Công nghệ chất bán dẫn liên tục phá vỡ các rào cản, để có thể tạo ra những con chip nhỏ hơn, nhanh hơn, mạnh hơn và tiết kiệm điện năng hơn. Vừa mới đây, IBM tuyên bố đã tạo ra một con chip 2nm, nhỏ nhất và mạnh nhất trên thế giới.
Hầu hết những con chip xử lý trang bị cho máy tính cá nhân hiện nay đều được sản xuất theo tiến trình 10nm hoặc 7nm. Một số nhà sản xuất chất bán dẫn đã áp dụng tiến trình 5nm để sản xuất chip xử lý di động. Theo lộ trình thì các tiến trình 4nm và 3nm sẽ được sản xuất thử nghiệm vào cuối năm nay, trong khi đó tiến trình 2nm chỉ đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
IBM ra mắt con chip 2nm đầu tiên trên thế giới.
Thế nhưng, IBM đã khiến cả thế giới phải bất ngờ, khi cho ra mắt con chip đầu tiên được sản xuất trên tiến trình 2nm. Một bước tiến vượt bậc về công nghệ, có thể sẽ được trang bị cho các thiết bị thông minh, smartphone, siêu máy tính, xe tự lái và các thiết bị di động.
Giám đốc của IBM Research, ông Dario Gil cho biết: “Không có nhiều công nghệ hay đột phá công nghệ mới có thể nâng tất cả các con thuyền. Nhưng đây là một công nghệ như vậy”.
Một tấm nền (wafer) có chứa các con chip 2nm của IBM.
Cách để cải thiện hiệu suất của một con chip xử lý là tăng số lượng bóng bán dẫn - yếu tố cốt lõi giúp xử lý dữ liệu - mà không làm tăng kích thước tổng thể của con chip. Theo IBM, con chip 2nm mới có kích thước chỉ gần bằng một cái móng tay, nhưng có thể chứa 50 tỷ bóng bán dẫn, mỗi bóng bán dẫn có kích thước bằng 2 sợi ADN.
Con chip mới của IBM dự kiến sẽ đạt hiệu suất cao hơn 45% và tiết kiệm điện năng hơn 75%, so với các chip 7nm tiên tiến nhất hiện nay. Với chip 2nm, thời lượng pin smartphone có thể kéo dài gấp 2 lần, máy tính xách tay mạnh mẽ hơn rõ rệt, các trung tâm dữ liệu lớn cũng được cải thiện hiệu năng.
IBM cho biết những con chip 2nm thương mại hóa sẽ được sản xuất từ cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Tuy nhiên, IBM không phải là nhà sản xuất chất bán dẫn như Intel hay Samsung. Thay vào đó IBM sẽ cấp phép tiến trình vi xử lý 2nm của mình cho các nhà sản xuất chip khác.
(Theo Pháp luật và Bạn đọc, CNN)
Khan hiếm chip có thể kéo dài đến 2022
Tình trạng khan hiếm chip đang diễn ra trên toàn cầu không thể giải quyết trong một sớm một chiều.