Tham dự hội thảo có hơn 150 nhà nghiên cứu đến từ hơn 30 trường đại học trong cả nước trong lĩnh vực điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin. Hội nghị trở thành diễn đàn quốc gia chính thức để các nhà khoa học Việt Nam có thể gặp gỡ, trao đổi và hợp tác.

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Minh Hồng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong những năm qua, REV - ECIT 2015 được khẳng định là hoạt động trao đổi học thuật uy tín cấp quốc gia do Hội Vô tuyến Điện tử tổ chức, theo mô hình kết hợp giữa Hội khoa học với các trường đại học nhằm tạo lập một diễn đàn trao đổi chuyên sâu có chất lượng về các lĩnh vực thuộc chuyên ngành điện tử, công nghệ thông tin và truyền thông.

Hội thảo năm nay thu hút được 62 bài báo dạng thuyết trình và 30 bài báo dạng poster trên tổng số 135 bài báo đăng ký. Các chủ đề được trình bày đều là các lĩnh vực được quan tâm hiện nay như khoa học máy tính, kỹ thuật truyền thông, mạng truyền dữ liệu, xử lý tín hiệu và hình ảnh và điện tử y sinh…

Đây cũng là dịp để các nhà khoa học chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm quý báu, những kết quả trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong các lĩnh vực nói trên.

Trong hai ngày diễn ra hội thảo, các chủ đề bao phủ toàn bộ các lĩnh vực về điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin sẽ được đưa ra trao đổi. Ngoài các phiên kỹ thuật, REV - ECIT 2015 sẽ tổ chức một diễn đàn trao đổi về đào tạo, kiểm định chương trình Điện tử, Truyền thông và Công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nhân lực công nghệ cao.

Ông Đoàn Quang Hoan – Cục Trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, trình bày về hiện trạng quy hoạch và sử dụng băng tần cho thông tin di động của Việt Nam, đánh giá sự tăng trưởng của thị trường thông tin di động giai đoạn 2011-2014 cũng như dự báo nhu cầu giai đoạn 2015-2020 để đánh giá nhu cầu phổ tần đối với thông tin di động băng rộng của Việt Nam. Bên cạnh đó có các giải pháp quy hoạch lại các băng tần hiện có cho thông tin di động băng rộng và tìm kiếm quy hoạch băng tần mới cho thông tin di động băng rộng của Việt Nam.

Đại diện Viện nghiên cứu quốc gia Nhật Bản, TS. Tetsuya Miyazaki trình bày về các công nghệ PNRI hội tụ giữa liên lạc quang-vô tuyến và công nghệ SDM cho mạng thế hệ mới. GS. Huỳnh Hữu Tuệ - Đại học Quốc gia TP.HCM mang đến hội thảo với bài nói về điều chế đa sóng mang như công cụ chống nhiễu nhân tạo cho hệ thống liên lạc trên đường điện (PLC).