Theo đó, do chủ đầu tư có nhiều vi phạm nên tòa án đã tuyên hợp đồng bán căn hộ A710 ký ngày 31/12/2009 vô hiệu toàn bộ. Buộc công ty Keangnam Vina hoàn trả bà Thanh số tiền mua căn hộ đã nộp là hơn 781 triệu đồng.
Tòa án kết luận, mặc dù số tiền nộp vào tài khoản của bên bán là tiền Việt Nam nhưng về bản chất bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua căn hộ bằng ngoại tệ. Điều này đã vi phạm điều 22 Pháp lệnh ngoại hối.
Về cách tính diện tích căn hộ, các bên lựa chọn phương pháp tính diện tích từ tim tường, tổng diện tích căn hộ được tính bằng cách đo từ tim tường chung và tim tường bao ngoài căn hộ là trái với quy định của Luật Nhà ở. Hợp đồng mua bán căn hộ không ghi phần diện tích thuộc sở hữu chung của nhà chung cư, mà chỉ ghi tổng diện tích căn hộ là trái với quy định của Thông tư 01/2009 của Bộ Xây dựng.
Phân tích về bất hợp lý trong bản án sơ thẩm ngày 17/6/2015 của Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, Tòa án thành phố Hà Nội khẳng định: “Tòa án cấp sơ thẩm nhận định hợp đồng không vô hiệu toàn bộ và xác định lại giá căn hộ quy đổi ra tiền Việt Nam đồng tại thời điểm ký kết để các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng là không đúng”.
Vụ kiện của đại diện 10 người mua căn hộ Keangnam kéo dài từ tháng 7/2012 đến nay khởi đầu từ việc người mua nhà phát hiện nhiều vi phạm của chủ đầu tư là Công ty Keangnam Vina (báo Tiền Phong đã liên tục phản ánh). Người mua nhà đã nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư và cơ quan chức năng xử lý vụ việc nhưng đã bị từ chối hoặc kéo dài xử lý dẫn đến người mua nhà chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Trường hợp mua nhà của bà Tạ Thanh Vân chỉ là một trong số những người khởi kiện chủ đầu tư.
Theo Tiền Phong