TIN BÀI LIÊN QUAN:
Khi mở cửa những năm 1960, Trại hè thiếu nhi quốc tế Songdowon là một trung tâm của những giao thoa văn hóa giữa các nước bạn bè của Triều Tiên.
Valentina Boltacheva, một cô gái 19 tuổi ở thị trấn gần Vladivostok ở vùng
viễn đông của Nga, từng tới trại Songdowon năm cô 14 tuổi. Valentina tham gia
một cuộc thi ở địa phương dành cho con em các lao động nhà máy nơi mẹ cô làm
việc với giải thưởng là những tấm vé tới Songdowon.
Valentina trả lời câu hỏi về lịch sử nhà máy sản xuất máy bay của mẹ cô và về Triều Tiên. Cô đã làm tốt và trở thành một trong 30 trẻ nhỏ được chọn.
"Tôi nghĩ Triều Tiên là một đất nước rất hiếu khách. Chúng tôi được đón tiếp nhiệt tình, luôn vui vẻ và được đối đãi rất tốt. Nhìn chung mọi người rất thân thiện", Valentina kể lại.
Trại hè - gồm những tòa nhà màu trắng rộng rãi với cầu trượt nước nhiều màu sắc - mở cửa trong mùa hè cho những học sinh đạt thành tích cao ở Triều Tiên. Nơi đây cũng đón tiếp các thiếu niên nước ngoài trong 2-3 tuần mỗi tháng 7.
Những người tổ chức ở Songdowon có nhiều hoạt động như cắm trại, tập thể dục buổi sáng và đi thăm các công viên giải trí. Học sinh nước ngoài phải thể hiện một màn trình diễn văn hóa bắt buộc. Nhóm của Valentina chọn một điệu nhảy dân gian Nga.
"Trên đường phố, chúng tôi thấy các đội viên tiền phong. Khắp mọi phòng chúng tôi tới trong khách sạn ở Trại đều có chân dung của Kim Il-sung và Kim Jong-il", Valentina nhớ lại. "Mọi người rất yêu nước, gần như ngày nào chúng tôi cũng thấy người ta tới các đài kỷ niệm để đặt hoa và hát những ca khúc yêu nước. Điều đó thật lạ đối với tôi".
Chỗ ở rất tách biệt, với các học sinh nước ngoài được giữ cách xa học sinh địa phương. Tuy nhiên, Valentina cho hay, cô không thấy có bất kỳ rắc rối nào và có thể kết bạn với 2 người bạn Triều Tiên nói được tiếng Anh và một chút tiếng Nga.
Matthew Reichel, người đồng sáng lập Dự án Trao đổi Bình Nhưỡng - một tổ chức
phi lợi nhuận Canada chuyên thúc đẩy trao đổi văn hóa với Triều Tiên - cho biết
ông đồng cảm với những người tổ chức trại hè khi họ đang phải dốc sức thực hiện
nhiệm vụ khó khăn hàng năm là thuyết phục học sinh nước ngoài tới nơi đây.
"Trại phải mang tính quốc tế - đó là một phần lý do nó được xây dựng. Sẽ là
thất bại về mục đích nếu không thu hút được học sinh quốc tế", Reichel nói.
Ông cho hay, các nhà tổ chức đã đưa ra nhiều chương trình học bổng và giảm bớt chi phí để lôi kéo trẻ em ở những nước như Mongolia, Nga và thậm chí những nơi xa xôi như Tanzania. Nhưng tình hình ngày càng khó khăn.
"Người Trung Quốc ngày càng kén chọn về nơi họ muốn đi - họ thích châu Âu, Canada, Mỹ... Và Hàn Quốc cũng đang tổ chức nhiều trại hè cho trẻ em - vì vậy có rất nhiều cạnh tranh", Reichel nói thêm.
Ông Reichel cho biết, khu vực này là một lựa chọn tự nhiên với những ngọn núi và bãi biển đẹp tuyệt vời. Tuy nhiên, Reichel thừa nhận vẻ đẹp tự nhiên của Triều Tiên không phải là yếu tố đầu tiên xuất hiện trong đầu một số du khách phương Tây khi tới đây. Hầu hết họ chỉ quan tâm đến hệ thống chính trị của Triều Tiên.
Còn đối với Valentina, dường như Triều Tiên không còn đứng đầu danh sách các
điểm đi nghỉ của cô. "Tôi mơ được tới các nước châu Âu", cô bày tỏ.
Thanh Hảo (Theo BBC)