Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng lậu, hàng dựng sau khi tràn về nội địa sẽ được các cửa hàng "khoác" cho lớp áo hàng xách tay, hàng like new (mới 99% đã qua sử dụng). 

Và đặc thù căn bản nhất của loại hàng này là chủ cửa hàng không thể xuất được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Chúng tôi đã khảo sát một loạt các showroom buôn bán điện thoại di động tại Hà Nội và TP.HCM để lần theo dấu vết những chiếc điện thoại có nguồn gốc không rõ ràng này.

Nhận diện hàng lậu, hàng dỏm

Tiếp tục những chia sẻ từ dân buôn tên Hùng tại chợ Vinh Cơ, Móng Cái, chúng tôi nêu thắc mắc với Hùng: "Mấy sản phẩm này khi đưa về cửa hàng để buôn thì làm thế nào để em "lừa" được khách?"

"Cái này chú yên tâm! Cả trăm người làm rồi chứ đâu phải mình chú. Đối với dòng máy có IMEI chưa bị kích hoạt trên trang chủ của Apple thì chú cứ nói đây là hàng xách tay từ nước ngoài về, chưa bị kích hoạt rồi trực tiếp truy cập vào trang web của Apple để kiểm tra IMEI của máy cho khách xem. Lúc này, trên trang chủ của Apple sẽ xác nhận tình trạng máy có mã số IMEI trên chưa bị kích hoạt, máy này dân trong nghề gọi là máy chưa active. Cộng với việc khoác một lớp "vỏ" thật chuẩn - nghĩa là hộp đẹp, mã IMEI được khắc nét, trùng với mã IMEI trên vỏ máy và trong máy thì khỏi lo, khách nào cũng tin", Hùng chia sẻ.

{keywords}

"Với dòng hàng đã kích hoạt rồi, nghĩa là kiểm tra trên trang chủ của Apple sẽ cho kết quả là đã kích hoạt thì chú dùng hai "khái niệm" sau để nói với khách: Một là, chú có thể bảo với khách mua rằng đây là hàng trưng bày chỉ để cho khách xem và trải nghiệm tại showroom, cửa hàng nên đã kích hoạt nhưng bản chất là chưa có ai dùng. Hai là, chú có thể bảo với khách rằng đây là hàng công ty nhập lại từ những người muốn nâng cấp đời máy mới nên không muốn dùng nữa. Hàng này còn được dân trong nghề gọi là hàng like new và thường được ghi rõ là hàng mới 99%. Đương nhiên, hàng đã kích hoạt thì sẽ bán rẻ hơn so với hàng chưa kích hoạt", vẫn lời Hùng.

"Đối với doanh nghiệp kinh doanh về điện thoại, nhất là dòng iPhone thì cách tốt nhất để xem doanh nghiệp đó có buôn hàng lậu, hàng dựng hay không là đề nghị họ xuất hóa đơn VAT cho sản phẩm mà họ bán ra. Ngoài ra, doanh nghiệp đó phải ký hợp đồng làm đại lý phân phối thứ cấp iPhone cho FPT tại Việt Nam", Tuấn Quyết, một chủ doanh nghiệp kinh doanh điện thoại di động tại Quốc Oai chia sẻ.

Từ những bài học "vỡ lòng" về nhận diện iPhone lậu, dỏm trên, chúng tôi quyết định vào các cửa hàng, showroom lớn chuyên dòng iPhone để thực mục sở thị những món hàng.

Bán hàng một đường, xuất hóa đơn một nẻo

Sau khi khảo sát những cửa hàng, showroom lớn bán dòng iPhone, chúng tôi quyết định chọn ra khoảng 10 địa chỉ để đến xem và mua máy tại các cửa hàng này.

Cửa hàng đầu tiên chúng tôi thâm nhập là F5 Mobile tại địa chỉ 418 Cầu Giấy, Hà Nội. Đây là thương hiệu thuộc Công ty TNHH xuất nhập khẩu TNA Việt Nam, ngoài cửa hàng này, F5 Mobile còn có trụ sở tại 252 Bạch Mai, Hà Nội.

Trên trang web tại địa chỉ www.f5mobile.vn thể hiện sự ưu ái của công ty trong các nhóm hàng kinh doanh khi các sản phẩm điện thoại mang thương hiệu iPhone được đưa lên trang chủ tại mục: SẢN PHẨM HOT. Tại mục này, rất nhiều hình ảnh chiếc điện thoại iPhone các đời khác nhau từ 4S, 5, 5S, 6, 6S, 6Plus được đưa ra. Nhấp vào dòng sản phẩm 6S 16G, màu Rose Gold (màu hồng đỏ) của công ty tại thời điểm ngày 25.3, chúng tôi thấy bản mô tả sản phẩm như sau: mới 100%, chưa active (kích hoạt - PV), giá cho bản 16G là gần 15,5 triệu đồng; giá cho bản 64G là gần 17 triệu đồng, bảo hành 12 tháng.

Cùng thời điểm đó, nếu truy cập vào trang web của FPT shop (đơn vị phân phối iPhone chính hãng tại Việt Nam) tại địa chỉ www.fptshop.vn, chúng tôi tìm báo giá cho sản phẩm iPhone 6S 16G, màu Rose Gold bản mới hoàn toàn thì được báo giá là gần 18,9 triệu đồng; giá của bản iPhone 6S 64G, màu Rose Gold tại fptshop.vn là gần 21,8 triệu đồng. Như vậy, giá chênh lệch giữa F5 Mobile và FPT shop ở cùng một dòng sản phẩm là từ 3,5 – 4,8 triệu đồng.

Khi chúng tôi đặt vấn đề mua sản phẩm này và đặt vấn đề xuất hóa đơn VAT, nhân viên tư vấn của F5 Mobile cho hay: “Nếu anh mua hàng có hóa đơn thì bọn em phải xuất hóa đơn sang một dòng sản phẩm khác, vì hàng bọn em là hàng xách tay, không có hóa đơn đầu vào nên không thể xuất hóa đơn đầu ra”.

Tại cửa hàng điện thoại Tech Mobile (88 Hồ Tùng Mậu, Hà Nội), khi chúng tôi đặt vấn đề mua iPhone 6, chưa kích hoạt, chủ cửa hàng huỵch toẹt: “Đây là hàng lậu mà em, bọn anh lấy đâu ra hóa đơn đầu vào mà xuất cho em hóa đơn VAT đầu ra".

Tại chuỗi cửa hàng điện thoại mang thương hiệu An Phong Mobile - một chuỗi cửa hàng có trụ sở tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP.HCM, khi chúng tôi yêu cầu mua máy iPhone nhưng phải được xuất hóa đơn đỏ, chủ cửa hàng lập tức từ chối bán.

Chúng tôi tiếp tục nhập vai mua hàng tại các chuỗi cửa hàng của Toàn Cầu Mobile (có trụ sở các địa chỉ Tầng 1 Siêu thị BigC - Thăng Long, tầng 2 siêu thị BigC - Thăng Long, 57 Chiến Thắng, Hà Đông, Hà Nội; Tầng 4 siêu thị BigC - Nam Định) để mua iPhone có hóa đơn VAT. Tuy nhiên, nhân viên ở cửa hàng này trả lời việc xuất hóa đơn VAT cho các máy dòng iPhone là không thể. Công ty có thể xuất hóa đơn sang dòng khác. Câu trả lời tương tự cũng diễn ra tại chuỗi cửa hàng của MSPhone tại các địa chỉ 54 Trần Đăng Ninh, Hà Nội và 16 Trường Chinh, Hà Nội.

Tại cửa hàng Mobile City (120 Thái Hà, Hà Nội), trong lúc tất bật bán mua cho khách, nhân viên của cửa hàng này cho hay: "Việc xuất hóa đơn cho iPhone ở chỗ em rất khó. Nếu anh mua iPhone và lấy hóa đơn thì anh phải mất thêm phí, em sẽ xuất hóa đơn sang máy khác cho anh với cùng số tiền đó".

 IPhone nhập từ đâu?

Chúng tôi tiếp tục khảo sát tại một số cửa hàng ở TP.HCM. Cơ sở đầu tiên chúng tôi thâm nhập là một cửa hàng thuộc chuỗi 15 cửa hàng mang thương hiệu Hnammobile được phân bổ khắp TP.HCM. Trên trang web của Hnammobile tại địa chỉ Hnammobile.com, câu slogan của công ty này miêu tả như sau: "Hệ thống điện thoại chính hãng giá rẻ". Tuy nhiên, khi chúng tôi đến mua iPhone tại cửa hàng của Hnammobile (chi nhánh nằm trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP.HCM) thì nhân viên tại cửa hàng này cho biết: Đối với hàng xách tay, bọn em không thể xuất được hóa đơn.

Mua hàng tại thương hiệu Anh Tuấn Store (773, Cách Mạng Tháng Tám, TP.HCM), chúng tôi được nhân viên tại đây bảo đảm về nguồn gốc của những chiếc iPhone do cửa hàng bán ra là hàng chính hãng, chưa kích hoạt. Khi đặt vấn đề về viết hóa đơn, rất nhanh chóng cửa hàng này đồng ý với điều kiện: sẽ viết hóa đơn sang một dòng máy khác.

Chúng tôi tiếp tục nhập vai người mua hàng để mua hàng tại siêu thị điện máy Gia Huy (410C - 410D Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP.HCM). Tại đây, chúng tôi được nhân viên giới thiệu mua chiếc điện thoại iPhone 5 chưa kích hoạt. Nhân viên này giới thiệu: "Đây là hàng công ty. Công ty em nhập hàng trực tiếp từ APPLE luôn đó". Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu xuất hóa đơn đỏ, nhân viên này đã dẫn tới bàn kế toán và yêu cầu kế toán xuất hóa đơn đỏ sang một mặt hàng khác có giá tương đương. Chúng tôi đồng ý mua chiếc điện thoại iPhone 5 này và nhận được một hóa đơn “chế biến” khác từ Gia Huy. Trong một cuộc nói chuyện điện thoại với người được giới thiệu là lãnh đạo của Gia Huy, vị này xác nhận là Gia Huy không nhập iPhone từ Apple.

Vậy chất lượng của những chiếc điện thoại không rõ nguồn gốc trên ra sao? Những doanh nghiệp kinh doanh hàng lậu đã trục lợi được những gì? Trách nhiệm và sự vào cuộc của cơ quan chức năng tới đâu và vì sao các cửa hàng này vẫn tồn tại mà không bị cơ quan chức năng “sờ gáy”?

Theo Lao động