"Trái ngược với hoàn cảnh trẻ
em miền núi và biên giới ngày ngày chăm chỉ tìm kiếm từng con chữ, trẻ em miền
xuôi - đặc biệt tại các thành phố lớn - đang bị đánh mất tuổi thơ vì bị ép phải
làm quá nhiều bài tập."
Đây là bài dự thi cuộc thi
"Nếu em có quyền được thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn
thay đổi cái gì vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?". Tác giả: Diệp Quế
Trân, lớp 10 VSĐ, trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, Tây Ninh.
Từ xưa đến nay, một đất nước giàu
mạnh luôn đi đôi với nền giáo dục khoa học, hoàn thiện và nắm bắt được sự phát
triển của xã hội. Ở Việt Nam, giáo dục không chỉ là chìa khóa để phát triển đất
nước mà còn là tương lai của thế hệ trẻ em Việt Nam.
Tuy vậy, hơn mười năm học tập trong môi trường giáo dục Việt Nam và có thêm
thông tin từ các phương tiện truyền thông, em nhận thấy nền giáo dục Việt Nam
còn nhiều bất cập, cả cái cũ chưa giải quyết hết và cái mới phát sinh thêm, và
quan trọng nhất là ảnh hưởng của nó đến trẻ em không hề nhỏ. Vì thế, em viết bài
này với mong ước thiết tha là có thể giúp trẻ em Việt Nam được thụ hưởng một nền
giáo dục tiến bộ hơn.
Nói về nơi có tỉ lệ trẻ em không được đến trường cao nhất cả nước chính là miền
núi và biên giới. Do địa hình hiểm trở và xa xôi, gia cảnh nghèo khó, cơ sở vật
chất thiếu thốn từ điện, nước đến trường lớp học, thiếu giáo viên… nên một số
trẻ em ở đây đành phải ở nhà phụ giúp cha mẹ mà không thể đến với con chữ. Em
chỉ mong muốn những trẻ em vùng núi và biên giới đó không vì sinh ra và lớn lên
ở nơi xa xôi hẻo lánh mà không được học tập, bởi vì mọi trẻ em đều có quyền như
nhau. Vì lẽ đó, trẻ em vùng sâu vùng xa rất cần được hỗ trợ chi phí ăn học, quần
áo, sách vở, dụng cụ học tập đầy đủ, có trường học khang trang, tiện nghi được
thiết kế và tọa lạc tại nơi có thể tránh những thiệt hại do thiên tai như lũ
lụt, sạt lở đất gây ra.
Không những thế, việc cải tạo đường sá đến trường cũng rất quan trọng để đường
đến trường dễ dàng hơn cho cả học sinh và giáo viên. Nói tóm lại, để cuộc sống
của trẻ em vùng sâu vùng xa đỡ vất vả trong tương lai, để trẻ em không rơi vào
vòng xoay của thất học, nghèo đói thì chỉ có con đường học tập và được chăm sóc
đầy đủ về thể chất và tinh thần. Để không còn hình ảnh những trẻ em miền núi, xã
biên giới phải lội bộ hàng chục cây số trên những con đường lầy lội, bùn lún đến
gối hay phải băng rừng vượt suối trên những cây cầu cheo leo nguy hiểm, hay ngồi
học mà không có bàn nghế, hay ăn bữa cơm tự nấu không đủ đầy dinh dưỡng…
Trái ngược với hoàn cảnh trẻ em miền núi và biên giới ngày ngày chăm chỉ tìm
kiếm từng con chữ, trẻ em miền xuôi - đặc biệt tại các thành phố lớn - đang bị
đánh mất tuổi thơ vì bị ép phải làm quá nhiều bài tập. Em còn nhớ, khi em học
lớp 1, lúc đó sách giáo khoa chưa cải cách nên chương trình học rất nhẹ nhàng.
Về nhà chỉ việc học và chuẩn bị bài hoàn tất đến 8h tối là cùng.
Bởi vậy, em rất ngỡ ngàng khi biết được những em học sinh lớp 1 bây giờ thức đến
11h đêm làm bài tập với sự giúp sức của cha mẹ mà vẫn không làm kịp và không làm
ra! Và còn chuyện các em chỉ vì học thua bạn bè chút ít đã bị giáo viên phê bình
nặng nề trước tập thể lớp và với phụ huynh khiến học sinh sợ hãi mà không muốn
đến trường, cha mẹ thì lo lắng tất tả đưa con đi “nhồi nhét” thêm ở các nơi dạy
kèm.
Quả thật, như các bạn cùng trang lứa, em cảm thấy khá may mắn khi mình chỉ thức
khuya dậy sớm để học bài trong vài năm gần đây chứ không như các em nhỏ bây giờ
đã phải gồng mình gắng sức học tập ngay từ khi còn chưa đặt chân vào lớp 1.
Theo em nghĩ, việc truyền tải kiến thức cho học sinh, đặc biệt là học sinh cấp
một, phải được thực hiện một cách tự nhiên, khoa học, kết hợp vừa học vừa chơi
chứ đừng nói chi đến việc học thêm. Để giảm gánh nặng cho học sinh cần có sự góp
sức của nhiều phía, nhưng cách đơn giản nhất là giảm lượng bài tập về nhà và đơn
giản hóa bài tập chứ đừng mới dạy kiến thức này đã cho ngay bài tập phức tạp khi
học sinh còn chưa vững căn bản. Điều này là phản tác dụng, vừa khiến các em đau
đầu vì bài khó giải, không tin tưởng vào năng lực bản thân vì số bài giải không
được nhiều hơn số bài giải được và cuối cùng là hậu quả ảnh hưởng lâu dài: mất
căn bản. Tất nhiên, việc mất căn bản sẽ ảnh hưởng lớn đến việc học tập, kết quả
các kì thi và đến cả tương lai của trẻ em.
Theo em, bài học trong trường cũng đừng đặt nặng lý thuyết. Thay vào những buổi
học lặp đi lặp lại trình tự “giảng - đọc - chép” sẽ là những video bài học lịch
sử hào hùng, cuốn hút hay những hiện tượng thiên nhiên được trực tiếp ghi lại
hoặc mô phỏng để trình chiếu cho học sinh xem… rồi để học sinh tự ghi chép, diễn
đạt vào tập rồi cuối cùng giáo viên tóm tắt lại kiến thức cần nhớ thì tuyệt biết
mấy.
Thật ra, trong lớp không hiếm những tiết học được trình chiếu bằng PowerPoint
nhưng đa số là những đoạn cóp nhặt trên mạng với chất lượng thấp về cả nội dung
lẫn hình thức. Nhưng sau khi được xem trình chiếu, học sinh vẫn phải nhìn lên
màn hình và nheo mắt chép lại bài học trên nền chữ mờ rất khó thấy. Em còn nhận
thấy, các bài học môn GDCD không mang tính ứng dụng cao vì chỉ dừng lại ở định
nghĩa và những lý thuyết suông khác. Ước gì những bài học môn đạo đức là những
đoạn phim ghi lại những câu chuyện đời thường nhưng mang tính giáo dục phẩm chất
con người cao; kể như lòng thương người, qui tắc ứng xử giữa người với người,
những kĩ năng sống quan trọng và từ đó giúp trẻ em có thể tự bảo vệ mình trước
những cám dỗ của các thói hư tật xấu như nghiện game, đặc biệt là game bạo lực,
để không còn bạo lực học đường hay những hành vi thiếu văn hóa khác có thể phát
sinh nữa.
Tất cả cũng chỉ nhằm mục đích duy nhất là giáo dục trẻ em trở thành những người
vừa có tài vừa có đức, để tương lai trẻ em là những ngày tươi sáng, xã hội nhờ
vậy cũng trở nên tốt đẹp hơn.
Thế nhưng, vẫn còn đó trẻ em bỏ học giữa chừng vì nhiều lý do như chán nản do
gia đình rạn nứt, kinh tế gia đình đột ngột sụp đổ, nhà quá khó khăn không thể
trang trải tiếp học phí hay mua dụng cụ học tập, hay mắc bệnh hiểm nghèo… Khi có
được thông tin học sinh bỏ học, những người có trách nhiệm ở địa phương nơi trẻ
em cư trú hay nhà trường phải quan tâm tìm hiểu, hỗ trợ chi phí học tập, trợ cấp
sinh hoạt cho trẻ em. Bởi vì, ngoài một số trường hợp học sinh khó khăn được
đăng tải trên báo thì vẫn còn nhiều học sinh khác nữa có hoàn cảnh tương tự cũng
đang rất cần sự giúp đỡ. Có như vậy thì mọi trẻ em đều được đến trường và được
quan tâm chăm sóc đầy đủ.
Kết thúc bài viết này, em không mong gì hơn những ước muốn vừa thể hiện ra trở
thành hiện thực. Mọi trẻ em đều có quyền như nhau, đều mang cơ hội có được tương
lai tươi sáng. Nhưng trẻ em không thể tự quyết định số phận tương lai một khi
còn đang ở độ tuổi gọi là ‘trẻ em”. Vì lẽ đó, người lớn, tức cha mẹ, người thân
khác trong gia đình, và các cơ quan chức năng, cả xã hội mới có thể nuôi dưỡng,
giáo dục, giúp đỡ các em, tạo bệ phóng cho một tương lai xán lạn của trẻ em.
Cuộc thi "Nếu có quyền, trẻ em VN sẽ thay đổi điều gì?" |
Chủ đề: "Nếu em có quyền được
thay đổi hoàn cảnh hiện nay của trẻ em Việt Nam, em muốn thay đổi cái gì
vì lợi ích tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam?". |