Từ vụ cướp điện thoại...
Ngày 18/2, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Nguyễn Hồng Nhàn (SN 1991, quê An Giang) phạm tội giết người, cướp tài sản. Với cái đầu trọc lốc, dáng người nhỏ choắt, bị cáo trẻ ngồi thu lu nơi góc phòng lưu phạm, không ai nghĩ Nhàn là kẻ từng xuống tay giết người.
Bị cáo tại tòa |
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, học hết lớp 9, Nhàn xa gia đình, lên thành phố xin phụ việc cho một quán ăn. Trong một lần về quê, thấy Nguyễn Văn Thật (SN 1992), Huỳnh Công Khanh (SN 1993) không có việc làm nên Nhàn rủ lên thành phố làm thuê và sẵn sàng chi tiền vé xe cho bạn. Thật không may, khi lên tới nơi thì quán ăn đóng cửa, cả 3 tiếp tục lang thang gõ cửa nhiều nơi xin việc nhưng ngày càng vô vọng.
Không việc làm, không chốn nương thân, không một xu dính túi, đứa trẻ làm thuê bỗng trở thành “thủ lĩnh” lên kế hoạch cho bộ ba đi cướp lấy tiền lộ phí về quê.
Khoảng 23h ngày 1/9/2009, sau khi thủ sẵn hai con dao nhọn, cả ba đón taxi do anh Trần Minh Phương điều khiển đi về phía quận Bình Tân. Đến đường số 5 thuộc phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân) thấy vắng người, Nhàn kêu anh Phương dừng xe rồi bất ngờ tấn công từ phía sau … Sau nhiều nhát dao, nạn nhân tử vong, kẻ thủ ác rút chiếc điện thoại di động bán được 1,2 triệu đồng rồi cùng đồng bọn về quê. Ít ngày sau, Khanh và Thật sa lưới còn Nhàn được mẹ đưa đến cơ quan công an đầu thú.
...Đến tờ giấy khai sinh thay đổi số phận
Xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM xét thấy Nhàn phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo là kẻ chủ mưu, đã tước đoạt sinh mạng của người bị hại một cách dã man, quyết liệt nên tuyên phạt Nguyễn Hồng Nhàn mức án tử hình, Thật và Khanh khi ấy còn ở tuổi vị thành niên nên lần lượt lãnh án 18 và 12 năm tù cùng về hai tội “giết người” và “cướp tài sản”.
Nghe mức án tử hình giành cho đứa con lầm lạc, người mẹ già chết điếng. Bà khăng khăng Nguyễn Hồng Nhàn tên thật là Nguyễn Hồng Nhãn, sinh năm 1992. Giải thích điều này, bà kể Nhàn sinh ra nhưng mãi hơn 12 năm sau chồng bà mới đi làm giấy khai sinh cho con nên cán bộ hộ tịch ghi nhầm. Vợ chồng bà đều không biết chữ nên mãi sau mới biết cán bộ nhầm, nghĩ rằng không quan trọng nên họ bỏ qua, thôi thì Nhãn hay Nhàn cũng được, nhưng gia đình, chòm xóm vẫn gọi con trai bà là Nhãn.
Tuy nhiên, những giấy tờ bà đưa ra chưa đủ chứng cứ chứng minh Nhàn sinh năm 1992 nên hình phạt giành cho Nhàn vẫn ở mức cao nhất. Bị cáo làm đơn kháng cáo xin được xem xét.
Sau phiên tòa, người mẹ già lật đật khắp nơi để tìm bằng chứng cứu con thoát án tử. Ở đời chưa khi nào người đàn bà thôn quê, lam lũ ấy nghĩ rằng một tờ giấy khai sinh sẽ quyết định ranh giới giữa sự sống và cái chết của con mình.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Nhàn thừa nhận hành vi tội ác. Tội ác của bị cáo không còn gì để nói, nhưng điều vướng mắc trong vụ án là việc xác định ngày tháng năm sinh của Nhàn.
Trước tòa, người mẹ già lọm khọm vẫn giữ nguyên những lời trình bày về đứa con thơ và đặc biệt lần này nữ hộ sinh đỡ đẻ cho bà năm xưa cũng được triệu tập đến. Khai với tòa, nữ hộ sinh xác nhận chính tay mình đỡ đẻ đứa con thứ 14 của mẹ Nhàn vào năm 1992, bà cũng là người ghi vào giấy chứng sinh đứa trẻ tên là Nguyễn Hồng Nhãn, trước và sau Nhàn là hai người chị gái, không có đứa anh trai nào nên không thể nhầm lẫn.
Từ những chứng cứ và lời khai trên, HĐXX cấp phúc thẩm đã xem xét, nhận định còn nhiều tình tiết liên quan đến ngày sinh của Nguyễn Hồng Nhàn cần được xem xét, điều tra cụ thể. Về tờ giấy chứng sinh ghi Nhàn sinh năm 1992, tòa cho rằng cần phải giám định chữ ký của nữ hộ sinh… Từ đó, tòa tuyên hủy một phần bản án liên quan đến hình phạt của Nguyễn Hồng Nhàn để điều tra xét xử lại.
Như vậy, nếu đúng như tờ giấy chứng sinh Nhàn sinh năm 1992 thì Nhàn phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi nên bị cáo sẽ thoát án tử hình.
Dù vụ án chưa kết thúc, nhưng khi nghe tin đứa con trai tạm thoát án tử, người mẹ già khốn khó ấy vẫn rưng rưng hạnh phúc vì bà vẫn còn cơ hội được nhìn thấy đứa con lầm lạc. Bây giờ họ mới thấu hiểu hơn bao giờ hết giá trị của một tờ giấy khai sinh, điều mà trước đây họ chưa bao giờ nghĩ tới.
Mai Phượng