Nhận thức về chuyển đổi số đã có bước tiến vượt bậc

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng vừa chủ trì cuộc họp Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử (Tổ công tác) về tình hình thực hiện Nghị quyết 17/2019 liên quan đến một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025.

Tại cuộc họp, bên cạnh việc đánh giá những kết quả đã đạt được trong năm 2020, các thành viên Tổ công tác tập trung trao đổi, thảo luận về kế hoạch công tác năm 2021 cũng như việc đổi mới cách thức hoạt động sao cho hiệu quả hơn nữa.

{keywords}
Đánh giá kết quả xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử trong năm 2020 là một nội dung được các thành viên Tổ công tác tập trung trao đổi tại cuộc họp chiều ngày 17/12.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, năm 2020 là một năm đặc biệt, là năm các cấp, các ngành làm được nhiều việc. Nhiều chỉ tiêu trong các năm trước chúng ta chưa làm được thì năm nay đã đạt được.

Nhận định đại dịch Covid-19 đã tạo “cú hích” trong năm 2020 khiến cho mọi người thấy lĩnh vực công nghệ số, không gian mạng quan trọng hơn trong cuộc sống, Thứ trưởng nêu dẫn chứng, vào tháng 3/2020 trên không gian mạng chỉ có 3.000 lượt đề cập có từ khóa “chuyển đổi số”, nhưng đến hết tháng 11/2020 con số này đã lên tới hơn 30.000 lượt, tăng hơn 10 lần.

“Tín hiệu tích cực trên có sự đóng góp của các thành viên Tổ công tác với 2 vai trò: đóng góp trực tiếp thông qua hoạt động chuyển đổi số của bộ, ngành, doanh nghiệp mình; và tham mưu cho Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử”, Thứ trưởng nhận xét.

Các thành viên Tổ công tác cũng thống nhất rằng, năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia. Điểm đặc trưng này được thể hiện qua việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử đã mở rộng phạm vi mở rộng chỉ đạo, không giới hạn ở Chính phủ điện tử mà cả chuyển đổi số, bao gồm Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Cùng với đó, đầu tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia, thể hiện quyết tâm chiến lược của Việt Nam sử dụng công nghệ số làm thay đổi kinh tế, xã hội đất nước. Các bộ, tỉnh đang xây dựng và ban hành đề án, kế hoạch Chuyển đổi số của mình cho thấy nhận thức về Chuyển đổi số đã có bước thay đổi vượt bậc.

Đặc biệt, năm 2020 các nền tảng Make in Việt Nam bùng nổ với "Ngày thứ Sáu công nghệ" đã tạo một niềm tin về khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam có đủ khả năng giải quyết những bài toán chuyển đổi số Việt Nam.

Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng mạnh

Các số liệu thống kê của Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), thường trực Tổ công tác cũng cho thấy, kết quả đạt được về phát triển Chính phủ điện tử trong năm 2020 bằng nhiều năm trước cộng lại.

Tiêu biểu như số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 năm 2018 chỉ đạt 4,5%, năm 2019 là 10,7% nhưng năm 2020 đã là hơn 30%. Cổng dịch vụ công quốc gia khai trương tháng 12/2019 với 8 dịch vụ công, đến tháng 12/2020 số dịch vụ công cung cấp trên Cổng đã là 2.361 dịch vụ.

{keywords}
Đến tháng 12/2020,100% các bộ, ngành, địa phương đã có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Đáng chú ý, hạ tầng quan trọng cho kết nối chia sẻ dữ liệu  - Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh LGSP năm 2018 mới đạt 3%, năm 2019 đạt  27% và năm 2020 hoàn thành 100%.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho phát triển Chính phủ điện tử cơ bản hoàn thiện với 3 Nghị định quan trọng gồm: Nghị định 30 về công tác văn thư; Nghị định 45 về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Nghị định 47 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số.

Cơ quan nhà nước cần dành tỷ lệ chi thích đáng cho CNTT, Chuyển đổi số

Về kế hoạch hoạt động năm 2021, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, quan trọng nhất là làm sao để thị trường mở rộng ra, làm sao để các cơ quan nhà nước dành một tỷ lệ chi thích đáng hơn cho CNTT, cho chuyển đổi số, với mức tối thiểu 1% ngân sách hàng năm.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cam kết thời gian tới sẽ thúc đẩy để hoạt động của Tổ công tác trong năm 2021 hiệu quả hơn nữa.

Thứ trưởng cũng mong rằng thời gian tới thị trường CNTT, chuyển đổi số Việt Nam sẽ phát triển theo hướng các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tập trung vào phần hạ tầng và các nền tảng, phần ứng dụng và dịch vụ sẽ phải hình thành được hệ sinh thái đa dạng có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp.

Một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 là xác định rõ nội hàm kinh tế số và phương pháp xác định tỷ trọng kinh tế số trong GDP để các bộ, ngành, địa phương có chỉ tiêu cụ thể để đánh giá. “Bộ TT&TT và Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp để có cách thức đo lường, bộ chỉ số đo lường về CNTT, chuyển đổi số, kinh tế số, đóng góp của CNTT cho kinh tế xã hội, hiệu quả đầu tư các dự án CNTT… để các bộ, ngành, địa phương yên tâm hơn khi thuyết phục chi tiêu cho CNTT”, Thứ trưởng nói.

Cũng trong năm 2021, Tổ công tác sẽ tập trung tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; ban hành các Nghị định về định danh và xác thực điện tử, về bảo vệ dữ liệu cá nhân; đôn đốc để hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp thẻ Căn cước công dân điện tử. Đồng thời, Khởi động đề xuất xây dựng một số luật như Luật Chính phủ số, Luật Kinh tế số.

Về hoạt động của Tổ công tác, trên cơ sở ý kiến của các thành viên, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chỉ rõ, trong năm 2021 Tổ công tác sẽ mở rộng phạm vi từ Chính phủ điện tử sang chuyển đổi số. “Cách thức hoạt động của Tổ công tác trong năm tới sẽ được đổi mới theo hướng: những cuộc họp lớn bàn việc nhỏ, mang tính cập nhật thông tin; những cuộc họp nhỏ sẽ trao đổi, thảo luận kỹ lượng những vấn đề lớn”, Thứ trưởng cho hay.

Vân Anh

Bộ TT&TT đề xuất các giải pháp nâng xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam

Bộ TT&TT đề xuất các giải pháp nâng xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam

Để nâng cao vị trí xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc, Bộ TT&TT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giao trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương triển khai một số giải pháp.