Số liệu từ Bộ Y tế Indonesia ngày 24/6 cho biết, nước này trong 24 giờ qua đã phát hiện thêm 20.574 ca nhiễm mới và 355 trường hợp tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong ở Indonesia lên lần lượt là 2.053.995 và 55.949.
Nhân viên y tế Indonesia lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: AP |
Theo tờ Channel News Asia, Indonesia đang phải vật lộn với sự gia tăng số ca nhiễm mới sau đợt nghỉ lễ Eid al-Fitr diễn ra hồi tháng trước, khi rất nhiều người dân trở về quê nhà hoặc tập trung đông đúc tại các điểm du lịch trong kỳ nghỉ lễ.
Ở một diễn biến khác, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết ông đã đặt mục tiêu tiêm khoảng 7,5 triệu liều vắc xin Covid-19 cho người dân ở thủ đô Jakarta vào cuối tháng Tám tới. Theo ông Widodo, mục tiêu trên khá tham vọng, nhưng việc tiêm chủng phải được tiến hành để khu vực thủ đô Jakarta có thể sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.
Thủ tướng Đức cảnh báo về biến chủng Delta
Theo trang tin ABC News, trong bài phát biểu có thể coi là tuyên bố chính phủ cuối cùng của Thủ tướng Đức Angela Merkel tới quốc hội nước này, bà Merkel nói rằng sự ứng phó hơn nữa đối với đại dịch Covid-19 sẽ là chủ đề chính trong cuộc thảo luận của giới lãnh đạo các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ vào hôm 24/6.
“Mặc dù chúng ta có lý do để hy vọng, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc, nhất là ở các quốc gia nghèo trên thế giới. Còn tại Đức và châu Âu, thì chúng ta vẫn đang đi trên 'lớp băng mỏng'. Chúng ta vẫn cần phải cảnh giác đối với những biến chủng mới nổi gần đây, đặc biệt là biến chủng Delta, như một lời cảnh báo cho chúng ta trong việc tiếp tục cẩn thận với dịch bệnh”, bà Merkel cho biết.
Trước đó, nhiều quan chức y tế EU hôm 23/6 đã đưa ra dự báo về việc biến chủng Delta sẽ chiếm 90% tổng số ca nhiễm ở các quốc gia châu Âu vào cuối tháng Tám tới, và điều này đặt ra yêu cầu người dân tiêm vắc xin ngừa Covid-19 càng nhiều càng tốt.
Hãng tin ABC News dẫn số liệu từ cơ quan kiểm soát dịch bệnh Đức cho biết, biến chủng Delta hiện chiếm khoảng 15% số ca nhiễm Covid-19 mới ở nước này.
CDC châu Phi tuyên bố thua dịch Covid-19
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi John Nkengasong cho biết, châu lục này sẽ không thể thắng dịch Covid-19 khi thiếu thốn vắc xin.
“Đợt bùng dịch thứ ba xảy đến với mức độ nghiêm trọng mà hầu hết các quốc gia không kịp có sự chuẩn bị. Đợt bùng dịch này cực kỳ khắc nghiệt. Tôi xin nói thẳng, chúng tôi sẽ không giành được chiến thắng trong cuộc chiến chống lại virus này tại châu Phi. Do vậy, nguồn vắc xin đến từ chương trình COVAX hay bất kỳ nơi đâu đối với tôi cũng đều không thành vấn đề. Điều tất cả chúng tôi cần là được nhanh chóng tiếp cận nguồn vắc xin”, ông Nkengasong nói với hãng tin Reuters hôm 24/6.
Theo ông Nkengasong, ít nhất 20 nước châu Phi đang phải đối mặt với đợt bùng dịch thứ ba, trong đó Zambia, Uganda và Cộng hòa Dân chủ Congo là ba trong số các quốc gia có hệ thống y tế bị áp đảo bởi dịch Covid-19. Và hiện mới chỉ có 1,12% tổng dân số châu Phi được nhận đầy đủ hai mũi tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Một số diễn biến khác về dịch bệnh
Cập nhật lúc 5h sáng ngày 25/6 của trang thống kê toàn cầu Worldometers cho thấy, dịch Covid-19 đang hoành hành ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm virus cho hơn 180,6 triệu người và cướp đi mạng sống của hơn 3,9 triệu bệnh nhân. Số hồi phục đạt trên 165,3 triệu trường hợp.
Ấn Độ tiếp tục trải qua một ngày khủng khiếp với số người nhiễm mới lên tới hơn 51.250 và số người chết hơn 1.000. Như vậy đến nay, nước này có tổng cộng hơn 30,1 triệu ca dương tính và hơn 393.338 ca tử vong.
Brazil cũng đối mặt với sự lây lan và chết chóc nghiêm trọng khi ghi nhận thêm 72.700 ca nhiễm mới vào danh sách hơn 18,2 triệu bệnh nhân, và hơn 1.900 nạn nhân vào tổng gần 510.000 người tử vong vì Covid-19.
Tuấn Trần
Vũ khí mới chống Covid-19
Liệu pháp kháng thể từ hãng dược Mỹ Regeneron cải thiện tỉ lệ sống sót của các bệnh nhân Covid-19, mang đến hy vọng về thuốc điều trị các ca bệnh nặng nhất.
Ấn Độ có thể ngăn chặn làn sóng Covid-19 chết chóc mới?
Ấn Độ đang bắt đầu mở cửa trở lại sau khi làn sóng Covid-19 thứ hai. Song, các chuyên gia cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ ba có thể tấn công trong vài tháng tới.
Bluezone là ứng dụng giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu họ chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.
Link tải Bluezone trên Android
Link tải Bluezone trên iOS
Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.