Đáng sợ loại sâu di trú 100 km/đêm
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), sâu keo mùa thu (FAW) là loại sâu hại có nguồn gốc từ châu Mỹ, thức ăn ưa thích là cây ngô. Tuy nhiên, loại sâu hại này có thể lây lan sang 80 loại cây trồng khác với mức độ gây hại lớn.
Tại hội thảo quốc tế “Giải pháp Phòng trừ Sâu keo mùa thu hiệu quả” được tổ chức ở Thái Nguyên sáng ngày 16/8, GS.TS Andi Trisyono (Đại học Gadjah Mada, Indonesia) cho biết, sâu FAW có khả năng di trú tới 100 km mỗi đêm là “thực tế kinh khủng” khiến nó lây lan rất nhanh.
Ở Indonesia không biết chính xác FAW xâm nhập vào thời gian nào, song đến nay hầu hết các đảo đều bị nhiễm sâu. Đáng chú ý, một hòn đảo rộng lớn như Sumatra, chỉ trong 3 tháng toàn bộ ngô trên đảo đều bị sâu tấn công, GS.TS Andi Trisyono cho hay.
Sâu keo mùa thu có thể di trú 100km/đêm - được nhận định là loài sâu vô cùng nguy hiểm |
Trong khi đó, tại châu Phi FAO cũng cho biết, sâu keo mùa thu đã gây thiệt hại kinh tế ước khoảng 1-3 tỷ đô la Mỹ.
Giữa năm 2018, loài sâu đáng sợ này đã chính thức xuất hiện ở châu Á. Các chuyên gia nhận định, sâu FAW có thể đe dọa đến an ninh lương thực toàn cầu, bởi loài sâu này gây hạt cực mạnh trên cây ngô - loại cây lương thực quan trọng ở châu Á, là nguồn cung chính cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc và gia cầm.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV, Bộ NN-PTNT) cho biết, tháng 3/2019 Cục BVTV nhận được thông báo của FAO về việc sâu FAW đã xuất hiện ở các nước xung quanh Việt Nam. Cơ quan này lập tức thông báo tới các Chi cục ở các địa phương khảo sát và kiểm soát loại sâu này. Song, đến tháng 4/2019 thì Việt Nam chính thức phát hiện sâu FAW tại miền Bắc.
Tuy đã có sự đề phòng và chuẩn bị nhất định, nhưng do là loại sâu bệnh mới và vô cùng nguy hiểm, chưa có thuốc BVTV xử lý được nên chỉ sau 3 tháng FAW đã lan tràn cả nước và gây hại chủ yếu trên cây ngô. Đã có hơn 18.000 ha ngô trên cả nước bị mắc sâu FAW.
“Tôi làm trong lĩnh vực BVTV hơn 20 năm nhưng chưa từng thấy loại sâu nào gây hại và lan rộng nhanh chóng như sâu FAW. Chúng có thể phát tán 100km trong 1 đêm và gây hại tới hơn 200 loại cây trồng”, ông Dương chia sẻ.
Phun thuốc trừ sâu 6 lần không chết
Theo số liệu từ Cục BVTV, tính đến đầu tháng 8, nước ta đã có hơn 18.000ha ngô trên toàn quốc đã bị sâu keo xâm hại, tàn phá gây thiệt hại nặng. Trong khi, công tác phòng trừ hết sức khó khăn và tốn kém do tốc độ sâu sinh sản nhanh, vòng đời dài, tập quán canh tác nhỏ lẻ, mỗi nơi lại có một thời điểm gieo trồng và cơ cấu mùa vụ khác nhau.
Thực tế, vì loài sâu đáng sợ này, nông dân nhiều vùng trồng ngô trên cả nước đã phải nhổ ngô trồng đi trồng lại rất nhiều lần, song sâu vẫn tàn phá, ăn hết sạch cả cây lẫn bắp.
Loại sâu keo mùa thu khiến châu Phi thiệt hại khoảng 1-3 tỷ USD, còn ở Việt Nam sâu này cũng đang lây lan cực nhanh |
“Nhà tôi năm nay trồng 10 mẫu ngô vừa giống thường vừa giống kháng sâu DK 9955S. Tháng 7 vừa rồi tôi thu hoạch khu vực giống thường thì năng suất giảm hẳn so với năm ngoái, tỉ lệ bắp thối nhiễm nấm cũng chiếm tới 34% mặc dù đã đầu tư rất nhiều công sức và chi phí phòng trừ. May có khu vực trồng giống thì năng suất vẫn đạt nhờ khả năng kháng sâu có sẵn trong giống”, nông dân Vũ Văn Sai - Võ Nhai, Thái Nguyên chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng - một hộ dân ở Mộc Châu (Sơn La) than thở, vụ ngô này ông đã phải trồng đi trồng lại tới 3 lần, tốn rất nhiều tiền phân, giống, thuốc trừ sâu nhưng vẫn có nguy cơ mất trắng vì con sâu keo mùa thu.
Riêng đợt trồng thứ 3 này, ông đã phải phun thuốc trừ sâu tới 6 lần mà không tiêu diệt được con sâu keo và khả năng vẫn tiếp tục phải phun thuốc thêm may ra mới được thu hoạch ngô, ông cho hay.
Ông Nguyễn Hoàng Mai - một hộ dân canh tác ngô khác tại Mộc Châu, thừa nhận, tháng 4 gia đình ông trồng giống ngô thường nhưng bị sâu keo mùa thu phá hoại nặng nề, phun 2 lần thuốc không thấy đỡ. Sâu keo vẫn phá tan nát diện tích ngô của gia đình ông. Đến lần trồng thứ 2, ông đổi sang trồng giống ngô kháng sâu thì ruộng ngô mới thoát dịch hại này.
Để hạn chế thiệt hại do sâu FAW gây ra, cuối tháng 5 vừa qua, Cục BVTV đã công bố tên 4 hoạt chất sử dụng tạm thời, đồng thời tiếp tục chỉ đạo các địa phương báo cáo, cập nhật các loại thuốc hiệu quả để đưa vào danh mục khuyến cáo cho bà con. Công ty Bayer cũng đang thực hiện khảo nghiệm đánh giá hiệu lực sinh học của sản phẩm Vayego® (tetraniliprole) để phòng trừ sâu keo mùa thu.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu các địa phương không chủ quan, cũng không hoảng sợ vì hiện đã có nhiều giải pháp hiệu quả, ví dụ như mô hình sử dụng giống ngô kháng sâu của một số nông dân tại huyện Mộc Châu. Ngoài ra, cố gắng đồng loạt tổ chức phòng trừ, ứng dụng biện pháp bẫy bả sinh học để thu bắt và tiêu diệt sâu trưởng thành; sử dụng các biện pháp thủ công (thu gom và tiêu diệt ổ trứng, sâu non) và các biện pháp canh tác, vệ sinh đồng ruộng để giảm mật độ sâu keo mùa thu.
Bảo Phương