Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) là tổ chức liên chính phủ hàng đầu trong lĩnh vực di cư, được thành lập vào năm 1951, là cơ quan về di cư của Liên hợp quốc (từ năm 2016). Với 175 nước thành viên, 8 nước quan sát viên, và văn phòng đặt tại hơn 100 quốc gia, IOM nỗ lực thúc đẩy di cư an toàn, nhân đạo và có trật tự vì lợi ích của tất cả mọi người, thông qua việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và tư vấn cho các Chính phủ và người di cư.

Khóa họp lần thứ 114 Hội đồng của Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tới đây sẽ thu hút sự tham dự của đại diện 175 quốc gia thành viên, đặc biệt trong đó có sự tham dự của hơn 30 lãnh đạo cấp Nguyên thủ và Bộ trưởng. Đoàn Việt Nam do Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva làm Trưởng đoàn.

Năm 2024 sẽ là năm bản lề đối với IOM khi tổ chức này tiếp tục tiến hành tái cơ cấu nội bộ, gia tăng ngân sách và nhân sự. Những ưu tiên của IOM trong thời gian tới, bao gồm bảo vệ người di cư, tìm kiếm giải pháp cho những người bị buộc phải rời nơi ở, trong đó tập trung vào các biện pháp ứng phố với biến đổi khí hậu và thúc đẩy các kênh di cư thường xuyên; hoan nghênh và kêu gọi các nước tiếp tục cung cấp các khoản tài trợ linh hoạt cho IOM để tổ chức này có thể đối phó tốt hơn với các thách thức đa dạng về di cư trên thế giới.

Chia sẻ về những nội dung sẽ diễn ta tại khoá họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn tại Geneva nêu rõ, Việt Nam đánh giá cao vai trò dẫn dắt của IOM trong giải quyết các vấn đề di cư; và khẳng định Việt Nam đã và đang tích cực triển khai các chính sách và biện pháp nhằm tích cực triển khai Kế hoạch quốc gia về việc thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và​ trật tự (Thỏa thuận GCM).

W-anhminhhoa-4.png
Ảnh minh hoạ

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ của IOM đối với Việt Nam trong việc thực hiện Thỏa thuận GCM nêu trên; đồng thời chia sẻ quan ngại về tình hình mua bán người, di cư trái phép, đặc biệt là những rủi ro liên quan đến lừa đảo trực tuyến.

Đại sứ nhấn mạnh, Việt Nam kêu gọi IOM và các quốc gia tiếp tục duy trì cách tiếp cận mở, đa phương đối với di cư, trong đó phát huy vai trò trung tâm và dẫn dắt của IOM, tiếp tục rà soát các thách thức nổi lên đối với di cư, xác định các biện pháp ưu tiên trong thời gian tới, qua đó thúc đẩy việc triển khai Thỏa thuận GCM một cách thực chất trên phạm vi toàn cầu.

Cũng tại Khóa họp Hội đồng của IOM, đại diện các quốc gia thành viên IOM đều tích cực chia sẻ quan điểm, trong đó hoan nghênh vai trò quan trọng của IOM trong giải quyết các thách thức về di cư; đồng thời hoan nghênh việc IOM tích cực cải tổ nâng cao hiệu quả hoạt động, chia sẻ quan ngại về tác động của biến đổi khí hậu đối với di cư; nhất trí nhấn mạnh các quốc gia và đối tác, thông qua sự dẫn dắt của IOM, cần tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy di cư an toàn và trật tự, gắn với các mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo việc thực hiện hiệu quả Thỏa thuận GCM.​

Khóa họp quan trọng nhất của IOM là khóa họp Hội đồng thường niên có sự tham dự của đại diện tất cả các quốc gia thành viên. Hội đồng họp thường kỳ mỗi năm/lần vào cuối tháng 11.

Nhóm PV