Huyện duy nhất chưa có xã nông thôn mới

Huyện Nam Giang là một trong những huyện giáp biên của tỉnh Quảng Nam, hơn 85% dân số trong huyện là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông - lâm nghiệp, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) của huyện chiếm 50,4%...

Mặc dù những năm qua địa phương rất nỗ lực nhưng do đặc thù của huyện miền núi cao nên việc xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) và tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương trong thời gian qua với Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Nam, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Giang cho biết, cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm 16,95%, tương ứng giảm 1.134 hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm 567 hộ, đạt và vượt chỉ tiêu giảm nghèo từ 300-350 hộ nghèo/năm theo Nghị quyết đề ra.

Về xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2022, toàn huyện đạt 145 tiêu chí nông thôn mới (trung bình 13,18 tiêu chí/xã), trong đó cao nhất là xã Tà Bhing 17/19 tiêu chí, xã La Dê 15/19 tiêu chí, các xã còn lại từ 10 - 14 tiêu chí; năm 2022, số thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 là 0/8 thôn…. Như vậy, tính đến thời điểm này, Nam Giang là huyện còn lại của tỉnh Quảng Nam vẫn chưa có xã nông thôn mới.

trung tam hanh chinh huyen nam giang quang nam.jpg
Trung tâm hành chính huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Theo lãnh đạo huyện Nam Giang, việc xây dựng và triển khai nông thôn mới trong huyện gặp nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân về thực hiện các tiêu chí như về hộ nghèo, thu nhập, tổ chức sản xuất… Bởi lẽ Nam Giang là huyện có xuất phát điểm thấp, hiện cả huyện hiện còn hơn 44% hộ nghèo.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, tính đến tháng 7/2023, Quảng Nam đã có 117/193 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân chung số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn toàn tỉnh là 14,28 tiêu chí/xã; có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 214 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Hầu hết tại các địa phương miền núi, việc xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn nên số xã đạt chuẩn còn khá thấp. Trong đó, riêng Nam Giang đến cuối năm 2022 vẫn chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trừ thị trấn Thạnh Mỹ, huyện có tổng cộng 11 xã tham gia xây dựng nông thôn mới. Và giữa năm 2022, tổng số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới của 11 xã là 129 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 11,72 tiêu chí. Trong đó, cao nhất là xã Tà Bhing đạt 16 tiêu chí và thấp nhất là 4 xã Đắc Pring, Đắc Pre, La Êê, Chơ Chun đạt 9 tiêu chí.

Xoá “vùng lõm điện”, Nam Giang dồn sức xây dựng nông thôn mới

Giữa tháng 10/2023, 130 hộ của thôn Côn Zốt xã Chơ Chun được cấp điện. Đây cũng là thôn cuối cùng của huyện Nam Giang có điện lưới quốc gia. Sự kiện này đánh dấu tỉnh Quảng Nam đã xoá được “vùng lõm điện” phía Tây của tỉnh.

Trước đây, hàng trăm hộ dân thôn Côn Zốt chưa được phủ điện lưới quốc gia do dân cư trong thôn sống không tập trung, địa hình lại hiểm trở nên vẫn phải sử dụng tuabin để phát điện. Vì thế, cuộc sống của đồng bào còn nhiều vất vả và khó khăn, nguyên nhân do dân cư nơi đây tập trung thưa thớt, địa hình hiểm trở nên việc đưa điện về nơi đây gặp nhiều khó khăn.

Thôn Côn Zốt có điện góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, tạo điều kiện để phát triển kinh tế vùng, từng bước xóa đói giảm nghèo giúp đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ở các bản, làng.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 không còn huyện không có xã đạt chuẩn nông thôn mới, Nam Giang đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, phấn đấu từ nay đến năm 2025 có ít nhất 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Tà Bhing và La Dê.

Để thực hiện mục tiêu này, UBND huyện Nam Giang cho biết, năm 2023, huyện ban hành kế hoạch, chỉ tiêu giảm nghèo gắn với xây dựng xã nông thôn mới. Năm nay, phấn đấu toàn huyện giảm ít nhất là 463 hộ nghèo.

Đồng thời, năm 2023, huyện quyết tâm dồn sức ưu tiên để hai xã La Dê và Tà Bhing về đích nông thôn mới với giải pháp sẽ ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển sản xuất, thu hút doanh nghiệp, tạo việc làm để xã Tà Bhing về đích nông thôn mới vào năm 2024, còn La Dê về đích vào năm 2025.

Hiện nay, huyện đã phân công nhiệm vụ cho từng phòng ban phụ trách các tiêu chí xây dựng lộ trình, bên cạnh đó sẽ phối hợp với các xã tổ chức kiểm tra, khảo sát để lựa chọn các tiêu chí có thể đạt được trong thời gian ngắn. Trên cơ sở đó, lập kế hoạch thực hiện trình UBND huyện phê duyệt để tập trung nguồn lực đầu tư, ưu tiên hỗ trợ.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng xây dựng nông thôn mới.

Sau đó, cứ định kỳ hằng tháng và quý, huyện sẽ tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng đạt chuẩn các tiêu chí ở các xã, từ đó chỉ đạo các xã xây dựng, điều chỉnh kế hoạch thực hiện phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của người dân.

Trước mắt, huyện sẽ tập trung huy động và lồng ghép linh hoạt các nguồn vốn để đầu tư xây dựng những công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; tích cực hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp theo liên kết chuỗi giá trị phù hợp với điều kiện của từng địa phương nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Đến năm 2025, huyện Nam Giang có ít nhất 1 mô hình thôn nông thôn mới thông minh

Giữa tháng 6/2023, UBND huyện Nam Giang cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn huyện.

Theo kế hoạch thì trong năm 2023, huyện Nam Giang phấn đấu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

Cụ thể, Nam Giang phấn đấu đạt 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 70% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 3 xã về đích nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gồm xã La Dê, Đắc Tôi, Tà Bhing; phấn đấu trong năm 2023 đạt chuẩn Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới….

Huyện cũng phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng thí điểm ít nhất 1 xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội; 3 xã về đích nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 La Dê, Đắc Tôi, Tà Bhing; đến năm 2025 có ít nhất 1 mô hình thôn nông thôn mới thông minh.

Văn Thường, và nhóm PV, BTV