HTML clipboard

– Từng làm nghề nuôi dậy trẻ gần 10 năm, chỉ vì hành động nông nổi nhất thời, cô giáo phải trả giá bằng cả cuộc đời còn đứa trẻ sớm gánh nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần không dễ dàng quên. 

Vụ án ở trường mầm non 

Phiên tòa xét xử cô giáo mầm non Trần Thị Xuân Nữ (30 tuổi, Đồng Tháp) phạm tội “cố ý gây thương tích” diễn ra ngày 15/7 tại TAND quận Tân Phú (TP.HCM) thu hút sự quan tâm của dư luận.  

Trước vành móng ngựa, cô Nữ ngồi thinh lặng, đôi mắt luôn cụp xuống mặc những lời rì rầm sau lưng của người dự khán, thỉnh thoảng cô co người rồi buông vai như cô lấy bình tĩnh trong lúc chờ phiên tòa được mở.

Cháu Lê Quang Vinh cười tươi tại phiên tòa. Trên đầu cháu Vinh là vết sẹo dài vì bị thương sau khi bị cô giáo Nữ nhốt vào thang máy
 

Ở hàng ghế trên cùng, bên phải phòng xử án, cháu Lê Quang Vinh (sinh ngày 19/12/2006, bị hại trong vụ án) ngồi giữa cha và mẹ miệng không ngừng cười, đôi mắt sáng tinh nghịch liếc nhìn ra cửa rồi ngoái đầu lại phía sau để lộ vết sẹo trắng dài hiện trên mái tóc.

Trong lúc cô giáo cúi đầu nghe đọc cáo trạng, Vinh quay sang dụi đầu vào mẹ rù rì nũng nịu. Một lát sau, cậu bé co chân nằm xoài trên ghế, gác đầu lên lòng mẹ rồi đưa hai bàn tay nhỏ đầy những nét mực nghệch ngoạc vặn vặn vào nhau. Đứa trẻ 5 tuổi chẳng hề để ý chuyện gì đang xảy ra.

Bị cáo Trần Thị Xuân Nữ bối rối kể lại nội dung vụ án. Cô thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Theo đó, trưa ngày 17/9/2010, cô Nữ phụ trách cho 23 học sinh nam lớp chồi ăn cơm, lúc đó cháu Lê Quang Vinh không ăn. Nhắc nhở nhiều lần Vinh không nghe nên cô Nữ tức giận nhốt cháu vào thang máy dùng để vận chuyển thức ăn rồi nhấn nút vận hành.

Khi thang máy từ tầng 1 xuống tầng trệt, cô Nữ mở cửa thang máy thì phát hiện cháu Vinh khóc thét, đang nằm trên sàn, người đầy máu nên vội vã đưa đi cấp cứu. Sau thời gian dài điều trị, cháu bé bị tỷ lệ thương tật 38% vĩnh viên, 41% tạm thời.

Đắng lòng cô và trẻ

Trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa, cô Nữ thổn thức thú nhận do nóng giận đã hành xử như vậy, cô chỉ muốn cháu Vinh sợ mà nghe lời ăn cơm, không ngờ vụ việc lại đi quá xa với sự tưởng tượng của mình.

Câu trả lời đầy vẻ thành thực khiến vị chủ tọa càng thêm bức xúc: “Bị cáo từng được đào tạo qua trường lớp, từng có thâm niên gần 10 năm công tác, bị cáo có tìm hiểu nguyên nhân vì sao hôm đó cháu Vinh không chịu ăn không?” – “Có lẽ do bé mê chơi”. “Không hẳn thế. Có thể do hôm đó bé mệt, có thể do thức ăn không hợp khẩu vị, có thể do nhiều nguyên nhân khác, vậy mà bị cáo bỏ cháu vào thang máy để ép ăn, giải pháp của bị cáo có đúng không?’ – “Dạ, sai”.

“Cháu Vinh còn nhỏ nên làm sao có thể nói với bị cáo vì sao không ăn được? Bị cáo đã qua trường lớp bị cáo phải xử lý thế nào chứ đằng này bị cáo đã đi từ cái sai này đến cái sai khác. Bị cáo đã làm ở đó nhiều năm, biết rõ thang máy không có chức năng vận chuyển người, bên trong có nhiều mấu sắt mà bỏ trẻ vào thang máy không thể nói là không lường hết hậu quả”, cô giáo cúi đầu im lặng trước lời phân tích của chủ tọa phiên tòa.

Cô Trần Thị Xuân Nữ tại tòa
 

Trong lúc tòa xét xử, cháu Vinh tỏ ra hiếu động, cậu bé không chịu ngồi mà liên tục chạy ra, chạy vào khỏi phòng xử bỏ mặc lời dụ dỗ của mẹ. Nhìn vệt sẹo dài hơn 10 cm từ đầu xuống thái dương phải, vết sẹo dài trắng sau chỏm đầu, trên cằm và những vết sẹo mờ rải rác trên mặt phải, những vết sẹo trên người cùng nụ cười tươi rói hồn nhiên của đứa trẻ người dự khán không khỏi đắng lòng.

Đành rằng cô giáo hoàn toàn không mong muốn điều này đến với em, nhưng nỗi đau từ hành động nhất thời của cô là không thể phủ nhận.

Tại phiên tòa, cô giáo Nữ cho biết gia đình muốn giám định lại tỷ lệ thương tật của bé Vinh bởi đó là cơ sở quan trọng trong việc quyết định hình phạt, nhưng cô không muốn làm đứa trẻ phải nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng nên tình nguyện rút lại yêu cầu trên.

Không thể bao biện cho hành vi sai phạm, nhưng mọi người nhận rõ cô giáo này đang thật sự bị dày vò, ân hận.

Giờ nghị án, Vinh chạy khắp khu vực quanh phòng xử. Chị Dư Thị Thanh Thúy vội vã chạy theo con. Nhẹ nhàng vuốt ve đứa con trai tội nghiệp, chị dặn mấy phóng viên muốn hỏi chuyện phải xưng là “chị” vì từ ngày xảy ra sự việc con chị sợ nghe thấy từ “cô”, nếu chụp hình cháu hãy tắt đèn flash bởi những lần đi chụp giám định đã làm con chị sợ ánh chớp máy ảnh.

Rớm nước mắt, chị Thúy không khỏi xót xa khi nhắc lại giây phút kinh hoàng. Chị cho biết dù trước tòa chị xin giảm nhẹ hình phạt cho cô giáo Nữ nhưng mỗi lần nhìn những vết sẹo khắp người, sự thay đổi tâm tính của con, nghĩ tới hình ảnh con trai bê bết máu khi nhập viện và nỗi sợ hãi khi phải đi học vì bạn bè nhìn vào vết sẹo, vì ở trường có “cô Nữ”… là chị không thể tha thứ cho cô giáo.

“Con tôi sinh ra khỏe mạnh, bình thường như bao trẻ khác. Vậy mà chỉ vì một phút tức giận, hành động sai lầm của cô giáo, con tôi phải mang thương tật suốt đời. Những vết sẹo làm con tôi mặc cảm, giờ mỗi khi tập cho cháu đi học vài tiếng ở trường cho quen là tôi phải cho cả anh trai cháu đi cùng cháu mới nghe”, chị Thúy chia sẻ.

Chị không giấu nổi lo lắng cho biết sau cú sốc đó, Vinh sợ bóng tối, hay hoảng loạn và có xu hướng sử dụng bạo lực khi chơi với bạn. Đứng cho các cô chú chụp hình nhưng không một lần Vinh nhìn trực diện vào ống kính, tiếng cười giòn tan của đứa trẻ làm người lớn không khỏi nặng lòng. Tương lai một đứa trẻ sẽ ra sao khi tuổi thơ sớm phải trải qua cú sốc nặng nề cả thể xác lẫn tinh thần?

Tòa tuyên án 4 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”, cô giáo Trần Thị Xuân Nữ cúi đầu lầm lũi theo chân các đồng chí công an lên chiếc xe tù. Đứa trẻ 5 tuổi đang cười đùa trở nên ngơ ngác có lẽ do thấy các chú công an đi qua.

Bản án 4 năm tuy ngắn so với đời người nhưng sẽ là nỗi đau còn mãi. Hi vọng thời gian trôi qua sẽ xóa nhòa vệt đen trong ký ức đứa trẻ tội nghiệp, đủ để cô giáo Nữ và những bậc “cha, mẹ” ở nhà trường rút ra bài học cho mình, để họ biết yêu thương, trân trọng, hi sinh nhiều hơn khi chọn nghề dạy trẻ, để không còn những vụ án mà những đứa trẻ là nạn nhân bất luận vì lý do gì, để thầy cô luôn là hình ảnh đẹp đẽ đầy trong ký ức tuổi thơ của con trẻ hôm nay và mai sau.

Mai Phượng

Cô giáo nhốt bé trai vào thang máy nhận án
Thấy bé trai 4 tuổi không chịu ăn, cô giáo Trần Thị Xuân Nữ đã đẩy cháu vào thang máy dùng để vận chuyển thức ăn rồi nhấn nút vận hành. Khi thang máy mở cửa, khắp người cháu bé đã bê bết máu, mình đầy thương tích.