Từ hành động này, nhiều người đặt dấu hỏi về ông chủ khách sạn này là người Hàn Quốc và chủ đầu tư là Tập đoàn Charmvit.
Cụ thể, chiều tối 29/8, trong cơn dông lớn kèm gió lốc ở Hà Nội, nhiều người di chuyển trên đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) đã phải trú tạm vào sảnh của khách sạn 5 sao Grand Plaza Hotel. Thấy nhiều người đi xe máy, bao gồm phụ nữ và trẻ em, đứng trước sảnh, một người được cho là nam nhân viên của khách sạn đã đến tận nơi xua đuổi, chỉ tay quát lớn và yêu cầu những người trú mưa ra khỏi sảnh. Nhóm người trú mưa gồm 4 người, 2 phụ nữ và 2 trẻ em.
Ngay khi xuất hiện trên mạng xã hội, video trên đã nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Nhiều người chỉ trích đối với hành động vô cảm của nam nhân viên, cũng có người bày tỏ thắc mắc có thể anh nhân viên làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Ngay sau khi xuất hiện đoạn video này, nhiều người quan tâm tới ông chủ của khách sạn này là người như thế nào?
Khách sạn Grand Plaza Hà Nội là khách sạn 5 sao, nằm trong tổ hợp Trung tâm thương mại – Khách sạn cao cấp Grand Plaza do Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. (ảnh Bá Đô) |
Theo tìm hiểu, khách sạn Grand Plaza tại 117 Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) do Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Tại Việt Nam, “đại gia” Hàn Quốc Charmvit được biết đến với nhiều dự án tai tiếng.
Theo tìm hiểu của PV, Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) do ông Lee Dea Bong làm Chủ tịch được biết đến là một nhà đầu tư nước ngoài có “số má” tại Việt Nam khi triển khai nhiều dự án đình đám. Thế nhưng, những dự án của “đại gia” Hàn Quốc này cũng dính không ít tai tiếng.
Đơn cửa như, tại khối toà nhà văn phòng (Charmvit Tower) nằm trong dự án Grand Plaza 117 Trần Duy Hưng này đã liên tiếp xảy ra các tranh chấp giữa các đơn vị kinh doanh với chủ đầu tư là Tập đoàn Charmvit. Hơn nữa, khu vực tầng thương mại đều bết bát và phải đóng cửa dù thay tên đổi vận nhiều lần.
Hình ảnh nhiều người phản đối việc cắt điện của đơn vị vận hành toà nhà Charmvit Tower. |
Gần đây nhất vào ngày 13/3, Charmvit đã cắt điện toàn bộ 5 tầng tòa nhà chỉ sau khoảng 10 phút gửi thông báo. Vì vậy, nhân viên của Công ty IDJ xuống sảnh thang máy phản đối chủ đầu tư Charmvit và bị bảo vệ tòa nhà hành hung tại tầng 1 toà nhà. Theo thống kê, hậu quả của việc cắt điện khiến hoạt động của toà nhà ngưng trệ, các công ty thuê và 2 sàn chứng khoán bị “sập” khiến thiệt hại ước tính lên đến vài tỷ đồng/ngày. Trước đó, thời điểm năm 2017, giữa hai bên từng xảy ra tranh chấp lối đi ở mặt sàn tầng 1 trung tâm thương mại khiến vụ việc kéo dài.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau sự cố trên giữa hai bên đã có những buổi thương lượng và đối thoại nhưng vẫn chưa thống nhất được phương án thoả thuận và đang nhờ tới sự phân giải của toà án.
Cũng liên quan tới Tập đoàn Chravit, năm 2017, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã vào cuộc thanh tra và ban hành kết luận thanh tra số 3118 KL-TTCP. Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án sân golf Phượng Hoàng 54 lỗ (tỉnh Hòa Bình), cùng trách nhiệm lớn thuộc về tỉnh Hòa Bình. Ngoài việc tỉnh Hoà Bình cho thuê đất triển khai dự án “siêu rẻ”, TTCP còn phát hiện việc xây dựng công trình sân golf, nhà điều hành, khách sạn 3 tầng và các công trình phụ trợ khác không có giấy phép xây dựng, không có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, vi phạm Luật Xây dựng 2003…
Mặc dù dính nhiều tai tiếng tại các dự án đã đầu tư, theo tìm hiểu của phóng viên, mới đây Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) tiếp tục chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án Trường đua ngựa (vốn đầu tư dự kiến 500 triệu USD) tại huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.
Trước đó, sáng ngày 21/2/2019, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã tiếp ông Lee Daa Bong - Chủ tịch Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc). Ông Lee Daa Bong cho biết, đến thời điểm này các điều kiện cần thiết cho dự án Trường đua ngựa tại Việt Nam đã được Tập đoàn Charmvit chuẩn bị chu đáo, nên mong muốn Việt Nam và TP. Hà Nội tạo điều kiện tốt nhất để dự án sớm được triển khai.
Thế nhưng, sau những bê bối tại dự án sân golf Phượng Hoàng và toà nhà Charmvit Tower, nhiều người lo ngại dự án triệu USD trên sẽ đi vào “vết xe đổ” mà tập đoàn ngoại này đã dính phải. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần cân nhắc thấu đáo và nghiêm túc hơn trong việc lựa chọn nhà đầu tư có uy tín, đầy đủ năng lực trong việc triển khai đầu tư xây dựng cũng như khi dự án đi vào hoạt động.
Liên quan đến hành động của nhân viên được cho là bảo vệ của khách sạn Grand Plaza đuổi người trú mưa, nhiều người đã đặt câu hỏi "tình người ở đâu trong cái khách sạn 5 sao này?". Không chỉ dừng lại đấy, nhiều cư dân mạng đã đánh giá khách sạn này 1 sao trên Google và fanpage. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ sau khi đoạn clip được phát tán, tính đến 23h ngày 29/8, đánh giá trên fanpage chính thức Grand Plaza Hanoi Hotel đã chỉ còn 1,9/5 sao. Không khá hơn, đánh giá trên Google của khách sạn cũng tụt xuống chỉ còn 2,7/5 sao, tính đến cùng thời điểm.
Cuối ngày, chức năng đánh giá trên fanpage Grand Plaza Hanoi Hotel đã bị tắt bởi Facebook với lý do có quá nhiều lượt đánh giá bất thường. “Tạm thời, chúng tôi đã tắt tính năng cho phép mọi người nêu đề xuất mới để đảm bảo phần đề xuất trung thực và tuân thủ chính sách của chúng tôi”, Facebook thông báo.
(Theo Dân Việt)