Hành vi phạm tội xảy ra từ đầu năm 2010 và vụ án được khởi tố từ năm 2011, nhưng đến nay, vụ án lừa đảo bán đất Khu đô thị mới Vân Canh (huyện Hoài Đức) vẫn chưa kết thúc.

Bán đất khống, thu hàng trăm tỷ đồng

Vừa qua, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử vụ án Lê Thị Kim Oanh và đồng bọn lừa đảo bán đất Khu đô thị mới Vân Canh. Đây là vụ án lớn trong lĩnh vực bất động sản với số lượng cá nhân bị lừa đảo khoảng 60 người và số tiền thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, phiên tòa đã bị hoãn do một bị cáo bị ngộ độc thức ăn, phải đi rửa ruột, truyền nước. Đây không phải lần đầu tiên phiên tòa bị hoãn. Suốt quá trình xét xử vụ án trong vài năm qua, nhiều lần phiên tòa bị hoãn, những lần phiên tòa diễn ra thì đều kết thúc bằng việc yêu cầu điều tra bổ sung.

{keywords}

Các bị cáo trong phiên tòa đầu năm 2015

Theo tài liệu truy tố, từ năm 2010, Lê Thị Kim Oanh (SN 1968, trú tại Đống Đa, Hà Nội), thường được giới bất động sản gọi là “Oanh Xã Đàn”, đã bán các lô đất tại Khu đô thị mới Vân Canh và Dự án Khu đô thị Thanh Hà B (quận Hà Đông) lấy hàng trăm tỷ đồng. Trước khi vụ án xảy ra, Oanh và chồng là Đinh Xuân Hưng (SN 1966, trú tại Đống Đa, Hà Nội) thành lập Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản O&H.

Tháng 6/2009, Oanh thông qua các mối quan hệ xã hội quen biết và đề nghị mua lại 5 ô đất liền kề và 2 ô đất biệt thự tại Dự án Vân Canh của Đặng Quang Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội số 8 (HanHud 8). Vợ chồng Oanh đặt cọc 500 triệu đồng và 20.000 USD.

Sau đó, Oanh tiếp thị, quảng cáo về việc Công ty O&H có quan hệ với các tập đoàn, công ty xây dựng hàng đầu ở Hà Nội, có thể mua các ô đất liền kề, ô đất biệt thự do Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (ngay là Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị - HUD) làm chủ đầu tư với giá ưu đãi, giá gốc. Nhiều người tưởng thật, nên đã ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua đất và giao tiền cho Oanh.

Đầu năm 2010, thị trường bất động sản tăng cao, thấy nhiều người có nhu cầu đầu tư mua căn hộ chung cư, nhà liền kề chia lô, Oanh bàn với Long để Long lấy danh nghĩa HanHud 8 ra thông báo gửi cho Oanh với nội dung là HanHud 8 triển khai Dự án Vân Canh tại một số vị trí và giao cho Lê Thị Kim Oanh chịu trách nhiệm thực hiện công tác chuẩn bị và thực hiện đầu tư dự án.

Long còn ra một thông báo khác với nội dung, HunHud 8 mời Lê Thị Kim Oanh đến Công ty tiến hành làm các thủ tục trước khi ký hợp đồng bảo lãnh cho các lô mà HanHud 8 giao cho Oanh thực hiện.

Dựa vào các thông báo có nội dung không đúng sự thật này, Oanh, Long và Hưng đã quảng cáo tiếp thị làm cho khách hàng tưởng là thật và đến Công ty O&H ký kết hợp đồng đặt cọc, mua bán các lô đất tại Khu đô thị mới Vân Canh,

Tuy nhiên, kết quả xác minh tại HUD cho thấy, tập đoàn này không có quan hệ giao dịch hay liên kết nào với Lê Thị Kim Oanh và HanHud 8. Trên thực tế, HUD được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) giao làm chủ đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị Vân Canh, nhưng một số lô đất thuộc ô liền kề 10, 15, 16 thuộc giai đoạn 2 của Dự án đang chờ quy hoạch trục không gian kết nối với huyện Ba Vì, nên HUD chưa triển khai kinh doanh.

Xác minh tại HanHud 8 cho thấy, công ty này không ký hợp đồng hợp tác đầu tư nào với HUD và Lê Thị Kim Oanh về Khu đô thị mới Vân Canh.

Số tiền đã nhận của các bị hại, Oanh đã chuyển cho Đặng Quang Long, Phạm Văn Hoàng (Phó giám đốc Công ty HanHud 8) số tiền 68,2 tỷ đồng để đầu tư vào Khu đô thị mới Vân Canh. Chuyển cho Long, Hoàng số tiền 24 tỷ đồng để đầu tư vào Tòa nhà chung cư cao cấp ở số 264 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội do Tập đoàn Bảo Tín Sơn Tùng làm chủ đầu tư.

Cơ quan điều tra xác định, các hợp đồng giữa Oanh và khách hàng đều phát sinh sau thời điểm Đặng Quang Long ký thông báo để Oanh sử dụng làm phương tiện lừa các bị hại. Đặng Quang Long phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm giúp sức. Đinh Xuân Hưng đã trực tiếp ký một số hợp đồng mua bán với khách hàng dù không sở hữu bất cứ ô đất nào, do đó Hưng bị xác định là đồng phạm.

Nhiều vấn đề còn chưa rõ của vụ án

Trong thời gian qua, vụ án nhiều lần được đưa ra xét xử rồi lại bị hoãn với vô vàn lý do, từ việc bị hại không đến đủ, đến việc bị cáo ốm đau không có mặt xin hoãn tòa.

Những khi phiên tòa diễn ra thì cũng kết thúc bằng việc yêu cầu điều tra bổ sung. Số bị hại trong vụ án khá lớn, khoảng 60 người. Có phiên tòa, các bị hại đã khai ra số tiền mà bị cáo Oanh chiếm đoạt không khớp với con số mà Viện Kiểm sát đã truy tố.

Bản cáo trạng ban hành vào tháng 6/2013 thể hiện rằng, Oanh đã chiếm đoạt 156 tỷ đồng của 60 bị hại. Tuy nhiên, phiên toà diễn ra vào tháng 1/2014 cho thấy, có một số bị hại khai ra số tiền bị chiếm đoạt lớn hơn so với con số thể hiện trong hồ sơ, điều này dẫn đến số tiền lừa đảo lớn hơn con số mà Viện Kiểm sát xác định khoảng 5 tỷ đồng. Vì vây, Hội đồng xét xử đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ về số tiền này.

Một số nội dung khác của vụ án cũng chưa được làm rõ, dẫn đến những lần mở phiên tòa sau Hội đồng xét xử tiếp tục trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Chẳng hạn, vào tháng 7/2014, Hội đồng xét xử lại một lần nữa quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu làm rõ hơn nữa đối với một số giao dịch giữa các bị cáo với bị hại. Ngoài ra, Hội đồng xét xử còn cho rằng, cáo trạng xác định 3 bị hại bị Oanh lừa 232.000 USD (tương đương hơn 4 tỷ đòng) bằng thủ đoạn vay tiền để mua vé máy bay giá rẻ là chưa thật chính xác, bởi đây có dấu hiệu chỉ là quan hệ dân sự…

Tòa án cũng từng trả hồ sơ yêu cầu làm rõ vì sao có một số cá nhân đã nộp tiền cho Oanh và có giấy tờ chứng minh nhưng lại không được xác định là bị hại.

Vào tháng 6 năm nay, Tòa án đã trả hồ sơ yêu cầu làm rõ một số vấn đề, trong đó có xác định khoản góp vốn của bị cáo Oanh tại một số dự án. Theo lời khai của bị cáo Oanh, thì số tiền góp vốn này lớn hơn so với xác định trong cáo trạng.

Được biết, một số giao dịch, trong đó có giao dịch mua vé máy bay giá rẻ giữa Oanh và các bị hại đã được xác định là giao dịch dân sự. Do đó, số thiệt hại trong vụ án đã được xác định còn hơn 140 tỷ đồng.

Trong khi vụ án kéo dài thì khả năng thu hồi tài sản của bị hại ngày càng khó khăn. Trước khi vụ án bị khởi tố, Đặng Quang Long, Phạm Văn Hoàng đã trả tiền cho một số người với tổng số tiền 84,6 tỷ đồng. Hy vọng của các bị hại chỉ còn trông chờ vào các khoản đầu tư của bị cáo Oanh. Khoản tiền góp vốn được lấy từ tiền do các khách hàng đóng góp, như vậy, bị cáo Oanh đã sử dụng tài sản do phạm tội mà có để đầu tư. Về nguyên tắc, các cơ quan tiến hành sẽ yêu cầu thu hồi để trả cho những người đã góp vốn. Tuy nhiên, đề xác định được những khoản vốn góp này cũng không hề đơn giản, sẽ mất rất nhiều thời gian và khả năng thu hồi đến đâu cũng chưa rõ.

Theo Đầu tư Bất động sản