Tháng 7/1976, tàu thăm dò Viking 1 đã hạ cánh xuống sao Hỏa nhưng thất bại trong việc tìm được dấu vết của sự sống. Tuy nhiên, ba thập kỷ sau, các nhà khoa học tin rằng có lỗ hổng trong thử nghiệm nói trên.

Tàu Viking 1 đáp xuống sao Hỏa vào tháng 7/1976
Và sự thật là Viking 1 đã tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của các vi khuẩn ngoài trái đất trong những mẫu đất lấy được từ Hành tinh đỏ. Việc phân tích toán học các mẫu đất đã đi đến kết luận rằng, lượng muối trong đất sao Hỏa đã “rũ bỏ các nhận định ban đầu”, và rằng chúng có chứa dấu vết rõ ràng của sự sống vi sinh.

Theo DailyMail, nghiên cứu của Đại học Siena và Viện Keck California (Mỹ) đã đi sâu vào độ “phức tạp” của mẫu đất và coi đó như là một dấu hiệu của sự sống. Và trước sự ngạc nhiên của các nhà khoa học, họ đã tìm thấy thứ mình muốn.

Mặc dù vậy, cộng đồng khoa học tỏ ra bị chia rẽ về kết luận có tồn tại sự sống trên sao Hỏa. Chuyên gia Christopher McKay của NASA tuyên bố trên Discovery News rằng “tìm thấy các hóa chất hữu cơ không phải là bằng chứng của sự sống, cả ở thì hiện tại lẫn trong quá khứ. Nó đơn giản chỉ là bằng chứng của hữu cơ mà thôi”.

Sứ mệnh của Curiosity là xác định xem điều kiện sao Hỏa có phù hợp với sự sống hay không
Tuy nhiên, chuyên gia Josheph Miller của Đại học Y Keck California tỏ ra rất tự tin. “Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là quay được video về vi khuẩn sao Hỏa. Nhưng trên cơ bản với những gì đã làm được tới thời điểm này, tôi dám nói mình chắc chắn tới 99% rằng có sự sống nơi đó”.

Một robot thăm dò không người lái sẽ được phóng lên sao Hỏa vào tháng 11 năm nay, với tên gọi Curiosity. Con tàu này chạy bằng năng lượng hạt nhân, tổng trị giá lên tới 2,5 tỷ USD và dự kiến hạ cánh xuống bề mặt sao Hỏa cùng với 10 thiết bị tối tân để kiểm tra xem điều kiện trên hành tinh Đỏ có phù hợp với sự sống hay không.

Y Lam