Theo BCTC của CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông (PDC), lợi nhuận sau thuế quý I đạt 1,8 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ. 

Theo giải trình của PDC, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 3,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tăng cao nhưng giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 1,1 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 594 triệu đồng so với cùng kỳ. Do nguyên nhân mức độ tăng của doanh thu lớn hơn so với mức độ tăng của chi phí, dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý I tăng 114%.

Kết quả kinh doanh năm 2022, PDC có doanh thu đạt 49,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 4,9 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với 2019.

CTCP Du lịch Dầu khí Phương Đông (PDC) tiền thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND Nghệ An với tên gọi Khách sạn Phượng Hoàng. Đến năm 2007, PDC được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp quản với hoạt động chính là kinh doanh phân bón và dịch vụ khách sạn.

Năm 2011, toàn bộ phần vốn PDC thuộc sở hữu của PVN được chuyển giao sang nhóm cổ đông Ocean Group.

Năm 2015, gia đình ông Lê Thanh Thản với biệt danh “đại gia điếu cày” đã mua lại khách sạn này. 

Ông Lê Thanh Thản. (Ảnh: LĐ)

Theo BCTC năm 2022, các cổ đông lớn của PDC là ông Lê Thanh Thản, bà Lê Kim Giang, ông Đỗ Trung Kiên, bà Lê Thị Hoàng Yến,… đều là người nhà của ông Thản.

Mức lương của ông Thản năm 2022 với vị trí Chủ tịch HĐQT là 36 triệu đồng, tương đương 3 triệu đồng/tháng. Bà Lê Thị Hoàng Yến nhận lương 18 triệu đồng trong năm 2022.

Hiện, ông Thản bị truy tố với cáo buộc quảng cáo sai về căn hộ chung cư xây trái phép tại phường Kiến Hưng, Hà Đông, để bán cho khách hàng.

Tin doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

* CRE: CTCP Bất động sản Thế kỷ (CRE) thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với các chỉ tiêu chính là doanh thu thuần 3.500 tỷ đồng, bằng 101% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận trước thuế 168 tỷ đồng, bằng 68% thực hiện năm 2022.

* PC1: Tập đoàn PC1 (PC1) thông qua mục tiêu năm 2023 tổng doanh thu đạt 9.450 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 511 tỷ đồng và tỷ lệ chi trả cổ tức 15%.

*  VPI: CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu ở mức 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 550 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 10% so với kết quả đạt được trong năm 2022.

* PVD: Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt 5.400 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất kỳ vọng đạt 100 tỷ đồng. 

* ADS: Theo BCTC hợp nhất quý I/2023 của CTCP Damsan, doanh thu thuần ghi nhận 296 tỷ đồng đến từ doanh thu xuất khẩu sợi sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Lợi nhuận gộp đạt gần 33 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 16 tỷ đồng.

* GIL: Năm 2023, CTCP Sản xuất - Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) lên kế hoạch đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 103,5 tỷ đồng.

* SCR: CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín đặt chỉ tiêu doanh thu 540 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 20 tỷ đồng.

* VNA: CTCP Vận tải Biển Vinaship báo lãi trước thuế chỉ hơn 1 tỷ đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ. Doanh thu trong quý của công ty giảm 23%, trong khi giá vốn lại tăng so với cùng kỳ khiến cho lợi nhuận gộp giảm tới gần 86%.

Giao dịch cổ phiếu 

* HAH: Công ty TNHH Qũy TM Holding, cổ đông của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) đã mua vào 770.000 cổ phiếu HAH trong ngày 21/4. 

* LDP: CTCP Chứng khoán APG (APG), cổ đông lớn của CTCP Dược Lâm Đồng – Ladophar (LDP) đã mua vào hơn 127.000 cổ phiếu trong ngày 18/4. Sau giao dịch, số lượng nắm giữ 1,2 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 9,47%.

*DPM: Nhóm cổ đông nước ngoài do Dragon Capital quản lý tại Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu Khí (DPM) đã bán ra 500.000 cổ phiếu DPM trong ngày 21/4. 

* DHP: Ông Trần Tuấn Linh, Trưởng Ban kiểm soát CTCP Cơ điện Hải Phòng (DHP) đã mua vào hơn 132.000 cổ phiếu DHP, tỷ lệ 1,4% trong ngày 20/4. Bà Dương Tạ Hòa Bình, mẹ của ông Linh cũng đã mua vào hơn 132.000 cổ phiếu DHP.

* S55: CTCP ANZA, cổ đông lớn của CTCP Sông Đà 505 (S55) đã mua vào 882.000 cổ phiếu S55 trong ngày 20/4. Qua đó, nâng sở hữu tại S55 lên hơn 3,34 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 33,49%.

VN-Index

Chốt phiên 26/4, VN-Index tăng 5,95 điểm (+0,57%), lên 1.040,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 576,7 triệu đơn vị, giá trị 11.431,5 tỷ đồng.

HNX-Index tăng 1,16 điểm (+0,57%), lên 205,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 62,7 triệu đơn vị, giá trị 853,4 tỷ đồng.

UpCoM-Index tăng 0,02 điểm (+0,02%), lên 78,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,1 triệu đơn vị, giá trị 247,1 tỷ đồng.

Theo BSC, đà giảm của VN-Index bắt đầu cho thấy dấu hiệu chững lại khi lực cầu xuất hiện tại vùng 1.030 điểm. Độ rộng nghiêng về phía tích cực với 14/19 ngành tăng điểm, trong đó mức tăng mạnh nhất thuộc về ngành tài nguyên cơ bản, các ngành khác như bán lẻ, dịch vụ tài chính, dầu khí…cũng có phiên tăng tốt hôm nay. Ở chiều ngược lại, ngành bất động sản dẫn đầu đà giảm.

Trong những ngày giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ, thị trường có lẽ sẽ có những phiên đi ngang quanh ngưỡng 1.040 điểm.