Có bầu Thụy, địa điểm này được kỳ vọng sẽ "đổi đời". Tuy nhiên, ngày tươi đẹp đó chưa đến thì khách sạn Kim Liên đã trở thành vật thế chấp.
Thua lỗ với nhiều dấu hỏi
Không phải là khách sạn 5 sao như Metropole Hà Nội hay Intercontinental Hanoi Westlake nhưng khách sạn Kim Liên (thuộc sở hữu của Công ty cổ phần du lịch Kim Liên - Kim Liên) cũng là một trong những địa điểm nổi tiếng vì nằm trên mảnh "đất vàng" Hà Nội. Khách sạn Kim Liên tọa lạc tại mảnh đất rộng 3,5ha phố Đào Duy Anh với mặt tiền rất rộng. Đây được coi là "đất vàng" duy nhất còn sót lại của các quận nội thành.
Cách đây gần 15 năm, dù quy mô khá nhỏ (vốn điều lệ năm 2008 chỉ 44 tỷ đồng) nhưng Kim Liên gặt hái được lãi ròng cao. Từ năm 2008 đến nay, Kim Liên chỉ lỗ duy nhất trong năm 2015. Trước đó, lợi nhuận sau thuế của công ty từ năm 2008 đến 2014 lần lượt là 19,4 tỷ đồng, 31,7 tỷ đồng, 38,4 tỷ đồng, 30,9 tỷ đồng, 21,3 tỷ đồng, 14,5 tỷ đồng và 13,5 tỷ đồng.
Vì vậy, Kim Liên đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn góp chủ sở hữu rất cao. Năm 2008, con số này lên đến 44%. Tới năm 2010 - thời điểm Kim Liên đạt kỷ lục về lãi ròng, tỷ lệ này vọt lên đến 65%.
2015 là năm "lịch sử" của Kim Liên khi công ty có nhiều sự kiện quan trọng. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự có mặt của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) - Chủ tịch quản trị của ThaiGroup. Bầu Thụy mua cổ phần khách sạn Kim Liên với mức "phá giá" thị trường. Năm đó, Kim Liên lần đầu tiên ghi nhận khoản thua lỗ khủng.
Cụ thể, sau khi đạt đỉnh lợi nhuận vào năm 2010, Kim Liên giảm dần đều lãi. Dù vậy, đến năm 2014, công ty vẫn lãi 13,5 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2015, Kim Liên bất ngờ lỗ tới 25,6 tỷ đồng.
Điều đáng nói, khoản lỗ này xuất hiện dù doanh thu năm 2008 vẫn tăng nhẹ, tăng từ 123 tỷ đồng lên 125 tỷ đồng. Kim Liên "âm nặng" khi chi phí quản lý doanh nghiệp "đội lên" khó hiểu, tăng 38,2 tỷ đồng, tương đương 173% lên 60,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Kim Liên không lý giải tại sao chi phí quản lý doanh nghiệp lại "tăng tốc" nhanh đến như vậy.
Một dấu hỏi lớn mà nhà đầu tư đặt ra cho khoản thua lỗ của khách sạn Kim Liên chính là sự chênh lệch về con số. Báo cáo tài chính năm 2015 chỉ ra Kim Liên lỗ 25,6 tỷ đồng. Còn trong báo cáo tài chính năm 2016, con số này vọt lên tới 33,8 tỷ đồng. Nguyên nhân là do ở phần lợi nhuận khác. Thay vì con số lãi 137 triệu đồng, chỉ tiêu này được ghi nhận thành lỗ hơn 8 tỷ đồng trong báo cáo năm 2016.
Bầu Thụy chưa giúp Kim Liên xóa lỗ
Trong lịch sử khách sạn Kim Liên, thương vụ đấu giá nghìn tỷ của bầu Thụy chắc chắn sẽ được lưu truyền.
Năm 2015, nhà đầu tư chứng khoán đổ dồn sự chú ý của mình vào phiên đấu giá cổ phần tại Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên (chủ sở hữu khách sạn Kim Liên) của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Cuộc đấu giá thu hút nhiều doanh nghiệp đình đám trên thị trường tham gia như: ThaiGroup, REE, PTI, Tổng công ty xây dựng Hà Nội, Văn Phú Invest, GP Invest,…
Vào cuối tháng 12/2015, phiên đấu giá diễn ra đầy ấn tượng khi thu hút được 19 nhà đầu tư tổ chức và 17 nhà đầu tư cá nhân. Mặc dù giá khởi điểm "chỉ" là 30.600 đồng/cổ phần nhưng giá đặt mua cao nhất và cũng là giá trúng thầu thành công vọt lên 274.200 đồng/cổ phần, cao gấp 9 lần so với giá khởi điểm.
Điều đáng nói, chỉ có một tổ chức duy nhất mua được trọn lô cổ phần sau khi chi ra hơn 1.000 tỷ đồng. Không lâu sau đó, danh tính nhà đầu tư tổ chức "chơi lớn" đó được hé lộ. Đó là ThaiGroup của bầu Thụy. Sau thương vụ này, ThaiGroup sở hữu tới 52,4% vốn Kim Liên.
Tới đầu năm 2019, Thaiholdings - một công ty khác của bầu Thụy - đã mua gần 1,2 triệu cổ phần Kim Liên với giá mua 305.100 đồng/cổ phần, tương ứng, tổng giá trị đầu tư hơn 365 tỷ đồng. Sau thương vụ, Thaiholdings nắm giữ 17,2% vốn điều lệ của chủ sở hữu khách sạn Kim Liên.
Tại thời điểm 31/12/2019, phía bầu Thụy vẫn là cổ đông lớn nhất tại Kim Liên.
Thaiholdings của bầu Thụy nắm giữ 17,2% vốn điều lệ của chủ sở hữu khách sạn Kim Liên. |
Tỷ suất lợi nhuận sụt giảm
Ngay sau khi về tay bầu Thụy (năm 2015), khách sạn Kim Liên nhanh chóng có lãi. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 của Kim Liên đạt 7,5 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với con số lỗ 33,8 tỷ đồng của năm 2015.
Thaiholdings của bầu Thụy nắm giữ 17,2% vốn điều lệ của chủ sở hữu khách sạn Kim Liên. |
Tuy nhiên, khoản lãi này không đến từ hoạt động kinh doanh mà đến từ việc "hãm phanh" chi phí đột ngột.
Cụ thể, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch năm 2016 của Kim Liên chỉ đạt 128 tỷ đồng, tăng rất nhẹ so với con số 125 tỷ đồng của năm 2015. Công ty chỉ thoát lỗ nhờ "mạnh tay" cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp. Chỉ tiêu này giảm tới 44,7 tỷ đồng, tương đương 74,1% so với năm 2015 xuống chỉ còn 15,6 tỷ đồng.
Trong cơ cấu chi phí quản lý doanh nghiệp, chỉ tiêu thuế, phí và lệ phí giảm sâu nhất, giảm từ 52,9 tỷ đồng năm 2015 xuống 6,2 tỷ đồng.
Vì vậy, có thể thấy, bầu Thụy hoàn toàn không có đóng góp vào việc "vực dậy" Kim Liên. Các năm sau đó, lợi nhuận tại Kim Liên có xu hướng nhích lên nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với khoảng thời gian trước năm 2015. Từ năm 2016 đến 2019, lợi nhuận sau thuế của Kim Liên lần lượt đạt 7,5 tỷ đồng, 8,9 tỷ đồng, 8,6 tỷ đồng và 12,5 tỷ đồng.
Dưới thời của bầu Thụy, tỷ suất lợi nhuận/vốn góp chủ sở hữu của Kim Liên giảm sâu. Trong các năm 2016, 2017, 2018 và 2019, tỷ lệ này lần lượt là 10,8%, 12,8%, 12,4%và 18%.
Vì lãi ròng chưa tìm lại được thời hoàng kim nên tại thời điểm 31/12/2019, vốn chủ sở hữu của Kim Liên bị "ăn mòn" chỉ còn là 48,7 tỷ đồng thay vì 69,6 tỷ đồng vốn góp chủ sở hữu. Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Kim Liên vẫn lên đến âm 26,2 tỷ đồng.
Chưa "đổi đời" đã thành vật thế chấp
Dễ dàng nhận thấy sau khi trở thành "người nhà" của bầu Thụy, công ty cổ phần Du lịch Kim Liên không những không cải thiện tình hình mà còn đi lùi so với những năm trước đây (ngoại trừ năm 2015). Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng, bầu Thụy mua cổ phần Kim Liên là nhắm vào "đất vàng" chứ không phải muốn cải thiện hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà hàng.
Tại thời điểm 31/12/2019, vốn góp chủ sở hữu của Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên chỉ là 69,6 tỷ đồng, "bất động" sau nhiều năm. Vì vậy, tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2019, bầu Thụy muốn tăng vốn công ty lên 2.768 tỷ đồng, tức là tăng gấp gần 40 lần.
Việc tăng vốn này nhằm mục đích liên kết với đối tác để triển khai dự án Khu phức hợp Kim Liên. Dự án ngốn tới gần 14.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch tăng vốn này bị cổ đông phản đối và không thể thực hiện được. Không lâu sau đó, bầu Thụy rời ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty.
Tới tháng 10/2020, Thaiholdings cho biết sẽ dùng 819.450 cổ phiếu Kim Liên làm tài sản đảm bảo tại LienvietPostBank để vay 500 tỷ đồng cho vốn lưu động. Thế nhưng, có vẻ như kế hoạch có chút thay đổi. Theo báo cáo tài chính năm 2020 của Thaiholdings, trong năm 2020, Thaiholdings chỉ phát sinh gần 295 tỷ đồng dư nợ tại LienvietPostBank. Và ngay trong năm, công ty đã thanh toán cho ngân hàng gần 116 tỷ đồng.
(Theo Dân Trí)