Facebook đang gặp rắc rối tại Brazil, nơi một phó chủ tịch cao cấp của hãng bị cảnh sát tạm giữ vì "dám cãi lệnh" không chuyển giao dữ liệu liên quan tới tội phạm theo yêu cầu của chính quyền sở tại.
Rõ ràng Brazil không phải là Mỹ, nơi "đồng nghiệp" của Facebook là Apple đang thách thức yêu cầu của FBI mà không hề hấn gì. Tòa án Mỹ vừa tuyên Apple không phải tuân theo yêu cầu của chính phủ Mỹ cho phép FBI thâm nhập vào chiếc iPhone của tội phạm.
Facebook cũng vướng vào rắc rối y hệt như Apple tại Brazil. Chính quyền sở tại yêu cầu mạng xã hội này phải giao nộp các dữ liệu trên ứng dụng tin nhắn WhatsApp (thuộc Facebook) liên quan tới vụ điều tra buôn bán ma túy. Facebook đã từ chối và dẫn tới kết quả như trên.
Phát ngôn viên cảnh sát địa phương nói rằng họ tìm kiếm sự giúp đỡ của Facebook trong vụ án mà kẻ tình nghi đã sử dụng hai công cụ liên lạc của Facebook là Messenger và WhatsApp để liên hệ và điều hành hoạt động buôn lậu phi pháp.
Sau 3 lần liên tiếp không tuân thủ trát của tòa trong 4 tháng, cảnh sát Brazil tuyên bố Facebook chống lệnh và đã tiến hành bắt giữ người điều hành Facebook tại đây, tức là phó chủ tịch cao cấp Diego Dzodan.
Ngoài ra, cách đây 2 tháng, tòa án Brazil cũng phạt Facebook 12.600 USD mỗi ngày vì thái độ bất hợp tác. Số tiền phạt đã tăng lên 253 ngàn USD vào cuối tháng trước và ngay sau đó lệnh bắt giữ Diego Dzodan đã được chuẩn thuận.
"Chúng tôi thực sự thất vọng vì hành động này. Facebook luôn và sẽ sẵn sàng giải quyết bất cứ câu hỏi nào mà chính quyền Brazil đưa ra", phát ngôn viên Facebook phản hồi.
Facebook nói rằng ứng dụng WhatsApp mà hãng này mua lại với giá 19 tỉ USD năm 2014 được vận hành độc lập. Hiện có tới 86% người dùng Internet tại Brazil là thành viên của WhatsApp. Chính do cơ chế mã hóa quá mạnh của WhatsApp mà Facebook nói rằng họ không thể chuyển giao dữ liệu theo yêu cầu của chính quyền sở tại. Ngoài ra, Facebook cũng cho biết họ không lưu dữ liệu trên máy chủ trung tâm nên càng khó đáp ứng yêu cầu.
Đây không phải lần đầu tiên WhatsApp bị đưa vào tầm ngắm tại Brazil. Cuối năm ngoái, tòa nước này đã đưa ra lệnh cấm tạm thời sau nhiều tháng vận động hành lang của các công ty viễn thông trong nước.
Nguyễn Minh (theo Digitaltrends)
XEM CÁC TIN CÔNG NGHỆ MỚI NHẤT:
Nín thở chờ trứng rồng Slovenia ấp nở