Brandon Hurley (35 tuổi, được nhiều người biết tới với tên gọi "Phúc Mập") là người Mỹ, hiện sống ở Việt Nam được hơn 8 năm. Anh cũng sở hữu một kênh Youtube với gần 500.000 người theo dõi và thường chia sẻ video về trải nghiệm ẩm thực, du lịch tại Việt Nam.
Suốt nhiều năm sinh sống tại đây, Phúc Mập đã đi rất nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Phú Quốc (Kiên Giang), Bến Tre, Vũng Tàu, Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng, Đà Lạt (Lâm Đồng)... và nếm thử vô số món ăn truyền thống tại các vùng miền như phở, bún chả, bánh khọt, mỳ Quảng, gà nướng cơm lam, gỏi cuốn...
Trong đoạn video đăng tải gần đây, vị du khách người Mỹ tiết lộ đã đưa vợ từ TP.HCM tới Đà Nẵng để trải nghiệm foodtour, thưởng thức loạt đặc sản địa phương mà anh yêu thích nhân dịp kỷ niệm 4 năm ngày cưới.
Phúc Mập thường lên Google Maps tìm các quán ăn nhận được nhiều đánh giá tích cực nhất để thưởng thức. Anh tin đây là cách tốt nhất để tìm ra được những địa chỉ chất lượng có bán các món đặc sản địa phương (Ảnh chụp màn hình).
Ngay khi đặt chân tới Đà Nẵng, Phúc Mập cùng vợ lập tức ghé quán mỳ Quảng mà anh tìm được trên Google Maps. Ấn tượng đầu tiên của anh khi nếm thử mỳ Quảng là sợi mỳ to và dày nhưng khá mềm và thơm.
"Đây có lẽ là sợi mỳ dày nhất mình từng ăn", Phúc Mập nói.
Dù không thích trứng cút nhưng do quá mê món Mỳ Quảng, vị khách Tây này vẫn chọn ăn và thưởng thức hết các nguyên liệu trong tô.
Món ăn tiếp theo mà Phúc Mập cho rằng “nhất định phải thưởng thức khi đến Đà Nẵng” chính là cao lầu. Để thưởng thức món này, anh lái xe máy đưa vợ tới bán đảo Sơn Trà, ghé một quán ăn trên đường Nguyễn Chí Thanh.
Phúc Mập nhận xét, đây là địa chỉ phục vụ món cao lầu ngon nhất so với các nơi mà anh từng đến.
Về hương vị, du khách người Mỹ đánh giá cao lầu ở đây có mùi vị rất riêng cho dù các nguyên liệu cũng không có nhiều khác biệt so với cao lầu ở nhiều nơi khác.
Trong thời gian trải nghiệm foodtour ở Đà Nẵng và tận hưởng kỳ nghỉ đáng nhớ, Phúc Mập cùng vợ còn ghé một quán ăn có tiếng ở số 100 đường Hoàng Văn Thụ, quận Hải Châu để thưởng thức bánh bột lọc, bánh bèo.
Theo chủ quán tiết lộ, quán hoạt động đến nay đã hơn 25 năm. Không gian tuy nhỏ, cách bài trí đơn sơ song nơi đây vẫn là địa chỉ ẩm thực được nhiều du khách yêu thích vì “ngon bổ rẻ”.
Cũng như nhiều du khách khác, Phúc Mập đặc biệt thích món bánh bèo ở đây và khẳng định "nơi đây bán món bánh bèo ngon nhất mình từng thưởng thức". Anh tiết lộ từng không phải “tín đồ” của bánh bèo nhưng khi ăn nhiều lần thì dần thấy thích thú và mê mẩn hương vị món ăn béo ngậy, mềm mịn này.
Vị khách Tây 35 tuổi cũng dành thời gian thưởng thức thêm bánh canh – một trong những món ăn mà bản thân rất yêu thích khi sống ở Việt Nam. Anh gọi một tô bánh canh đầy đặn, gồm nhiều topping như thịt lợn, trứng cút, chả cá,… và bên trên rắc nhiều hành lá. Trước khi ăn, anh còn tỉ mỉ vắt thêm chanh và cho cả ớt xay.
Phúc Mập nhận xét, bánh canh ở đây khá dày nhưng vẫn có độ dai và mềm, còn nước dùng dậy mùi thơm, đậm đà hương vị đến mức “không có gì để chê”.
Kết thúc hành trình, vợ chồng Phúc Mập dừng chân tại quán bánh xèo Bà Dưỡng trên đường Hoàng Diệu. Quán hoạt động khá lâu đời, nằm trong con ngõ nhỏ song vẫn chật kín khách qua lại.
Nam du khách người Mỹ khẳng định, bánh xèo là một trong những món ăn mà bản thân đánh giá rất cao trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Anh đến quán này sau khi xem chỉ dẫn trên Google Map và thấy đây là địa chỉ nhận được hàng ngàn đánh giá tích cực từ khách hàng nên anh tin hương vị bánh xèo ở đây sẽ ngon.
So với món bánh xèo miền Tây mà bản thân từng thưởng thức, Phúc Mập nhận xét bánh xèo Đà Nẵng có kích thước nhỏ hơn song hương vị thì hấp dẫn không kém (Ảnh chụp màn hình).
Anh còn tỏ ra sành ăn như người Việt khi cuộn một miếng bánh xèo với bánh tráng, thêm rau sống rồi quệt với nước chấm làm từ sốt đậu phộng. Phần sốt chấm này cũng là nét khác biệt của quán so với các nơi khác.
Vị khách người Mỹ còn gọi cả nước mắm chua ngọt và đánh giá, dù bánh xèo ở đây ăn kèm với loại nước chấm nào thì cũng đều thấy ngon.
Phan Đậu