt, mùa mua sắm cao điểm, cùng với việc tập trung vào các hoạt động nhằm thúc đẩy kinh doanh, các doanh nghiệp cần xây dựng các công cụ hữu hiệu để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người tiêu dùng; chủ động đưa trách nhiệm đáp ứng nhanh chóng và đầy đủ các yêu cầu, nguyện vọng của người tiêu dùng thành động lực phát triển, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Các cơ quan nhà nước tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra thị trường, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Các tổ chức xã hội cần phát huy rõ nét vai trò đại diện và cầu nối giữa người tiêu dùng với các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Các hoạt động hướng tới Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 cần được tổ chức thường xuyên, liên tục, tạo nền tảng, cơ sở cho các hoạt động trong tháng cao điểm (tháng 3) hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.

Tổ chức các hoạt động tri ân, nâng cao giá trị, quyền lợi cho người tiêu dùng 

Đối với các hoạt động trong Tháng cao điểm hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024, tại Trung ương, một số hoạt động dự kiến sẽ được triển khai bao gồm tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024; thực hiện các hoạt động tuyên truyền phổ biến; xây dựng và phát hành các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền có liên quan; 

Tổ chức các hội thảo, tập huấn, khóa đào tạo theo chủ đề; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tri ân người tiêu dùng; tổ chức hoặc phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tri ân, nâng cao giá trị, quyền lợi cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng, thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo cầu nối và sự tương tác giữa các bên;

Ngoài ra, tổ chức các sự kiện công cộng hướng về cộng đồng người tiêu dùng, trong đó khuyến khích các hoạt động thể thao, văn hóa, xã hội có tính chất kết nối cao; Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền của người tiêu dùng và nghĩa vụ của doanh nghiệp thông qua các trang mạng xã hội…

Tại địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước căn cứ trên tình hình thực tế để lập kế hoạch, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 trên địa bàn, đảm bảo toàn bộ các khu chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương đều có các hình thức phù hợp để tuyên truyền, quảng bá.

Kết thúc tháng cao điểm, trong tháng 4, tháng 5/2024, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần phát huy những kết quả đạt được trong các tháng cao điểm, tiếp tục quan tâm, tổ chức, thực hiện các hoạt động nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng tại địa phương, đơn vị và trong phạm vi, lĩnh vực hoạt động.

Hồng Liên và nhóm PV, BTV