UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hacinco vì vi phạm quy chế phòng chống dịch, không chủ động khai báo y tế sau khi từ Đà Nẵng về và làm lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng. Theo yêu cầu, các hành khách trước khi lên máy bay phải khai báo y tế. Thêm vào đó, quy định bắt buộc đã được TP Hà Nội những người đi ra địa phương khác sau kỳ nghỉ lễ trở về Thủ đô bắt buộc phải khai báo. Như vậy, ông Nguyễn Văn Thanh sẽ phải khai báo y tế mới có thể di chuyển từ Đà Nẵng về Hà Nội và sau khi về Hà Nội sẽ phải tiếp tục khai báo y tế. Một câu hỏi đặt ra lúc này, có phải đang có một lỗ hổng công nghệ nào đó được lợi dụng để qua mặt các cơ quan quản lý?
Các giải pháp công nghệ đang phát huy hiệu quả
Ngay sau khi đại dịch Covid -19 bùng phát, Chính phủ và Bộ TT&TT đã yêu cầu sử dụng công nghệ là một biện pháp hữu hiệu để phòng chống đưa mọi hoạt động của xã hội vào trạng thái bình thường mới.
Trong thời gian qua, các ứng dụng là ứng dụng VHD, NCOVI, Bluezone tokhaiyte.vn… đã phát huy hiệu quả trong việc phòng chống dịch. Người dân đã được tuyên truyền, vận động người dân cài các ứng dụng VHD, NCOVI, Bluezone và khai báo bằng QR Code tại nhiều địa điểm. Các trung tâm y tế còn tổ chức khai báo y tế bằng QR Code ở những chốt kiểm soát liên ngành phòng chống dịch Covid-19 và hướng dẫn người dân khai báo y tế qua ứng dụng smartphone khi đi qua chốt.
Cùng với các ứng dụng này, một số địa phương đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, mỗi địa phương chuẩn bị các cơ sở cách ly tập trung cho 1.500 người, lắp camera để giám sát người được cách ly thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương và cũng để người dân cả nước tuyệt đối không chủ quan, lơ là với dịch bệnh, từ ngày 23/4, Bộ TT&TT đã ban hành “Tài liệu hướng dẫn sử dụng bộ giải pháp hỗ trợ phòng, chống và truy vết Covid-19 trong cộng đồng”.
Bộ giải pháp công nghệ phục vụ phòng chống dịch Covid-19 được giới thiệu trong tài liệu hướng dẫn gồm có: ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone, ứng dụng khai báo y tế cho người nhập cảnh VHD, ứng dụng quản lý tờ khai y tế tự nguyện NCOVI, hệ thống ghi nhận việc đến/đi tại các địa điểm công cộng (mã QR Code) và hệ thống bản đồ chống dịch - An toàn Covid-19.
Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho rằng, để bộ giải pháp hoạt động hiệu quả, cần có sự chung tay của tất cả thành phần trong xã hội. Các giải pháp công nghệ tự thân không thể giúp phòng, chống dịch nếu không có sự tự giác của mỗi người dân và sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương. Càng nhiều người dân cài đặt và sử dụng, các ứng dụng sẽ càng phát huy hiệu quả.
Sử dụng và khai thác hiệu quả bộ giải pháp sẽ giúp phạm vi khoanh vùng chính xác hơn, giảm bớt việc cách ly nhầm hoặc phải cách ly trên diện rộng. Khi đó, xã hội có thể duy trì được hoạt động bình thường, người dân có thể sinh hoạt hàng ngày, học sinh có thể đến trường, doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp, các địa điểm kinh doanh có thể tiếp tục hoạt động sản xuất, giao thương buôn bán, mà vẫn có thể giúp kiểm soát được dịch bệnh.
Lỗ hổng công nghệ hay lỗ hổng quản lý?
Trở lại câu chuyện của ông ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hacinco với nhiều câu hỏi nghi vấn và chờ các cơ quan chức năng kết luận về vụ việc này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cho dù các giải pháp công nghệ được khằng định đang phát huy lợi thế nhưng vẫn còn đó những lỗ hổng mà những người không tự giác cài đặt và khai báo y tế qua ứng dụng có thể lợi dụng. Chẳng hạn, khi qua cửa sân bay, người khai báo có thể đưa ra cho cán bộ an ninh mã cài đặt cũ là có thể được đi qua. Một trường hợp khác là người dân có nhu cầu khai báo y tế gọi điện đến chính quyền địa phương chứ không khai báo qua ứng dụng và có thể trường hợp này không được quan tâm cập nhật.
Đại diện Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) khẳng định, 3 ứng dụng VHD, NCOVI, Bluezone được liên thông dữ liệu với nhau. Vì vậy, người dân có thể khai báo y tế qua các ứng dụng đều được xử lý dữ liệu tập trung. Vì vậy, người dân có thể cài đặt và khai báo dữ liệu qua bất cứ ứng dụng nào đều được quản lý chặt chẽ.
Trong cuộc họp ngày 16/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu phải khắc phục những lỗ hổng này. Ông Đỗ Công Anh, Phụ trách điều hành Cục Tin học hóa cho hay, để giải quyết tình trạng người dân không khai báo y tế qua ứng dụng mà gọi điện cho các cơ quan chức năng để khai báo, Cục đã xúc tiến xây dựng đường dây nóng để tiếp nhận khai báo y tế của người dân và giao cho VNPT vận hành.
Bên cạnh đó, Cục Tin học hóa cũng đã đưa thêm tính năng phát hiện các mã trong ứng dụng đã khai báo từ lâu chưa được cập nhật. Mã khai báo này sẽ yêu cầu người dân cập nhật dữ liệu của mình trong 24h; nếu không khai báo cập nhật khi qua cửa an ninh sẽ bị phát hiện và yêu cầu người dân cập nhật.
Ông Đỗ Công Anh khẳng định, các biện pháp mới sẽ khắc phục được lỗ hổng hiện nay và giúp cho phòng chống, truy vết Covid triệt để hơn, tránh được tình trạng những người không tự giác khai báo qua mặt các cơ quan quản lý.
Những lỗ hổng đang được các cơ quan quản lý nhanh chóng xử lý. Tuy nhiên, nếu liên thông dữ liệu quốc gia thì khi người dân đến địa điểm nào cần khai báo chỉ cần check in ở địa điểm đó là toàn bộ lịch trình khai báo được tự động cập nhật, quản lý chính xác. Điều này, sẽ tránh được tình trạng người dân không tự giác khai báo, hoặc khai báo không trung thực; đồng thời tạo điều kiện cho người dân khai báo lộ trình của mình một cách dễ dàng, không phải sử dụng giấy tờ nhiêu khê, phức tạp. Đây chính là sức mạnh của công nghệ giúp người dân thuận tiện hơn trong trạng thái bình thường mới.
Ngọc Minh - Mạnh Hưng - Thái Khang
Bắc Ninh tiếp tục vận động người dân dùng Bluezone phòng Covid-19
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa chỉ đạo Sở TT&TT tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tỉnh cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone và khai báo y tế trên các ứng dụng NCOVI, Bluezone hoặc tokhaiyte.vn.