- Tuổi 20, bạn gây xôn xao văn đàn bằng cuốn tiểu thuyết tưởng như được viết bởi một tác giả 40 tuổi. Hôm nay, bạn nghĩ gì về màn chào sân năm đó?

Tôi thấy may mắn vì tác phẩm nhận được sự phản hồi từ độc giả, chứ không vô tăm tích. Nếu phải nói gì đó, tôi muốn nhắc mình ngày ấy viết cẩn trọng hơn một chút.

- Thời mới gia nhập văn đàn, sao bạn không chọn viết những thể loại như ngôn tình, light novel - dễ viết, dễ bán, kiếm tiền và lượng bạn đọc cố định tốt hơn, sau đó hẵng khẳng định thực lực mà lại chọn đi đường khó?

Lúc đó, tôi không nghĩ nhiều đến vậy, đơn giản là muốn viết. Tôi hy vọng ai đó sẽ thích thứ mình viết, chí ít là những nhà xuất bản sẽ chịu in tác phẩm của mình, từ đó cố làm tốt nhất trong khả năng. Tôi từng nghĩ mình sẽ viết truyện kiếm hiệp, giờ vẫn vậy, có lẽ một lúc nào đó sẽ viết được một tác phẩm kiếm hiệp. (cười)

- Một số chàng trai trong truyện ít nhiều mang dáng dấp của tác giả ngoài đời: nhiều nghĩ ngợi, suy tư, hướng nội, sâu sắc, đôi lúc hơi... 'trầm cảm'. Nhân vật nào lấy nguyên mẫu từ Huỳnh Trọng Khang hoặc tính cách gần với bạn nhất?

Tất cả nhân vật dù là nam, nữ, cụ già 90 tuổi hay bé con 9 tuổi... đều có một chút tôi trong họ. Và theo cách đó, họ đều có khả năng rất gần tính cách tôi nhưng chẳng bao giờ đủ gần để đại diện tôi. 

img 1699532136220 1699532147547 image repair 1699532186775.jpg
Nhà văn Huỳnh Trọng Khang trong buổi ra mắt tác phẩm 'Bể trăng côi'.

- Thời gian dài cộng tác với Vietnamnet Premium loạt bài sách tinh gọn, bạn đã cho thấy gu đọc rất rộng của mình. Tác giả và tác phẩm nào ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến ngòi bút và con người bạn hiện tại?

Mỗi tác phẩm từng đọc đều để lại ảnh hưởng nhất định, tôi thấy mình mang nợ mọi nhà văn. Để chọn một cuốn sách bầu bạn, tôi chọn Amrita của Banana Yoshimoto vì gắn với một kỷ niệm riêng.

Tôi nghĩ mỗi người đều có một cuốn sách như thế trong đời: không hẳn kiệt tác hay có gì đó cao siêu nhưng đọc nó làm bạn nhớ đến điều gì đó, an ủi bạn.

- Nếu tôi nói truyện của bạn tối, ngột ngạt, mơ mộng, u uẩn... bạn có phản đối? Bạn đang mắc kẹt trong điều gì ở thực tại?

Với tôi điều này rất khó. Nếu dễ dàng mô tả, tôi đã không viết. Càng viết, tôi càng nhận ra hạn chế của mình, những giới hạn phải bước qua... Vì thế, tôi lại viết! Vậy nên bạn đừng phiền lòng nếu những câu trả lời của tôi hơi gọn. Với tôi, mọi câu hỏi đều không dễ dàng gì.

img 1699532001391 1699532152400 image repair 1699532267948.jpg

- Tuổi 20, bạn khao khát, mưu cầu, ước mơ gì? Sau 9 năm, bạn đã chạm đến chúng hay mọi thứ đã thay đổi trước khi bạn kịp chạm đến?

Điều tôi chưa bao giờ ngờ tới là đại dịch Covid-19 xảy ra, bao nhiêu thứ thay đổi, bao cuộc đời dừng lại. Thủa nhỏ, tôi chưa bao giờ nghĩ chỉ cần còn thở bình thường thôi cũng đủ hạnh phúc rồi.

Hồi đó, tôi chẳng mơ mộng nhiều, cứ nghĩ sống mỗi ngày vui vẻ là được, phải chăng là lợi thế khi bạn chưa trưởng thành? Giờ vẫn vậy, tôi chỉ mong sống mỗi ngày vui vẻ, còn nhìn thấy nhau là được. 

- Sau những năm tháng sống bằng nghề viết văn, trải nghiệm nào khiến bạn 'tỉnh mộng', thậm chí vỡ vụn?

Tôi kết giao nhiều hơn, nhiều mối quan hệ thân sơ hơn. Tôi vốn không kỳ vọng gì lớn lao nên cũng không có gì gọi là vỡ mộng, chỉ biết mình còn nhiều hạn chế, phải cố gắng thêm. 

Nhìn lại hành trình đã qua, tôi thấy nhiều điều không giống như bản thân tưởng tượng. Cuốn Bể trăng côi ra đời là một ví dụ, hoàn toàn nằm ngoài kế hoạch đã định. Nhưng đó mới là thực tiễn cuộc sống, nghệ thuật - luôn luôn làm ta bất ngờ, lôi cuốn.

Ban đầu, ai cũng nghĩ mình sẽ trở thành nhà văn lớn, viết nên tác phẩm vĩ đại hoặc đạt được thành tựu, giải thưởng nào đó. Theo thời gian, tôi viết cuốn này sang cuốn khác, chủ yếu viết những gì làm mình thỏa thích. Tức là, trước hết tôi viết vì niềm vui nhỏ bé của bản thân, sau đó mới hy vọng ngoài kia có ai đó đồng cảm với nó.

img 1699532624461 1699532680814 image repair 1699532698037.jpg

- Đã bao giờ bạn mệt mỏi vì phải ép mình viết, thậm chí thấy đam mê đẹp đẽ của mình ngày nào giờ trở nên méo mó, áp lực và ám ảnh? 

Tôi từng nghĩ môi trường lý tưởng để viết có thể là quán cafe, giường ngủ, ở quê hay một căn trọ cúp điện vào mùa hè. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải môi trường hay đợi cảm hứng mà là kỷ luật.

Với những tác phẩm có độ dài nhất định như tiểu thuyết, tôi ép mình làm việc trong 1-2 tiếng, thậm chí 15-20 phút mỗi ngày, có thể viết ít, nhiều hoặc không viết gì nhưng phải mở bản thảo để tạo thói quen, có như vậy tác phẩm mới hoàn thành.

Chúng ta đều có thể thu xếp sao cho phù hợp với quỹ thời gian để không làm mình áp lực. Tôi có nhiều bản thảo dang dở. Khi thấy bản thảo không có khả năng tiến triển thêm, tôi dừng lại, làm chuyện khác rồi sẽ quay lại vào một ngày nào đó, biết đâu được.

- Ngoài văn chương, chắc không ít người thích thơ Huỳnh Trọng Khang. Bạn sẽ xuất bản 1 tập thơ chứ? 

Hy vọng, một ngày nào đó. Hồi 12 - 13 tuổi, tôi ngây ngô làm thơ chuyền tay cho bạn bè đọc. Họ hay gọi tôi là nhà thơ còn trong lòng mình luôn đinh ninh sẽ trở thành bác sĩ. Năm 2018, tôi mới bắt đầu nghiêm túc nghĩ về mình của 10 năm sau. Có lẽ, dù ở đâu hay làm gì, tôi vẫn là một người sáng tác.

img 1699532671872 1699532682177 image repair 1699532710107.jpg
Huỳnh Trọng Khang và vợ - Chung Bảo Ngân là đồng tác giả quyển sách thiếu nhi 'Bơ không phải để ăn'.

- Trái với thế giới văn chương muôn màu, rộng lớn và dữ dội, đời thường của bạn dường như không khác nhiều một chàng trai bình thường? 

Tôi vẫn đi làm, chấm công, chen chúc 2 bận/ngày trong dòng xe cộ đông đúc của thành phố để đi rồi về, lo toan bao nhiêu thứ chi phí điện, ga, nước, net...

Nhiều thói quen thay đổi sau khi tôi lập gia đình. Trước đây, tôi hay ra ngồi một quán cafe ở quận 1 buổi khuya, viết đến 3h sáng, hiện tại ra ngoài giờ đó sẽ bị vợ nghi ngờ. (cười)

Ngày trước, tôi có thể viết cả ngày không ăn uống hoặc bạ gì ăn nấy nhưng giờ bận bịu nhiều thứ, phải viết khi có thể và đọc lúc rảnh. Tôi thường xuyên gặp gỡ bạn bè, thi thoảng về quê, đi núi, đạp xe. 

Vợ mơ mộng hơn tôi, cả hai bù đắp cho nhau, vì thế mới chung nhau sinh ra... một cuốn sách thiếu nhi. (cười)

Phận người giữa bể khổ cuộc đờiSau "Mộ phần tuổi trẻ" và "Những vọng âm nằm ngủ", nhà văn Huỳnh Trọng Khang ra cuốn truyện dài “Bể trăng côi” với nhiều suy ngẫm về nhân sinh.